Vì sao U23 Việt Nam chỉ thắng Thái Lan ở giải giao hữu?

(Dân trí) - Cũng gần như đội hình này lúc đá với U22 Thái Lan tại SEA Games 29, U22 Việt Nam thua trắng 0-3, nhưng đến giải giao hữu ngay trên đất Thái, Công Phượng và các đồng đội lại thắng.

Không chỉ thành phần của U23 Việt Nam, thành phần của U23 Thái Lan cũng tương tự như đội hình từng dự SEA Games hồi tháng 8. Nhưng ngày hôm đấy, ngay chính người hùng của U23 Việt Nam trong trận đấu vừa rồi là Công Phượng còn không sút trúng hướng lần nào, kể cả khi đứng trước chấm 11m.

Dĩ nhiên, phong độ của các đội bóng mỗi lúc một khác, phong độ của U23 Việt Nam hiện tại khác với hồi tháng 8, và phong độ của đội U23 Thái Lan hiện cũng khác hồi SEA Games.

Tuy nhiên, vấn đề chính có lẽ nằm ở tâm lý của Công Phượng và các đồng đội. Không phải ngẫu nhiên mà Công Phượng nổi tiếng là ngôi sao của các trận giao hữu, ngôi sao của các trận đấu nhỏ, nhưng lại là cầu thủ tầm thường ở các trận cầu lớn.

Đá ở giải giao hữu, áp lực thành tích dành cho Công Phượng nói riêng và các cầu thủ U23 Việt Nam nói chung hầu như không có.

Khoảng cách giữa các trận chính thức và các trận giao hữu là rất xa nhau
Khoảng cách giữa các trận chính thức và các trận giao hữu là rất xa nhau

Mà khi không gặp áp lực, đương nhiên những đôi chân sẽ thanh thoát hơn, dễ dàng phô diễn kỹ năng của mình hơn.

Vấn đề tâm lý cũng không phải là vấn đề của riêng thế hệ hiện tại, đấy là điểm yếu nói chung của nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là khi đối diện với các đội bóng Thái Lan, ở những trận đấu mang tính một mất một còn.

Những trận đấu đấy, người ta đòi bản lĩnh của người tham gia cuộc chơi, và thường thì bản lĩnh của các cầu thủ Thái Lan, trong những thời điểm quan trọng tốt hơn các cầu thủ Việt Nam, nên họ thường thắng chúng ta ở các giải đấu chính thức, hơn là ngược lại.

Điều này thì hoàn toàn không phụ thuộc vào yếu tố may – rủi, mà phụ thuộc vào môi trường trưởng thành của chính các cầu thủ. Hầu hết các cầu thủ trên đội tuyển U23 Việt Nam cho đến đội tuyển quốc gia trưởng thành từ V-League.

V-League lại là giải đấu kém tính cạnh tranh, số lượng trận đấu mang tính sống còn mỗi mùa giải hầu như không đáng kể, nên từ đó các cầu thủ không được rèn luyện thói quen đối diện với áp lực lớn, thói quen vượt qua áp lực lớn, trước khi từ đó bản lĩnh của cầu thủ kém dần đi.

Thai-League của bóng đá Thái Lan thì ngược lại. Giải đấu của họ càng lúc tính cạnh tranh càng lớn, sức hấp dẫn càng cao, nên cầu thủ Thái Lan mỗi lúc mỗi được nâng cao về bản lĩnh.

Cùng một pha bóng, nhưng khi không gặp áp lực, các cầu thủ có thể xử lý khác, khi đối diện với áp lực, họ lại xử lý khác, mà chính Công Phượng hay Xuân Trường cũng là ví dụ điển hình: Họ từng đá như dệt gắm thêu hoa trước Campuchia, Đông Timor, Philippines ở SEA Games, trước U23 Thái Lan ở giải đấu giao hữu, nhưng lại “tắt điện” hoàn toàn trước Indonesia, U22 Thái Lan, cũng tại SEA Games.

Vấn đề khác liên quan đến quan điểm xây dựng các đội bóng của bóng đá Việt Nam. Đó là chúng ta thường hay nói đến yếu tố tinh thần khi bước vào các giải đấu chính thức. Mỗi lúc đội tuyển đạt kết quả tốt, lại cho rằng đấy là nhờ tinh thần tốt.

Vì phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố tinh thần, nên thay vì tập trung vào việc phát triển chuyên môn của các đội bóng, của các cầu thủ, chúng ta lại trông chờ quá nhiều vào cái gọi là “sức mạnh tinh thần”, thành ra lối chơi, phong cách thi đấu của nhiều cầu thủ từ đó cũng phụ thuộc không ít vào cảm tính.

Chừng nào các cầu thủ bớt đi sự cảm tính đấy, giới bóng đá Việt Nam tập trung vào tính chuyên môn hơn là mong chờ sự bùng nổ về mặt tinh thần, thì có thể đến lúc đó các đội bóng trong nước sẽ chơi ổn định hơn.

Khi đó, các đội bóng Việt Nam mới thật sự có được sự bình tĩnh, lạnh lùng và toan tính đúng, để không chỉ thắng Thái Lan trong các trận giao hữu, mà còn thắng ở các trận chính thức, ở các giải chính thức!

Kim Điền

Vì sao U23 Việt Nam chỉ thắng Thái Lan ở giải giao hữu? - 2

Dòng sự kiện: VCK U23 châu Á 2018