1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Việt Nam chưa biết khai thác tiềm năng “vàng”

Theo Liên đoàn bóng đá châu Á, bóng đá là một sản phẩm vàng đem lại nhiều lợi nhuận. Và Việt Nam hội đủ tất cả các công cụ để khai thác "mỏ vàng" này: CĐV hùng hậu, được sự quan tâm của giới truyền thông, chính phủ... nhưng chúng ta lại chưa biết tận dụng tốt tiềm năng đó.

Thời còn là danh thủ của bóng đá Malaysia (1968), Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá châu Á, ông Peter Velappan, đã sang Việt Nam trong lúc chiến tranh.

 

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có sự phát triển rất nhanh về kinh tế, đời sống người dân ngày càng được nâng cao nhưng bóng đá dường như lại chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có.

 

Ông Peter Velappan nói: "Trong mắt AFC, Việt Nam hội đủ các phẩm chất của một trong 10 nước có nền bóng đá phát triển nhất châu lục trong tương lai. 

 

Do vậy, nhiệm vụ của chúng tôi chính là giúp các bạn. Nó cần thời gian, một kế hoạch chi tiết, qui củ,... nhưng tôi tin Việt Nam sẽ thành công".

 

Bóng đá Việt Nam cần một nền tảng vững vàng để phát triển, và bám sát đội hình 1-5-3-2 mà AFC đã đặt ra sau thời gian dài nghiên cứu. Trong đó, đào tạo bóng đá trẻ, chống tiêu cực và làm tốt công tác tiếp thị sẽ giúp Việt Nam khai thác được rất nhiều "sản phẩm" quý giá từ "mỏ vàng" đó. Các kế hoạch nhỏ: 2 năm, 5 năm, 10 năm sẽ giúp Việt Nam đi dần vào quỹ đạo phát triển của bóng đá khu vực, thế giới. 

 

Trong chuyến sang Việt Nam khảo sát lần này để chuẩn bị triển khai Tầm nhìn châu Á, phái đoàn của AFC đã khá bất ngờ khi được thị sát một mô hình chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, CLB GĐT.LA.

 

Theo đánh giá của phái đoàn, nhà vô địch giải V-League 2005 khá hoàn hảo về công tác tổ chức, cơ sở vật chất, tập luyện, thi đấu,... Và để có thể trở thành hình mẫu cho bóng đá Việt Nam, họ vẫn cần một ít trợ giúp của AFC.

 

Nếu như đúng chương trình, tháng 12 tới đây, một bản kế hoạch chi tiết, 250.000 USD và các chuyên gia nước ngoài sẽ sang Long An giúp CLB hoàn thiện hơn nữa về công tác đào tạo trẻ. 

 

Đối với Liên đoàn bóng đá Việt Nam, chuyến thị sát lần này của AFC dường như không đúng thời điểm khi hàng loạt nghi án về tiêu cực bị cơ quan chức năng phanh phui. Cầu thủ bán độ, trọng tài môi giới, đưa và nhận hối lộ, không ít quan chức bao che,... khiến bóng đá Việt Nam bị bao phủ một màu u ám.

 

Nhưng ông Peter Velappan lại nghĩ khác và mong muốn Chính phủ, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần nhìn thẳng vào vấn đề, giải quyết tận rễ mọi tiêu cực, phải chịu đau một lần để bóng đá tươi sáng hơn.

 

Ông Velappan nói: "Đừng để mọi người hiểu rằng bóng đá và tiêu cực luôn phải đồng hành cùng nhau. Các bạn đang đi đúng hướng khi bóng đá Việt Nam ngày càng có tiếng nói trong khu vực. Do vậy, đừng để các vấn nạn trên ảnh hưởng đến sự phát triển của nó. Phải làm mạnh tay với các cá nhân, tập thể ảnh hưởng đến sự trong lành của môi trường bóng đá".

 

Nhưng cũng theo ông Velappan, đừng để bóng đá trở thành nạn nhân của các tiêu cực trên. Nếu như giải V-League 2006 bị ngưng trệ, nền bóng đá Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trên đấu trường khu vực. Bên cạnh đó, các nhà tài trợ cũng sẽ rất e ngại nếu có ý định đầu tư vào môn thể thao vua.

 

Do vậy, nếu cần thiết, AFC hứa sẽ cử các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong chống tiêu cực từ trọng tài, cầu thủ của các quốc gia Singapore, Malaysia sang giúp đỡ Việt Nam.

 

Theo Nguyễn Tuấn

Vnexpress