Bình dân hóa dịch vụ roaming

Trong bối cảnh nhu cầu “xuất ngoại” của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming) trở thành một trong những dịch vụ quan trọng bậc nhất để doanh nghiệp viễn thông khai thác và khẳng định hình ảnh chăm sóc khách hàng.

Bình dân hóa dịch vụ roaming - 1
Viettel miễn phí cước nhận tin nhắn roaming cho khách hàng.
 
Khi đi công tác hay du lịch ở nước ngoài, ai cũng có mong muốn liên lạc với gia đình, bạn bè. Trên thực tế, có một số cách phổ biến như mua sim của nước sở tại, sử dụng tính năng gọi điện qua Internet hay dùng phần mềm Skype cài trên điện thoại.

Tuy nhiên, những cách này khá phức tạp, tốn nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị, thậm chí phải hẹn trước với người nhận cuộc gọi và đôi khi không thể kết nối được.

Một cách tối ưu khác, người đi ra nước ngoài có thể đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming), và có thể sử dụng chính số thuê bao di động đang dùng trong nước để tiếp tục sử dụng các dịch vụ thoại, SMS, GPRS, EDGE và 3G ở nước ngoài.

Tuy nhiên, thời gian qua dịch vụ roaming vẫn chưa thực sự thu hút được các thuê bao di động, chỉ có khoảng 1% số người Việt Nam khi đi ra nước ngoài sử dụng dịch vụ này.

Nguyên nhân xuất phát từ thủ tục đăng ký rườm rà, nhiều điều kiện ràng buộc, thậm chí phải đặt cọc một số tiền khá lớn, vùng phủ hạn hẹp… Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là chi phí dịch vụ còn quá cao.

Nhận thức được ngách thị trường còn bỏ ngỏ, các nhà mạng đã liên tục đưa ra các chính sách mới. Biện pháp đơn giản nhất là dỡ bỏ các yêu cầu về đặt cọc, trình diện hộ khẩu… Phức tạp hơn, nhà mạng mở rộng đối tượng sử dụng dịch vụ.

Như trường hợp của Viettel, nhà mạng này không chỉ cung cấp dịch vụ cho thuê bao trả sau mà còn cung cấp dịch vụ cho thuê bao trả trước. Thậm chí, Viettel miễn phí cước nhận tin nhắn roaming cho khách hàng.

Tháng 10 vừa qua, Viettel tạo bất ngờ khi loan báo phương thức tính cước chung theo vùng địa lý và giảm đến 60% giá cước của dịch vụ roaming quốc tế chiều đi cho các dịch vụ cơ bản như gọi, nhắn tin, hay nhận cuộc gọi…

Đối với các nhà mạng khác như Vinaphone, Mobifone hay Vietnammobile.. phương thức tính cước roaming vẫn được áp dụng trên cước của mạng khách và tính thêm phí quản lý.

Mức cước mới được Viettel công bố chỉ khoảng 1 USD/phút khi gọi về Việt Nam, thấp hơn đến 80% khi so sánh với giá cước được tính theo phương thức tính dựa vào giá cước của mạng khách.

Trước đây, khi khách hàng roaming tại khu vực châu Âu và gọi về Việt Nam thường phải trả xấp xỉ khoảng 120.000đ/phút, tại khu vực châu Á thì trung bình khoảng 42.000đ/phút. Tương tự, dịch vụ SMS cũng được Viettel giảm tới 40%, và Data giảm là 67%.

Cán bộ tại một doanh nghiệp viễn thông tiết lộ rằng, kinh doanh dịch vụ roaming quốc tế là phải bù “lỗ”. Thế nhưng, vì lợi ích của khách hàng, các doanh nghiệp đã chấp nhận điều này.

Thời gian qua, dịch vụ roaming của các nhà mạng Việt Nam đặc biệt cải thiện về vùng phủ. Tính đến hết tháng 6 vừa qua, Viettel đã roaming với hơn 130 quốc gia/vùng lãnh thổ; Vinaphone: 87 quốc gia/vùng lãnh thổ và Mobifone roaming với 86 quốc gia/vùng lãnh thổ, và Vietnamobile, Sfone, EVN thì có quy mô vùng phủ khiêm tốn hơn.

Khi khách hàng được cung cấp một dịch vụ tốt hơn, họ luôn hào hứng đón nhận. Điều này có thể được chứng minh qua chia sẻ của chủ doanh nghiệp vừa có chuyến công tác nước ngoài, chị Hoàng Loan: “Trước đây, tôi thường phải cố gắng hạn chế tối đa gọi điện, nhắn tin hay thậm chí nhận cuộc gọi, vì sợ cước phí quá đắt và rắc rối. Nhưng vừa rồi, theo chương trình giảm giá cước của Viettel, tôi rất mừng khi tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng so với những chuyến công tác trước mặc dù mức độ sử dụng như nhau”.

Như vậy, chỉ cần doanh nghiệp tối đa hóa được lợi ích, sự tiện lợi và cung cấp dịch vụ với giá cước hợp lý, khách hàng sẽ không còn “thờ ơ” với dịch vụ roaming.

PV