V-League: Khi những ngôi sao trở thành “hàng thải”
(Dân trí) - Cách nay hơn 1 mùa bóng, họ còn là những ngôi sao đắt giá của V-League, là những món xa xỉ phẩm trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng hiện tại, không ít trong số các ngôi sao này đang thành hàng “thải” của chính thị trường chuyển nhượng.
Khó khăn kinh tế đẩy nhiều ngôi sao ra đường
Nhóm những cầu thủ hiện đang vất vả tìm bến đỗ mới hiện nay có Leandro, Aniekan, Lazaro, Amaobi, Cristiano, Benicio, Agostinho…
Đấy đều là những cầu thủ có thời cực kỳ đắt giá, với phí lót tay khi chuyển nhượng lên đến vài trăm nghìn USD, cùng mức lương hàng chục nhìn USD/người/tháng. Thế mà giờ đây họ đang vất vả tìm bến đỗ, trong bối cảnh mà dường như làng cầu Việt Nam chẳng còn mặn mà với những ngôi sao ấy.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vừa nêu. Có thể do những cầu thủ này đã lớn tuổi, không còn sắc sảo như chính họ vài mùa giải trước. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ chỗ nhiều CLB ở Việt Nam giờ không còn sung túc về mặt tiền bạc như xưa.
Nổi tiếng cỡ Leandro giờ vẫn phải vất vả tìm việc
Ngoại trừ B.Bình Dương, hiện không còn nhiều đội đủ khả năng đáp ứng mức phí chuyển nhượng vài trăm nghìn USD, cộng với mức lương hàng chục nghìn USD/người/tháng cho các ngôi sao ngoại như đã nêu ở trên.
Bản thân các cầu thủ ngoại cũng không kịp thích nghi với sự thay đổi quá nhanh về mặt hình ảnh của mình so với trước đây, trong khi các CLB do khó khăn về kinh tế không nhất thiết phải đầu tư mạnh để tìm hình ảnh bóng bẩy, như họ thường làm trong các mùa bóng trước.
Thành ra 2 bên không tìm thấy tiếng nói chung và nhiều CLB sau khi chấm dứt hợp đồng cũ với các ngoại binh nổi tiếng hồi mùa bóng trước, là lập tức nói lời tạm biệt với các ngôi sao dạng này, hòng cắt giảm tối đa chi phí hoạt động.
Đấy chính là lý do mà người ta hiện đang chứng kiến cảnh những cựu vua phá lưới V-League như Lazaro, Amaobi, Kesley Alves… thất nghiệp, mong kiếm chỗ dù chỉ với đội bóng hạng dưới cũng chưa tìm được chỗ để đá, trong khi ngôi sao lắm tài nhiều tật Leandro giờ cam kết không gây chuyện vẫn chưa được các đội bóng lớn quan tâm đến.
Giá trị thực là giá trị tốt
Việc nhiều ngôi sao, đặc biệt là các ngôi sao ngoại quốc thất nghiệp, hoặc chấp nhận cảnh giảm lương, giảm phí lót tay đáng kể, chấp nhận khoác áo các đội bóng nghèo hay các đội bóng hạng dưới cho thấy sự sa sút về mặt tài chính của các CLB trong nước.
Dù vậy, ngay lúc khó khăn nhất, người ta lại dễ dàng nhận ra giá trị thực của bóng đá nội và giá trị thực của các ngôi sao. Các CLB không còn chạy theo các ngôi sao bằng mọi giá cũng chính là lúc các ngoại binh bớt đi tình trạng làm giá so với trước đây.
Giới bóng đá Việt Nam không lạ tình trạng một số ngôi sao nước ngoài hễ cứ gần hết hạn hợp đồng với CLB cũ là lãng công, sinh chuyện với đội bóng chủ quản, hòng tìm bản hợp đồng mới, hoặc tìm đến CLB mới trả “béo bở” hơn. Những người có thói quen ấy đang phải trả giá cho sự đỏng đảnh của mình trong quá khứ.
Aniekan hay Leandro chưa phải đến mức hết xài. Họ vẫn đang ở độ tuổi sung sức, cũng như tràn đầy kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Nhưng họ vẫn khó kiếm việc chủ yếu vì hầu hết những nơi muốn nhận họ đều có chỗ e ngại sự đỏng đảnh của chính các ngôi sao kể trên trong quá khứ.
Một khi các đội bóng trong nước khắt khe hơn với khâu tuyển ngoại binh, thì đấy cũng có thể là lúc mà tình trạng kiêu binh nơi các đội bóng hy vọng sẽ giảm đi. Khi đó, hy vọng răng các cầu thủ khi ra sân biết thi đấu cống hiến cho khán giả hơn, hòng được gia hạn hợp đồng, thay vì cảnh sáng nắng chiều mưa như trước.
Để có được việc làm trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các cầu thủ, kể cả các ngôi sao phải thay đổi về mặt nhận thức, rằng đã qua rồi cái thời họ đòi đủ yêu sách với các CLB. Giờ đây, họ phải chăm chỉ hơn trên sân tập, hết mình trên sân bóng, bởi kiếm được chỗ thi đấu vào lúc này không phải là điều dễ.
Điều đó nói cho cùng cũng chỉ làm lợi cho bóng đá Việt Nam, khi bóng đá nội nói chung và các cầu thủ đang thi đấu trong lòng các giải đấu của bóng đá nội nói riêng đang được trả về đúng với giá trị thực.
Kim Điền