Giám đốc điều hành CLB XMXT Sài Gòn Trần Tiến Đại
“XMXT Sài Gòn cũng là một phần của bóng đá TPHCM”
(Dân trí) - Xung quanh chuyện Liên đoàn bóng đá TPHCM đề ra kế hoạch hoạt động của năm 2013 mà không nói đến CLB XMXT Sài Gòn khiến dư luận khá bất ngờ. Về vấn đề này, chúng tôi có trao đổi với đại diện CLB XMXT Sài Gòn và họ cũng tỏ ra rất ngạc nhiên.
GĐĐH CLB XMXT Sài Gòn Trần Tiến Đại nói: “Qua báo chí, tôi có biết thông tin phía HFF lên kế hoạch cho năm 2013 mà không đề cập đến CLB XMXT Sài Gòn. Tôi cho rằng điều này là không công bằng với chúng tôi. Làm vậy khác nào tạo cho chúng tôi có cảm giác XMXT Sài Gòn đang bị tẩy chay!”.
CLB XMXT Sài Gòn đang là một phần quan trọng của bóng đá TP.HCM
Trước đó, trong ngày công bố kế hoạch hoạt động năm 2013 của LĐBĐ TPHCM, khi các phóng viên đặt câu hỏi về bóng đá đỉnh cao TPHCM, trong đó có chuyện XMXT Sài Gòn hiện là đại biểu duy nhất của bóng đá thành phố ở đỉnh cao nhưng không được đề cập đến, TTK HFF Trần Đình Huấn cho biết các CLB chuyên nghiệp, trong đó bao gồm cả XMXT Sài Gòn hoạt động độc lập, được điều hành độc lập nên HFF không can thiệp đến.
Phát biểu như thế không sai, nhưng vẫn chưa đủ. Thật ra, HFF với vai trò của một tổ chức xã hội hóa chính là cầu nối giữa các CLB với các cấp hoặc các bộ phận có liên quan. Một khi HFF không thể hiện được vai trò cầu nối xung quanh việc tạo định hướng, cũng như kết nối giữa các CLB thành viên với ngành TDTT thành phố hoặc xa hơn nữa, thì chẳng khác nào HFF đang triệt tiêu chính nhiệm vụ xã hội hóa của chính mình.
Giải pháp được TTK HFF Trần Đình Huấn đưa ra: “Đến năm 2016, TPHCM sẽ có đội bóng chuyên nghiệp mang bản sắc của bóng đá TPHCM đá V-League”, trong khi đội bóng này thực chất mới chỉ đá hạng… Nhì rõ ràng cho thấy tính khả thi chưa cao.
Cứ cho rằng đội bóng này 3 năm liền thăng 3 hạng để từ hạng Nhì lên V-League vào năm 2016, thì cũng khó có chuyện TPHCM dùng tiền ngân sách để nuôi một đội bóng chuyên nghiệp đá ở V-League như ý của ông TTK, bởi làm thế là đi ngược lại với xu thế xã hội hóa TDTT.
Đến thời điểm ấy, nếu thực sự đội trẻ TPHCM thăng lên V-League, chắc chắn thành phố cũng phải chọn phương án tìm doanh nghiệp tiếp nhận đội, cũng phải tìm cho đội bóng một bộ máy điều hành độc lập như cách chính ông TTK nói ở trên khi đề cập đến XMXT Sài Gòn.
Điều đáng nói là ở chỗ đó, HFF không đề cập đến một CLB chuyên nghiệp hiện hữu đang mang mác bóng đá TPHCM thi đấu ở đỉnh cao, nhưng lại đang tính đường cho một đội bóng khác nếu thực sự lên chuyên nghiệp cũng sẽ hoạt động theo đúng quy trình mà XMXT Sài Gòn đang hoạt động?!
Một trong những vấn đề khác khiến dư luận băn khoăn, là việc giải đấu quan trọng nhất trong năm của bóng đá TPHCM là cúp quốc tế thành phố cũng không thấy xuất hiện đội tuyển TPHCM như những năm trước đây.
Xung quanh vấn đề trên, ông đại diện phía CLB XMXT Sài Gòn, ông Trần Tiến Đại nói: “Tôi thấy dư luận lên tiếng về chuyện cúp bóng đá TPHCM mà không có đội tuyển thành phố thi đấu không phải là vô cớ. Người dân thành phố nhiều lúc rất muốn xem những cầu thủ của địa phương mình thi đấu ra sao. Hiện chúng ta có sẵn các đội bóng đỉnh cao của TPHCM sao không tận dụng nguồn cầu thủ đang có, để cầu thủ của mình có dịp đá cọ xát”..
Trước đây, cúp bóng đá TPHCM luôn có đội tuyển TPHCM tham dự. Nhưng có một giai đoạn, do các đại biểu của TPHCM quá yếu, nên đội tuyển không được thành lập.
Hiện giờ, một khi XMXT Sài Gòn đã là thế lực của bóng đá Việt Nam, nên chăng HFF nên tính đến khả năng thành lập đội tuyển thành phố, có bổ sung các cầu thủ xuất sắc tại các giải bóng đá sinh viên hoặc bóng đá phong trào TPHCM – một hình thức khuyến khính cầu thủ phong trào lên đỉnh cao, cũng như các cầu thủ xuất thân từ bóng đá TPHCM (Minh Phương, Quang Thanh, Ngọc Hùng, Ngọc Thanh…).
Đành rằng cúp bóng đá TPHCM là ưu tiên cho đội tuyển U.23 Việt Nam hoặc đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho các giải đấu lớn hàng năm. Nhưng một khi BTC giải này năm nào cũng mời các đội dạng như sinh viên Hàn Quốc, hoặc các CLB làng nhàng của Hàn Quốc tham dự, thì thật không công bằng nếu không bổ sung thêm đội tuyển TPHCM, ở giải đấu diễn ra ngay trên sân nhà.
Làm vậy, có khi HFF sẽ thu hút người hâm mộ nhiều hơn, cũng như đỡ mang tiếng là không chú tâm đến bóng đá đỉnh cao thành phố, không chú tâm đến các CLB chuyên nghiệp của TPHCM.
Vấn đề là trong khi chủ tịch HFF Trần Anh Tú chắc chắn không thể nào quán xuyến hết mọi chuyện, thì những người ngay dưới ông Tú có thực sự tìm hướng đi đúng cho bóng đá thành phố hay không?
Kim Điền