1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Trước giờ khởi tranh V-League 2012

Công ty bóng đá chuyên nghiệp chính thức được “khai sinh”

(Dân trí) - Sau nhiều ngày chuẩn bị thủ tục pháp lý, hôm nay (6/12) Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp đã nhận được giấy phép kinh doanh để bước vào chuẩn bị cho mùa giải 2012. Được kỳ vọng mang đến nhiều nét tích cực, nhưng khó khăn VPF phải đối mặt cũng không ít…

Thông tin từ VFF cho biết, ngày hôm nay Sở Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội đã hoàn tất thủ tục cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (gọi tắt là VPF). Việc VPF chính thức đi vào hoạt động là sự kiện lịch sử với bóng đá Việt Nam, khi các CLB sẽ đóng vai trò quyết định trực tiếp cuộc chơi. Sự ra đời của VPF được kỳ vọng tạo ra một sân chơi trong sạch - lành mạnh đúng nghĩa.
 
Công ty bóng đá chuyên nghiệp chính thức được “khai sinh” - 1
 Sự ra đời của VPF được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng giải V-League - Ảnh: Thục Linh
 

Dự kiến, Đại hội cổ đông VPF bao gồm 24 CLB chuyên nghiệp giải V-League, hạng Nhất và VFF sẽ nhóm họp vào ngày 13/12 để thống nhất mô hình hoạt động, đồng thời bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo tham gia điều hành hoạt động của VPF.

 

Đại hội cổ đông VPF chưa diễn ra, nhưng tới thời điểm này những vị trí chủ chốt chịu trách nhiệm điều hành công ty đã xác định gần như đầy đủ. Vị trí Chủ tịch HĐQT thuộc về Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, ông Lê Hùng Dũng. Chức danh Phó Chủ tịch HĐQT thuộc về chủ sở hữu CLB bóng đá Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên.

 

Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Phạm Ngọc Viễn giữ chức GĐ điều hành, kiêm Trưởng ban tổ chức giải V-League. Phó TTK Nguyễn Hữu Bàng đảm nhận vị trí Trưởng BTC giải hạng Nhất. Vị trí Trưởng ban trọng tài thuộc về ông Dương Vũ Lâm. Chức danh Phó GĐ điều hành được hướng đến ông Phạm Phú Hòa (GĐĐH  ĐT Long An).

 

Trong thời gian chờ VPF tổ chức Đại hội cổ đông, kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải V-League và hạng Nhất 2012 vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch dưới sự chỉ đạo của Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, TTK Trần Quốc Tuấn. Khi ra đời, VPF sẽ quản lý trực tiếp khoản tài trợ trị giá 30 tỷ đồng/mùa giải V- League từ Eximbank, khoản tài trợ của tập đoàn Hoa Sen cho giải hạng Nhất - Cup QG, tiền bản quyền truyền hình mà VFF ký kết với AVG.

 

Khi chấp bút l;ập mô hình thành lập VPF, “bầu” Kiên và nhóm doanh nghiệp tham gia đầu tư trực tiếp vào bóng đá tin tưởng số vốn điều lệ các CLB đóng góp (với đội bóng V-League là khoảng 1 tỷ đồng) và tiền tài trợ đủ giúp chi trả khoản kinh phí tổ chức các giải đấu. Tuy nhiên, trong buổi gặp mặt giữa VFF và các cổ đông, phương án đóng góp kinh phí vẫn được nhắc đến do tiền tài trợ, cùng vốn do cổ đông đóng góp được xác định không đủ chi phí cho công tác tổ chức, chế độ trọng tài…

 

Về cơ bản, hầu hết các CLB V-League và hạng Nhất đều thống nhất mô hình hoạt động của VPF. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vấn đề chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ các đại diện hạng Nhất, đặc biệt là ý tưởng hạn chế ngoại binh ở giải hạng Nhất và tiến đến sử dụng hoàn toàn cầu thủ nội kể từ mùa giải 2013.

 

Theo ý kiến của nhiều CLB, việc không sử dụng ngoại binh có thể làm suy giảm chất lượng giải hạng Nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp. Để không gây ra những khó khăn về vấn đề lực lượng, nhiều đại diện sân chơi hạng Nhất kiến nghị VPF nên duy trì số lượng ngoại binh như hiện nay.

 

Bên cạnh phương án hạn chế ngoại binh ở sân chơi hạng Nhất, VPF còn quy định mỗi CLB có tối thiểu 5 cầu thủ trẻ lứa U21 trong danh sách đăng ký thi đấu. Động thái của VPF mang mục tiêu nâng cao chất lượng các đội tuyển Việt Nam, nhưng có nhiều đại diện vẫn lo lắng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội hình CLB, dẫn đến suy giảm chất lượng chính giải đấu.

 

Chí Thành