Cuối năm Ất Dậu, tự sự cùng Bóng Đá Việt Nam:

Vì anh vẫn yêu em…!

(Dân trí) - Đoàng! Đoàng! Đoàng! Trời long! Đất lở! Một cơn đại hồng thuỷ xuất hiện. Nàng từ từ hiện ra. Những lớp phấn son bong lở! Những chiếc áo hình thức xa hoa rơi xuống. Nàng hiện lên với đôi mắt ngời ngợi như lá rừng, giọng nói mát lành như nước suối...

Nàng lại là nàng của ngày xưa. Lạy chúa! Cái tình yêu mà ta đã cố tình giết chết, cái tình yêu tưởng như đã bị chôn vùi bỗng dưng trở dậy trong ta. Trái tim thoi thóp đập, ta lại thấy yêu nàng giống như thủa lần đầu gặp gỡ…

 

Bạn thân mến! Tôi chưa từng có người yêu, cũng không có thói quen tưởng tượng ra một người tình trong mộng. Bởi thế những dòng trên kia không phải để viết cho một cô gái, mà là viết cho Bóng đá. Viết cho người tình chung của chúng ta. Một người tình mà tôi và bạn đã từng yêu, đã từng căm giận, đã từng thù ghét…

 

1. Một năm chuẩn bị trôi qua, nhìn lại những gì mà người tình ấy đã đối xử với chúng ta, chắc hẳn bạn thấy phẫn nộ. Này nhé: trên 20 trọng tài rơi vào vòng lao lý. Này nhé: Hàng loạt HLV phải tra tay vào còng. Này nhé: 7 tội đồ U23 bán độ.

 

Đúng là một cơn đại hồng thuỷ trong làng bóng ! Những giông tố ấy, những khung trời bão nổ ấy có lẽ đã cướp đi của bạn niềm tin, và bạn nghĩ rằng phải ruồng bỏ người tình? Không! Với tôi thì ngược lại, sau cơn đại hồng thuỷ kia, khi mà người tình của chúng ta hiện lên một cách chân thật nhất, trần trụi nhất, tôi lại thấy yêu nàng. Vì sao?

 

Vì từ lâu rồi tôi đã dửng dưng với nàng, thù ghét sự giả dối, thậm chí có một cái gì đấy nanh nọc và gian trá của nàng. Năm 1996, khi mà ông thầy người Đức K.Wiegang chỉ mặt 4 tuyển thủ rồi hỏi: “các anh bán trận này bao nhiêu?” thì tôi đã nguyện xa nàng.

 

Nhưng tình yêu vốn là một cái gì đấy phi lý trí, vì vậy tôi lại đến sân, lại ngắm tấm thân kiều diễm và đôi khi chết chìm trong ánh mắt mông lung của nàng. Nhưng rồi nàng “nổi loạn”, tát cho tôi một cái thật đau. Cái tát ấy hoá thân trong cú sút phản lưới nhà của Lã Xuân Thắng (năm 1997) cùng một câu nói bất hủ: “em làm thế không phải chỉ cho em”. Sau cái tát ấy những niềm tin mong manh còn lại trong tôi sụp đổ.

 

Song có lẽ tôi là kẻ yếu đuối. Mà cũng có thể nữ thần Aphrôditê (nữ thần sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp) đã ban cho nàng chiếc thắt lưng màu nhiệm, có khả năng thôi miên tất cả đàn ông trong cái thế giới nhỏ bé này. Vì thế tôi vẫn không quên được nàng.

 

Thậm chí chỉ 1 năm sau, khi mà bầu trời HN tưởng như vỡ tung sau màn đại phá Thái Lan 3-0 (Tiger Cup năm 98) thì tôi đã nghĩ rằng mình sẽ ở bên nàng mãi mãi. Lúc đó sao mà người tình của tôi đẹp thế! Gương mặt nàng rạng rỡ như thiên thần, tâm hồn nàng trong sáng và nhân hậu như đức mẹ đồng trinh.

 

Lúc đó, tôi và hàng triệu những gã si tình như tôi đã chờ đợi, đã tin tưởng nàng sẽ vượt qua cửa ải cuối cùng để bay về cõi chúa. Nào có ngờ vào cái lúc mà niềm tin lên cao nhất, vào cái lúc mà tình yêu tưởng như không có gì chia cắt nổi thì nàng, đau đớn thay, đắng cay và nghiệt ngã thay, nàng đã…ngoại tình.

 

90 phút của trận CK Tiger Cup 98 ấy cứ ám ảnh tôi mãi tới bây giờ. Một bàn tay của thủ môn Tiến Anh giơ cao, chới với trước quả bóng. Cái “lưng rùa” của Sasikumar xuất hiện, chạm nhẹ vào bóng. Mành lưới rung lên. Cả Hàng Đẫy chết lặng. Cả Hà Nội chết lặng. Cả Việt Nam chết lặng…

 

2. Lúc ấy, tôi 14 tuổi, học lớp 10, đã bắt đầu tập toẹ viết những bài bình luận đầu tiên. Lúc ấy, tôi lờ mờ nhận ra một cái gì đó vô lý, thậm chí là phi lý, phi logic trong một trận cầu định mệnh. Và từ lúc ấy, trái tim tôi vô cảm.

 

Từ lúc ấy, bất luận nàng đẹp hay xấu, bình yên hay dữ dội tôi cũng đều dửng dưng. Dửng dưng với tấm HCB SEA Games 20. Dửng dưng với những cái thua chết người tại SEA Games 21. Dửng dưng với “màn trò bán độ” trong trận thua Perak tại JVC Cup trước thềm SEA Games 22…

 

Thực ra trong những bài viết đây đó của mình, tôi cũng cố bắt chước ai đó thốt lên mấy chữ: “buồn quá”, rồi “vui quá”, “đau quá”, rồi “sướng quá”... Vì sao? Vì nghề báo dạy rằng phải viết như thế, “sống chết” với từng con chữ như thế thì bài báo mới có hồn.

 

Đến một ngày kia, tự thấy mình hèn nhát trước những sự giả tạo ấy, tôi đã chủ động cắt đứt với nàng. Tôi viết những cái mới, đi tìm những vườn ươm mới…

 

Những khu vườn mới thật nhiều hương thơm trái ngọt. Nhưng cũng ở nơi đấy  tôi nhận ra luôn có nhiều trái cấm. Và hiển nhiên một kẻ hèn như tôi không thể bắt chước Adam để chạm răng mình vào trái cấm. Thế là hình ảnh người tình cũ hiện lên, không phải trong một nỗi nhớ, cũng không phải trong một tình yêu, đơn giản chỉ là: lúc đấy tôi mới nhận ra rằng ở bên cạnh nàng tôi thực sự được tự do . Thêm nữa, những lời mời hấp dẫn cứ tới tấp xuất hiện. Tôi quay lại với nàng. Không phải để yêu, mà chỉ là để chung sống, một cuộc sống trong vô cảm.   

 

3. Sự vô cảm giết chết thái độ thù ghét, phẫn nộ. Sự vô cảm giết chết tình yêu, giết chết sự rung động và khả năng chết lặng hoặc khả năng nổi loạn của trái tim. Lúc đấy người ta chỉ sống, chỉ làm việc một cách bản năng chứ không còn cảm hứng. Khi mà tôi đã chấp nhận điều đó thì kỳ lạ thay, cơn đại hồng thuỷ kia xuất hiện.

 

Làng bóng Việt Nam chưa bao giờ rung động đến thế. Cứ lần lượt, lần lượt những tội đồ ra đi. Cứ lần lượt, lần lượt, những chiếc “mặt lạ” trên mặt nàng được tháo bỏ. Nàng không còn giấu trái tim ác quỷ của mình trong một vẻ ngoài hào nhoáng nữa.

 

Sự giả dối đang chết dần ( chắc chắn chưa thể là tất cả). Nàng từ từ hiện lên, không đẹp! Tất nhiên! Không lộng lẫy! Tất nhiên, nhưng nàng chân thật, giọng nói lại mát lành như nước suối, ánh mắt lại ngời ngợi như lá rừng… Nó làm sự vô cảm trong tôi chết đi. Một tình yêu trở lại!

 

Câu chuyện bóng đá phải chăng cũng bộc lộ một chân lý cuộc đời: Những cái gì đã là của nhau thì mãi mãi sẽ là của nhau? Phải thế không hỡi người bạn đọc khó tính, những người đã cố chịu đựng để cùng tôi đi tới những dòng cuối cùng của bài báo ngày cuối năm này?

 

                             Phan Đăng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm