1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Từ giải U21 quốc gia nhìn về tương lai bóng đá Việt Nam

(Dân trí) - Hà Nội T&T vô địch trong khi Gia Lai bị loại từ vòng bảng. ĐT Long An, Hải Phòng, hay Cần Thơ, Thanh Hóa không qua nổi vòng loại, đấy đều là những chi tiết phản ánh phần nào chất lượng đào tạo trẻ trong nước.

Trong số các CLB đang thi đấu chuyên nghiệp hiện nay, Hà Nội T&T là nơi thực hiện tốt nhất công tác đào tạo trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà các đại diện trẻ của bầu Hiển liên tiếp có mặt ở hàng loạt những trận chung kết các lứa tuổi trẻ trong những năm gần đây và họ vô địch giải U21 năm nay.

Hà Nội T&T cũng đã có các ngôi vô địch lứa tuổi U21, U19, bằng một sự ổn định đáng nể. Những thành tích đấy cũng chứng minh sự nghiêm túc của Hà Nội T&T trong việc chuẩn bị lực lượng cho tương lai, xây dựng các lứa kế thừa.

Bại tướng của Hà Nội T&T trong trận chung kết U21 là An Giang cũng đã có những bước chuẩn bị tốt cho khâu đào tạo trẻ nhiều năm qua. Đội bóng miền Tây Nam bộ không còn đại diện thi đấu đỉnh cao. Sau lần rớt hạng năm ngoái, An Giang chấp nhận bỏ luôn giải hạng Nhất vì lý do rất thực tế là không đủ kinh phí.

 

Hà Nội T&T (áo vàng) chứng tỏ sự ổn định trong khâu đào tạo trẻ (ảnh: Trọng Vũ)
Hà Nội T&T (áo vàng) chứng tỏ sự ổn định trong khâu đào tạo trẻ (ảnh: Trọng Vũ)

 

Thay vào đó, người làm bóng đá An Giang chấp nhận quay lại với cái gốc của bóng đá là đào tạo trẻ. Có thể dàn cầu thủ hiện nay của An Giang không hào nhoáng như Hà Nội T&T, nhưng đội bóng đấy thể hiện rõ nét chất địa phương và trưởng thành có lớp có lang khá vững.

Thành tích lọt vào bán kết của TPHCM cũng là thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, vé vào bán kết của đội bóng trẻ thành phố mang nhiều tính bất ngờ, hơn là câu trả lời cho chất lượng đào tạo của TPHCM.

Nói công bằng, việc TPHCM thất bại trước Hà Nội T&T trong trận bán kết giải U21 còn là điều may cho giải đấu này và cho bóng đá Việt Nam nói chung. Bởi, nếu TPHCM vào chung kết và thậm chí nếu họ… “lỡ” vô địch với một lực lượng vay mượn (có cả cầu thủ từng thi đấu… futsal trong số này), thì còn gì là tương lai của bóng đá trẻ Việt Nam?

Việc Gia Lai hay Huế bị loại ngay từ vòng bảng cũng phản ánh chính xác khâu đào tạo trẻ ở các địa phương này, phản ánh cho cách làm ngắt quãng, thiếu liên tục (riêng Gia Lai còn không tham dự các giải U13, U17 và U19 cấp quốc gia năm nay), mang nặng tính thời vụ hơn là sự đầu tư có chiều sâu, có kế hoạch mang tính khoa học.

Đấy cũng chính là điển hình của các đội bóng khác, vốn đang có đại diện đang thi đấu tại V-League, nhưng không có đại diện góp mặt ở nhiều VCK các giải trẻ trong năm nay như ĐT Long An, Cần Thơ, Thanh Hóa…

Thỉnh thoảng, họ cũng có một số đội trẻ lọt vào các VCK cấp quốc gia, nhưng khả năng đi xa của các đội này không cao, cũng không sở hữu sức mạnh mang tính chiều sâu. Tất cả cho thấy khâu đào tạo trẻ mang tính hời hợi của các CLB kể trên.

Riêng với trường hợp của SL Nghệ An, đội bóng này không có đại diện dự VCK U21 quốc gia là điều đáng tiếc. Bóng đá trẻ Nghệ An dĩ nhiên chưa xuống đến mức không còn đủ sức cạnh tranh ngôi đầu ở các giải trẻ. Vả lại, ở vòng loại giải năm nay, họ mắc một số sai lầm mang tính thời điểm, chứ chất lượng cầu thủ trẻ xứ Nghệ vẫn rất đáng trân trọng.

Kim Điền

 

Từ giải U21 quốc gia nhìn về tương lai bóng đá Việt Nam - 2