Vòng 1 V-League 2018: Sức hút của U23 Việt Nam và hiệu ứng từ khán giả

(Dân trí) - Ấn tượng rõ rệt nhất của vòng khai mạc V-League 2018 là lượng khán giả đến sân rất đông, vượt ngoài dự kiến của các sân bóng. Nhưng cũng trong ngày mở đầu V-League, pháo sáng tiếp tục là căn bệnh khó trị đến từ CĐV quá khích Hải Phòng.

Sức hút từ hiện tượng U23 Việt Nam

Các trận đấu liên quan đến những đội bóng có đông tuyển thủ U23 Việt Nam đều đông nghẹt khán giả. Sân Hàng Đẫy bình thường vốn lặng như tờ nay thu hút hơn chục ngàn khán giả đến dự khán trận CLB Hà Nội – Hải Phòng.

Dĩ nhiên, có thể trận này đông vì đối thủ của CLB Hà Nội là đội bóng đất Cảng vốn có lượng người hâm mộ đông đảo tạo thủ đô. Nhưng nhìn từ một góc khác, có thể thấy những cái tên như Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh đã mang đến sức sống mới cho CLB Hà Nội.

Sân Thiên Trường thu hút hơn 2 vạn người xem trận Nam Định - Cần Thơ (ảnh: Gia Hưng)
Sân Thiên Trường thu hút hơn 2 vạn người xem trận Nam Định - Cần Thơ (ảnh: Gia Hưng)

Ngoài đóng góp về chuyên môn, họ còn góp phần kéo khán giả đến sân Hàng Đẫy, bởi hiện tại họ được hâm mộ hơn hẳn trước đây, sau kỳ tích của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á.

Nếu vẫn còn chưa tin vào điều này, có thể nhìn sang sân Pleiku, sân bóng suýt quá tải trong trận HA Gia Lai tiếp B.Bình Dương.

Ở mùa bóng trước, sân Pleiku dần thưa vắng, vì sức hút của lứa Công Phượng và các đồng đội giảm dần theo thời gian. Chỉ đến khi đội tuyển U23 Việt Nam thành công cách nay hơn 1 tháng, sức hút này mới trở lại, và HA Gia Lai lại là một trong hai đội bóng có nhiều tuyển thủ U23 nhất.

Sau nhiều năm, đội bóng thành Nam trở lại với V-League, tạo nên cơn sốt cho người hâm mộ nơi đây (ảnh: Gia Hưng)
Sau nhiều năm, đội bóng thành Nam trở lại với V-League, tạo nên cơn sốt cho người hâm mộ nơi đây (ảnh: Gia Hưng)

Sức hút từ phía những Xuân Trường, Công Phượng, Văn Thanh bỗng lớn trở lại, sau giải U23 châu Á, và lượng vé bán ra của HA Gia Lai, bao gồm cả vé từng trận và vé nguyên mùa, đều ở số lượng lớn.

Một đội bóng khác, thu hút đông khán giả ngày khai mạc, dù không sở hữu bất cứ tuyển thủ nào của đội tuyển U23 Việt Nam, đó là Nam Định.

Việc Nam Định thu hút hơn 2 vạn người đến sân Thiên Trường, nhân trận Nam Định – Cần Thơ, lại mang tính chất khác. Đã rất lâu rồi người dân thành Nam mới được xem đội bóng quê nhà thi đấu tại giải vô địch quốc gia, mà càng chờ đợi lâu, người dân thành Nam càng “khát” bóng đá.

Đó là tiền đề tốt cho các đội bóng, cho cả V-League khi khán giả đến sân đông. Điều quan trọng còn lại là làm sao giữ được tình yêu của người hâm mộ, qua chất lượng chuyên môn, qua chất lượng phục vụ của giải.

Đâu là thuốc đặc trị cho CĐV quá khích Hải Phòng thích đốt pháo sáng?

Một lần nữa làng cầu Việt Nam lại nhức nhối với hiện tượng CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng. Có thể số người đốt những quả pháo đấy chỉ là thiểu số. Nhưng sự quá khích và thiếu văn hoá của những CĐV kể trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người hâm mộ bóng đá đất Cảng nói chung.

CĐV Hải Phòng lại đốt pháo sáng tưng bừng tại V-League (ảnh: Gia Hưng)
CĐV Hải Phòng lại đốt pháo sáng tưng bừng tại V-League (ảnh: Gia Hưng)

Trọng tài Ngô Duy Lân buộc phải thổi còi kết thúc trận CLB Hà Nội – Hải Phòng sớm đến 2 phút, để đảm bảo an toàn cho những người có mặt trên sân, tức là mức độ gây ảnh hưởng của những quả pháo sáng từ phía CĐV quá khích Hải Phòng rất lớn.

Trước đây, không thiếu những án phạt cho việc đốt pháo sáng kiểu này, nhưng rõ ràng những án phạt đấy, từ phía Ban kỷ luật VFF không hiệu quả, không đánh đúng trọng tâm và không giải quyết tận gốc vấn đề.

Quậy phá trên sân bóng theo hình thức lặp đi lặp lại như trên thì đáng được xếp vào hàng ngũ hooligan, là những CĐV cực đoan.

Pháo sáng được ném xuống cả bên dưới sân, gây an toàn cho trận đấu (ảnh: Gia Hưng)
Pháo sáng được ném xuống cả bên dưới sân, gây an toàn cho trận đấu (ảnh: Gia Hưng)

Mà hình thức và biện pháp dành cho hooligan bóng đá trên toàn thế giới đáng để bóng đá Việt Nam, những người làm công tác kỷ luật trong bóng đá Việt Nam học tập. Đấy là lên danh sách những hooligan cộm cán nhất, thường xuyên dính đến pháo sáng, dán công khai nơi cổng của các sân bóng, phối hợp với công an địa phương, cấm không cho các hooligan vào sân có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Đừng sử dụng những án phạt chung chung nữa, cũng đánh đồng CĐV chân chính với các hooligan bóng đá nữa. Các hình thức kỷ luật nói chung cần đúng người và đúng địa chỉ! Điểm mặt đúng các hooligan và phạt trực tiếp những hooligan đấy!

Biện pháp tiếp theo là tăng cường kiểm soát an ninh ở các sân. Nói gì thì nói, việc để lọt những quả pháo sáng vào bên trong sân, được đốt lên rồi được ném xuống phía dưới, là trách nhiệm của lực lượng kiểm soát tại các cổng, của lực lượng bảo vệ trật tự trên các khán đài.

Bóng đá Việt Nam hoan nghênh những CĐV chân chính đến sân, nhưng cũng cần quyết liệt nói không với các hooligan. Nói không với hooligan cũng là cách bảo vệ vẻ đẹp của bóng đá, bảo vệ những người hâm mộ chân chính!

Kim Điền

Vòng 1 V-League 2018: Sức hút của U23 Việt Nam và hiệu ứng từ khán giả - 5