Tuyển Việt Nam trước trận gặp Iran: Đừng để tự thua chính mình!
(Dân trí) - Chẳng ai nghi ngờ về tinh thần chiến đấu của đội tuyển Việt Nam. Nhưng ở một vài thời điểm, chúng ta vẫn cần tỉnh táo hơn, để tránh những sai lầm không đáng có như trận đấu với Iraq. Những cú ngã như vậy có thể khiến những chiến binh "Rồng vàng" lớn hơn rất nhiều.
Thất bại đau đớn trước Iraq ở lượt trận đấu tiên đã để lại dư vị "đắng ngắt" cho những người hâm mộ Việt Nam. Đã có quá nhiều từ "giá như" được thốt lên, đã có không ít phân tích mổ xẻ về thất bại. Nhưng có một điều dễ nhận thấy, những chiến binh của đội tuyển Việt Nam đã bộc lộ điểm yếu lớn nhất, đó là sự non nớt.
"Biển lớn", đó là từ mà nhiều người đã nói về chuyến hành trình của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2019. Quả thực, với những con người tuổi đời còn quá trẻ, chưa va vấp với những sóng gió của biển, việc "say sóng" là chuyện quá bình thường.
Có thể, ở sân chơi ở giải trẻ hay cấp độ Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam chưa chắc bị trừng phạt bởi sai lầm của Duy Mạnh (bàn thua đầu tiên) hay pha bóng lập bập (bàn thua thứ 2) nhưng ở sân chơi cấp độ châu lục, chúng ta đã phải trả giá. Mohanad Ali quá mạnh mẽ và quyết đoán để đón nhận "món quà" của Việt Nam. Sự non nớt còn thể hiện ở bàn thua thứ 3. Ai cũng hiểu, cầu thủ Iraq đã chủ động ngã để câu quả phạt (cơ hội cuối cùng trận đấu) nhưng đáng tiếc là Hồng Duy đã mắc bẫy của đối thủ.
Chẳng ai có thể nghi ngờ về tinh thần chiến đấu, khát khao của đội tuyển Việt Nam. Nhưng nói qua cũng phải nói lại, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để chinh chiến ở những giải đấu lớn. Toàn bộ 23 cầu thủ Việt Nam tham dự Asian Cup 2019 đều chơi bóng ở trong nước. Họ gần như không có nhiều cơ hội để cạnh tranh ở sân chơi lớn.
Bởi lẽ đó, chúng ta chưa thể trang bị bản lĩnh, lý trí đủ mạnh để ngăn cản "cơn sóng dữ" mang tên Iraq. Dù Iraq không quá vượt trội so với Việt Nam ở trận đấu ấy nhưng sự tinh quái thì họ hơn hẳn chúng ta.
Trong hiệp 2 (đặc biệt là ở nửa cuối), đội tuyển Việt Nam gần như bị cuốn theo lối chơi của Iraq, mà mất đi sự chủ động thực sự. Về lý thuyết, khi dẫn trước đối thủ, điều cần thiết là phải tỉnh táo, hạ nhiệt trận đấu và dập tắt sự hưng phấn của đối thủ (có thể là những tình huống câu giờ). Nhưng thầy trò HLV Park Hang Seo đã không làm được điều đó.
Trận thua trước Iraq là bài học quý cho đội tuyển Việt Nam
Để ý thấy, sau khi gỡ 2-2, Iraq gần như dồn đội hình lên giữa sân, để bóp nghẹt tuyến giữa. Những đường lên bóng của Việt Nam không còn hiệu quả như trước, khi đối thủ bố trí quá đông quân số ở tuyến giữa. Điều đó cho thấy Iraq tự tin hơn hẳn so với chúng ta.
Có một điều dễ nhận thấy, đội tuyển Việt Nam thiếu đi thủ lĩnh đủ tinh quái để kiềm tỏa đối thủ. Đội trưởng Quế Ngọc Hải chỉ làm tốt vai trò thủ lĩnh ở hàng thủ. Trong khi đó, ở vị trí trung vệ, anh đương nhiên không thể dẫn dắt lối chơi, điều tiết trận đấu.
Niềm hy vọng được đặt vào Xuân Trường nhưng cầu thủ gốc Tuyên Quang cũng gần như không thể điều tiết trận đấu (chỉ tỏa sáng ở những đường chuyền dài). Đó chưa kể tới việc khả năng tranh chấp của Xuân Trường không thực sự được đánh giá cao. Điều đó buộc HLV Park Hang Seo phải đưa Huy Hùng vào sân.
Tất nhiên, không thể đòi hỏi quá cao ở đội tuyển Việt Nam bởi gần như toàn bộ đội bóng thiếu kinh nghiệm. Do đó, đôi khi, chúng ta cần cú ngã đau đớn như trước Iraq để có thể rút ra bài học cho chính mình.
Xét trên nhiều khía cạnh, Iran còn đáng sợ hơn cả Iraq, khi sở hữu nhiều cầu thủ đẳng cấp cao đang chinh chiến ở châu Âu và từng tham dự World Cup. Chính vì vậy, nếu không duy trì được bản lĩnh và sự tập trung cao độ, chúng ta rất dễ lâm vào bi kịch như Yemen.
Lúc này, cơ hội đi tiếp của đội tuyển Việt Nam vẫn còn. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần phải làm tốt hơn những gì thể hiện trong trận đấu với Iraq. Cuộc đối đầu với Iran sẽ là liều thuốc thử cực lớn.
Người hâm mộ Việt Nam cũng chỉ biết hy vọng ở thời điểm này. Hy vọng rằng, những chiến binh của Việt Nam sẽ vững bước trên đôi chân của mình. Chỉ cần giữ được cái đầu lạnh, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới việc làm nên bất ngờ trước Iran.
H.Long