V-League 2017: Bình và rượu có mới?

(Dân trí) - VFF quyết liệt trong việc cải thiện khâu kỷ luật của V-League, từ đó mong cải thiện được chất lượng và ý thức của cầu thủ nội. Nhưng về mặt bản chất, điều mà người ta băn khoăn là giải đấu năm nay có hơn năm ngoái về tính cạnh tranh?

V-League 2017 vẫn sẽ có 14 đội giống V-League 2016. Thậm chí, số suất rớt hạng từ 1,5 năm ngoái giờ chỉ còn 1, khi không còn trận play-off giữ hạng/chuyển hạng giữa đội đứng áp chót V-League với đội thuộc hạng Nhất như năm vừa rồi.

Năm ngoái, cuộc đua trụ hạng tại giải vô địch quốc gia ngã ngũ rất sớm, với suất xuống hạng thuộc về Đồng Tháp và suất đá play-off dành cho Long An. Năm nay, khi số suất rớt hạng giảm đi, cuộc đua này có khi còn có khả năng ngã ngũ sớm hơn.

Ngược lên nhóm trên, Thanh Hoá vẫn là đội đầu tư rầm rộ nhất trước giờ bóng lăn, giống năm vừa rồi, cho thấy tham vọng giành ngôi vô địch của đội bóng xứ Thanh vẫn lớn. Tuy nhiên, Thanh Hoá có đủ sức đi đến cùng đường đua hay không vẫn phụ thuộc vào thái độ của các đội bóng trong tay bầu Hiển.

V-League 2017 sắp khởi tranh liệu có hấp dẫn hơn V-League 2016? (ảnh: Trọng Vũ)
V-League 2017 sắp khởi tranh liệu có hấp dẫn hơn V-League 2016? (ảnh: Trọng Vũ)

Về danh nghĩa, hàng loạt đội của bầu Hiển đã đổi tên, như Hà Nội T&T đổi thành CLB bóng đá Hà Nội, QNK Quảng Nam đổi thành CLB bóng đá Quảng Nam. Dù vậy, về thực chất, tình trạng “1 ông chủ - 4 đội bóng” đã được giải quyết hay chưa lại là vấn đề không ai dám nói chắc?

Ảnh hưởng của bầu Hiển đến nhóm 4 đội Hà Nội, Quảng Nam, Sài Gòn FC, SHB Đà Nẵng ở mức nào thì những người điều hành giải đấu vẫn khó có câu trả lời chính xác? Đấy là chưa kể Than Quảng Ninh cũng có cổ phần của ngân hàng SHB của bầu Hiển.

V-League 2016 kém hấp dẫn và kém tính cạnh tranh vì điểm đấy, vì tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng”. Chính vì vậy, nếu V-League 2017 vẫn không giải quyết được triệt để tình trạng vừa nêu, giải đấu vẫn khó có chuyển biến đáng kể về mặt chất lượng, vẫn khó thu hút khán giả.

Một thay đổi khác đang được chờ đợi, đó là việc VFF yêu cầu Ban kỷ luật và Ban trọng tài xử nghiêm các lỗi vi phạm, nhất là các hành vi thô bạo của cầu thủ, quan chức các đội bóng.

Hình ảnh không đẹp của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016 khiến những ai quan tâm đến bóng đá nội phải giật mình, rằng bạo lực và sự xấu xí ở cách thể hiện cả ở trong lẫn ngoài sân đã trở thành thói quen của một bộ phận không nhỏ thuộc giới bóng đá Việt Nam.

VFF muốn tăng cường các án phạt, tăng cường sự nghiêm khắc để chấn chỉnh những hình phản cảm đó. Chủ trương thì đã có, vấn đề còn lại là các bên có liên quan sẽ vận dụng chủ trương như thế nào?

Mấy năm gần đây, V-League thường đi kèm với bạo lực, và đấy là điều cần gấp rút thay đổi, nhằm thay đổi hẳn nhận thức của giới bóng đá nội, trước khi hướng đến mục sân chơi mang tính phục vụ khán giả nhiều hơn.

Một bài toán nữa, liên quan đến nguồn cầu thủ cho các đội tuyển, nhìn từ V-League. Vấn đề này liên quan đến việc sử dụng nhân sự của các CLB, đặc biệt là sử dụng cầu thủ trẻ.

Làm gì để bóng đá Việt Nam không thiếu các trung phong giỏi, phù hợp về mặt thể hình và kỹ thuật? Làm gì để các đội tuyển không phải khan hiếm các trung vệ biết đá bóng bằng đầu óc, bằng tài phán đoán, bằng kỹ thuật, thay vì chỉ biết băm bổ là câu chuyện mà những người làm bóng đá phải tính, thông qua V-League?

Kim Điền

V-League 2017: Bình và rượu có mới? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm