"Cuộc chiến" bản quyền truyền hình bóng đá nội

VPF đề nghị Bộ xem lại 3 nội dung thanh tra

(Dân trí) - Sau buổi gặp gỡ báo chí, đại diện VPF đã gửi đơn khiếu nại lên Bộ VH-TT-DL đề nghị xem xét lại kết luận thanh tra với các nội dung về quyền sở hữu giải đấu, việc VFF tự ý chuyển nhượng thương quyền ĐTQG và thời hạn hợp đồng kéo dài 20 năm…

Nội dung đầu tiên được lãnh dạo VPF đề nghị lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, cùng Thanh tra Chính phủ xem xét lại là vấn đề quyền hạn và thẩm quyền của VFF trong việc ký kết hợp đồng chuyển giao bản quyền cho AVG.

 

Theo nội dung bản kết luận vừa được Thanh tra Bộ VH-TT-DL công bố, VFF chính là chủ sở hữu duy nhất các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp và có quyền quyết định việc ký kết hợp đồng chuyển giao bản quyền. Sau khi nghiên cứu chi tiết Điều lệ của VFF, Luật  TDTT, Luật dân sự, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. VPF cho rằng VFF không phải là chủ sở hữu duy nhất, đồng nghĩa không có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các giải chuyên nghiệp như nội dung kết luận mà đoàn Thanh tra đưa ra.
 
VPF đề nghị Bộ xem lại 3 nội dung thanh tra - 1
lãnh đạo VPF đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét lại kết luận thanh tra - Ảnh: V.S.I


Liên quan đến việc sở hữu thương quyền của các ĐTQG Việt Nam, lãnh đạo VPF cho rằng VFF đã sai khi chuyển nhượng thứ không phải của mình: Theo như hợp đồng ký kết giữa VFF với AVG (2010), VFF đã chuyển nhượng toàn bộ thương quyền của ĐTQG. VPF cho rằng hành động đó của VFF đã vi phạm nghiêm trọng Luật TDTT,  Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước. VFF là một tổ chức xã hội- nghề nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật trê, VFF chỉ là cơ quan quản lý các ĐTQG chứ không phải chủ sở hữu thương quyền.
 
Trong công văn khiếu nại gửi đến lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, đạo diện VPF thừa nhận trong pháp luật hiện hành chưa có quy định nào hạn chế thời  hạn hợp đồng chuyển giao hình ảnh. Tuy nhiên, việc VFF chỉ thu được 6 tỷ đồng/năm cho tất cả các Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đi kèm là điều khoản tăng 10% mỗi năm trong 20 năm sẽ gây thiệt hại rất lớn cho bóng đá nước nhà.

 

Khi có kế hoạch bán bản quyền 20 năm, VFF không thông báo công khai về chủ trương bán bản quyền dài hạn đã không tạo ra được sự cạnh tranh có lợi cho VFF và các CLB. Dựa trên những điều đã nêu, lãnh đạo VPF kiến nghị Bộ VH-TT-DL xem xét lại kết luận mà đoàn Thanh tra vừa đưa ra.

 

Sau khi Thanh tra Bộ VH-TT-DL công bố kết luận “Thanh tra hợp đồng chuyển nhượng thương quyền đối với các giải bóng đá thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam năm 2011-2030” giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Viễn Thông và truyền thông An Viên (AVG). Hôm nay (17/2), VFF đã có công văn số 90 gửi tới Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, các Ban tổ chức trận đấu của các CLB thực hiện nghiêm túc hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá giữa VFF - AVG.

 

Lãnh đạo VFF yêu cầu các bên cần tuân thủ đúng hợp đồng bản quyền truyền hình mà VFF ký kết với AVG, theo đúng kết luận của đoàn Thanh tra Bộ VH-TT-DL.

Bên cạnh văn bản chỉ đạo gửi đến VPF, các CLB chuyên nghiệp và Ban tổ chức địa phương. Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung còn ký công văn số 89 gửi tới các đài truyền hình Trung ương và địa phương đề nghị tôn trọng hợp đồng mà VFF đã ký với AVG. Tất cả các vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình các giải bóng đá thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (bao gồm các giải bóng đá chuyên nghiệp) cần phải đạt được sự thỏa thuận và xác nhận bằng văn bản từ phía AVG.

Chí Thành