Trước ngày khởi tranh V-League 2012

VPF quyết xóa bỏ tình trạng ông “bầu” sở hữu 2 đội bóng

(Dân trí) - Sau khi có giấy phép kinh doanh, các cổ đông VPF thống nhất tổ chức Đại hội vào ngày 14/12 để bầu ra Hội đồng quản trị. Hành động mạnh tay đầu tiên khi VPF ra đời là xóa bỏ tình trạng ông “bầu” sở hữu nhiều CLB trên cùng giải đấu…

Nhằm tạo ra sân chơi chuyên nghiệp đúng nghĩa, các cổ đông công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đều thống nhất phương án điều chỉnh quy định bóng đá chuyên nghiệp về vấn đề chủ sở hữu CLB. Cụ thể, VPF tiến hành bổ sung vào những điều lệ rõ ràng nhằm xóa bỏ tình trạng 1 ông chủ sở hữu nhiều đội bóng thi đấu cùng giải tồn tại nhiều năm qua.

 

Trong phần quy định trách nhiệm của từng CLB do các thành viên VPF soạn thảo nêu rõ: “CLB phải tham dự trận đấu với đội hình mạnh nhất, trong đó có ít nhất 6 cầu thủ đã thi đấu tại 1 trong 5 trận đấu trước đó.

 

Tổ chức hoặc cá nhân không được phép sở hữu nhiều CLB, đội bóng tham gia trong cùng một giải đấu. Không được có bất cứ thành viên nào trong gia đình cá nhân đó là thành viên, cổ đông, đối tác thương mại, nhà tài trợ hoặc cố vấn của CLB khác…”.
 
VPF quyết xóa bỏ tình trạng ông “bầu” sở hữu 2 đội bóng - 1
 "Bầu" Hiển buộc phải từ bỏ SHB Đà Nẵng hoặc Hà Nội T&T?
 

Việc 1 ông chủ sở hữu nhiều đội bóng cùng lúc không phải là hiếm gặp trong điều kiện bóng đá Việt Nam chập chững chuyển mình lên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng ông chủ sở hữu 2 đội bóng cùng góp mặt trên sân chơi V-League mới chỉ có ở tập đoàn T&T, dưới vai trò là nhà tài trợ chính cho CLB Hà Nội T&T (công ty cổ phần thể thao T&T) và SHB Đà Nẵng (công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng).

 

Kể từ khi SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T cùng thi đấu ở V-League (2009), không ít lần người hâm mộ, cùng các ông “bầu” khác đang đầu tư vào bóng đá đặt ra những dấu hỏi xung quanh mức độ trong sạch trước mỗi cuộc “nội chiến” của 2 đội bóng cùng thuộc sở hữu tập đoàn T&T.

 

Khi dư luận nghi ngờ, lãnh đạo VFF nhiều lần  khẳng định: “Đã thanh tra hàng năm và không phát hiện ra dấu hiệu cho thấy “bầu” Hiển nắm quyền sở hữu 2 CLB ở cùng giải V-League…”.

 

Nhưng lời giải thích VFF đưa ra chẳng đủ xua tan nghi ngờ, bởi ngay khán giả bình thường cũng dễ dàng nhìn thấy “bầu” Hiển mới là chủ sở hữu của Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng với những quyết định quan trọng về lực lượng, khung lương - thưởng cho các cầu thủ…

 

Để giải tỏa nỗi bức xúc tồn tại kéo dài, ngay khi có giấy phép kinh doanh, các đại diện của VPF đã tính đến phương án xóa bỏ tình trạng 1 ông chủ sở hữu 2 đội bóng thi đấu trên cùng giải V-League, thông qua việc điều chỉnh quy định về vấn đề sở hữu trước khi trình Đại hội cổ đông thông qua vào ngày 14/12.

 

Trước khi diễn ra Đại hội cổ đông, chiều qua (7/12) lãnh đạo VFF và đại diện một số CLB đã thống nhất những nội dung quan trọng về mô hình hoạt động của VPF. VPF là công ty đa chức năng và có thể kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, VPF sẽ xây dựng cho mình bộ phận phụ trách tài chính, kiểm toán độc lập nhằm minh bạch hóa các lĩnh vực kinh doanh. Theo lời Phó chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng: “VPF là công ty kinh doanh theo mô hình như công ty tài chính nên việ xây dựng bộ phận kiểm toán độc lập không có gì khó khăn”.

 

Về nhân sự, người đứng đầu điều hành hoạt động của VPF là GĐĐH công ty, vị trí dự kiến giao cho Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn. 2 Phó GĐĐH sẽ là gương mặt có kinh nghiệm điều hành công tác tổ chức giải đấu, cùng 1 thành viên đại diện cho các CLB. Theo nhiều nguồn tin cho biết, cựu “trưởng giải” Dương Nghiệp Khôi và GĐĐH Phạm Phú Hòa (ĐT Long An) đảm nhiệm vai trò hỗ trợ cho ông Phạm Ngọc Viễn.

 

Quang Vinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm