VPF và chuyện trăm dâu đổ đầu tằm

Phạm Huy

(Dân trí) - Các giải đấu "đóng băng" vì đại dịch Covid-19, bóng đá Việt Nam vẫn dậy sóng khi các đội bóng chỉ trích VPF. Trong hoàn cảnh hiện tại, việc hài hòa, đảm bảo lợi ích cho tất cả là điều vô cùng khó.

Cuộc họp trực tuyến giữa VPF và 27 CLB V-League và hạng Nhất ngày 24/7 đã trở thành nơi để nhiều đội bóng trút giận. Đại diện các đội bóng chỉ trích mạnh VPF không có một giải pháp mang tính thực tế với điều kiện dịch Covid-19 hiện tại, khiến các đội phải bỏ ra chi phí lớn nuôi quân từ tháng 5.

Bên cạnh đó, một số đội bóng cho rằng VPF đã không minh bạch trong việc kiểm phiếu khi xin ý kiến về phương án lùi V-League sang năm 2022. Cũng có không ít ý kiến, thậm chí là sự bức xúc khi nói VPF không tôn trọng, vô cảm với các CLB.

Đặc biệt, có ít nhất 5 đội bóng yêu cầu phải tổ chức Đại hội Cổ đông bất thường để thay đội ngũ lãnh đạo VPF, trong đó người đứng đầu công ty là ông Trần Anh Tú đang ngồi nhiều ghế ở VPF và VFF…

VPF và chuyện trăm dâu đổ đầu tằm - 1
Cuộc họp có nhiều tranh cãi giữa VPF và 27 đội bóng.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên VPF hứng chịu những chỉ trích như vậy. Những chuyện mà các đội bóng bức xúc đều đã từng xảy ra trong quá khứ.

Còn nhớ ở mùa giải 2020, khi bóng đá Việt Nam cũng rơi vào cảnh lao đao vì đại dịch, nhiều quyết định được VPF và các đội bóng thay đổi liên tục để ứng phó với tình hình. Giải đấu khi đó cũng từng trải qua nhiều sóng gió và có nguy cơ bị hủy.

Nhưng rồi bóng đá Việt Nam vẫn trở lại mạnh mẽ. Trận đấu giữa CLB Nam Định và HA Gia Lai trở thành tâm điểm của cả thế giới, khi những khán đài tràn ngập khán giả. Cần phải nhắc lại rằng thời điểm đó, hàng loạt các giải lớn của châu Á, châu Âu hoãn hoặc hủy, trong khi số ít trận diễn ra trong điều kiện không có khán giả.

Một mùa giải đầy thách thức khép lại thành công trọn vẹn, ghi nhận công lớn của những người chèo lái con tàu VPF. Rất nhiều CLB đã phải thừa nhận V-League 2020 về được đích là một kịch bản nằm ngoài mong đợi.

Với VPF, sau khi vượt qua nhiều khó khăn đại dịch, công ty này vẫn kiếm đủ 3 nhà tài trợ cho các giải chuyên nghiệp Việt Nam là V-League, hạng Nhất và cúp Quốc gia.

VPF và chuyện trăm dâu đổ đầu tằm - 2

Hình ảnh khiến cả thế giới phải thèm muốn ở mùa giải V-League 2020.

Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VPF, cho biết hợp đồng năm nay giữa VPF và nhà tài trợ V-League có hai điểm mới so với hợp đồng của mùa giải 2020. Cụ thể là giá trị hợp đồng tăng lên và thời hạn hợp đồng sẽ kéo dài 3 năm thay vì 1 năm.

Thực tế trước khi V-League phải tạm dừng vì dịch Covid-19, các giải bóng đá Việt Nam, đặc biệt là V-League đã diễn ra vô cùng hấp dẫn, số bàn thắng, lượng khán giả tăng lên ở từng vòng đấu.

Nhưng đại dịch đã khiến mọi nỗ lực của VPF, các đội bóng trở thành vô nghĩa, trước khi trở nên tồi tệ như "cuộc chiến" như đã thấy hôm 24/7 vừa qua. Nói cách khác, các giải pháp của VPF đưa ra, đều không khả thi trong điều kiện dịch bệnh. Các đội bóng cũng không có đề xuất nào thực sự phù hợp để V-League vẫn diễn ra trong mùa dịch.

Các đội bóng chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, nhưng dù sao vẫn có ngân sách từ tỉnh, có tài trợ… Trong khi đó, VPF thực sự khốn khổ khi doanh thu liên tục giảm, thậm chí lỗ.

Năm 2020, trong bản báo cáo tài chính của VPF ở đại hội cổ đông (nhiệm kỳ 2020-2023), dự tính ban đầu đơn vị này thu về khoảng 111,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ các hợp đồng quảng cáo tài trợ. Tuy nhiên, sau khi quyết toán, VPF cho hay đã lỗ khoảng 7 tỷ đồng. Trước đó, VPF lãi 300 triệu đồng (2019) và 2,8 tỷ đồng (2018), sau khi trừ đi 11 tỷ đồng kinh phí cho VFF, khoảng 44 tỷ tiền hỗ trợ cho các CLB trong 3 năm (2018 - 2020).

VPF và chuyện trăm dâu đổ đầu tằm - 3
Khó khăn cần được VPF và các đội bóng chia sẻ với nhau.

Chắc chắn mùa giải 2021 VPF lỗ to bởi giải đấu bị hủy giữa chừng, nhiều hợp đồng tài trợ, quảng cáo khó quyết toán. Quan trọng hơn, việc hủy giải đấu sẽ khiến VPF khó ăn khó nói khi đàm phán với các đối tác trong tương lai.

Như vậy, có thể thấy tổn thất về tài chính, hình ảnh của VPF không thua kém, thậm chí hơn nhiều các CLB. Dĩ nhiên, khi tham gia một cuộc chơi kinh doanh, lời ăn lỗ chịu, đó là điều mà cả VPF và các đội bóng phải hiểu và chấp nhận.

Trong hoàn cảnh này, khi mà các giải bóng đá đã bị hủy, thay vì chỉ trích nhau, VFP cùng các đội bóng nên ngồi lại với thái đội thực sự nghiêm túc và mang tính xây dựng, tìm giải pháp cho bóng đá Việt Nam.

VPF cần tôn trọng, hiểu được tâm tư của các CLB, ngược lại các đội bóng cũng có sự chia sẻ với VPF. Nói như một chuyên gia, bóng đá Việt Nam muốn phá thì quá dễ, bởi ai cũng có cái lý của mình, có những cái tôi lớn và cả sự hiềm khích, mâu thuẫn. Nhưng để tất cả có một cái nhìn chung hướng, lại là điều mà cả VPF và các đội bóng cùng phải suy nghĩ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm