1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Trọng tài Việt Nam bị “bắn thủng” vì tư tưởng yếu

Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vừa hoàn thành xong "bản thử nghiệm 5 năm". Nhưng tiêu chí chuyên nghiệp mà BTC giải xây dựng vẫn chưa được các CLB, cầu thủ thực hiện đúng với tầm vóc, quy mô của nó. Trong đó, các trọng tài chưa thật sự nghiêm túc trong cuộc chơi đỉnh cao.

Ở Việt Nam, trở thành một trọng tài bóng đá cấp quốc gia không phải là một điều dễ dàng, và để tồn tại trong môi trường đó càng khó khăn gấp bội. Do vậy, phần lớn những ai đã bước chân vào được thế giới trọng tài đều thật sự là những con người thông minh.

 

Về chuyên môn, họ phải luôn giữ được sự tỉnh táo trong việc điều khiển 22 cầu thủ trên sân đúng luật, mà không để xảy ra sự cố gì. Bên cạnh đó, một trọng tài giỏi sẽ xử lý tình huống thật nhanh, và có được sự tâm phục của tất cả các đội bóng, khán giả.

 

Tất cả các trọng tài điều hành ở giải đấu cấp quốc gia hiện nay ở Việt Nam đều có không dưới 5 năm lăn lộn ở cấp độ phong trào với mức độ phức tạp không kém giải chuyên nghiệp (do không có chế tài, chế luật). Nên có thể nói, họ thường chỉ "yếu kém" trong việc điều hành các trận đấu vì nguyên nhân tư tưởng là chính, chứ không phải do vấn đề chuyên môn.

 

Nhưng thật sự, bóng đá Việt Nam hiện tại tìm được những "vị vua sân cỏ" hoàn toàn liêm chính, không có bất cứ điều tiếng gì rất khó. Nổi tiếng như các trọng tài đẳng cấp FIFA gồm Đặng Thanh Hạ, Lương Thế Tài, Dương Văn Hiền,... cũng không ít lần bị phát hiện tư tưởng cầm còi có vấn đề, hoặc sai lầm có chủ ý về chuyên môn.

 

Ông Bùi Như Đức, Ủy viên Hội đồng trọng tài Việt Nam, chịu trách nhiệm phân công khu vực phía Nam nói: "Chủ quan, xem thường trận đấu, và có vấn đề về tư tưởng là 3 nguyên nhân chính khiến trọng tài không hoàn thành nhiệm vụ. Dù trọng tài bóng đá ở Việt Nam chưa được công nhận là một nghề, nhưng nếu anh coi đó là nghề nghiệp của mình và làm nó vì tình yêu, kết hợp với chuyên môn, thể lực tốt thì sẽ thành công thôi'.

 

Ông Đức nói thêm: "Đã bước chân vào làm trọng tài bóng đá thì đừng bao giờ vịn vào cớ tài chính thấp để nhận tiền từ các nguồn không chính đáng. Anh đã xác định là yêu quí nghề nghiệp này thì mới dấn thân vào cơ mà. Chỉ có những con người dũng cảm, đứng vững trước sự cám dỗ ghê gớm của vật chất mới có thể trở thành một vị vua sân cỏ chính trực".

 

Đa số trọng tài Việt Nam hiện nay vẫn có công việc chính của mình ở địa phương. Ông Lương Thế Tài là Phó giám đốc nhà thi đấu Tân Bình (TP HCM), Trần Khánh Hưng giữ chức Phó giám đốc Sở TDTT An Giang, Võ Minh Trí làm giáo viên thể dục,...

 

Thực tế, theo giới chuyên môn nhận định, không có một trọng tài bóng đá nào ở Việt Nam thoát được mối quan hệ lằng nhằng giữa các địa phương, quan chức bóng đá, trọng tài với trọng tài,... Do đó, họ sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý, không ít thì nhiều, mỗi khi ra một quyết định xử phạt. Vì ngoài tiền mặt, củng cố mối quan hệ sau này, đáp trả ân tình,... họ còn phải tự hiểu mình phải làm gì để có thể tiếp tục được tồn tại trong thế giới cầm cân, nảy mực ở Việt Nam.

 

Trọng tài hư một phần cũng do nhiều đội bóng hoặc Sở TDTT địa phương đã "cưng chiều" họ để mong được hưởng lợi thế trong các cuộc đua, hoặc không bị xử ép. Khi đến một địa phương nào đấy làm công tác giải, trọng tài đương nhiên sẽ được giữ lại hoàn toàn phần kinh phí của Liên đoàn cấp cho việc chi tiêu ăn, ở. Bởi mọi thủ tục giấy tờ, ăn, ở, đi lại đều được người của đội bóng, hoặc Sở TDTT địa phương lo hết. Và đã một lần dính vào sự ưu đãi thì các trọng tài sẽ rất khó vượt qua. 

 

Vụ án đưa, nhận hối lộ mà cơ quan chức năng mới điều tra (đã bắt giam trọng tài Lương Trung Việt, và Giám đốc điều hành CLB Đông Á) cho thấy rõ mối quan hệ lằng nhằng này. Thượng bất chính, hạ tất loạn cũng góp phần tạo nên hàng loạt nghi án tiêu cực trong làng trọng tài bóng đá Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng trọng tài Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Vinh, từng say xỉn, mượn rượu để trút bực tức ở lớp tập huấn trọng tài trước giải V-League 2006.

 

Ủy viên thường trực Hội đồng trọng tài, ông Đoàn Phú Tấn, cũng thường xuyên bị giới truyền thông chỉ trích vì có vấn đề trong việc phân công trọng tài. Một cựu trọng tài, hiện ở TP HCM, cho biết: "Có dây thì mới lên được trọng tài quốc gia chứ. Những cái tên xuất hiện thường xuyên ở giải V-League, hạng Nhất đều có người chống lưng cả. Phải biết cách sống, ăn chia thì mới tồn tại được trong thế giới đó". 

 

Hiện tại, công tác đào tạo trọng tài Việt Nam đã quy củ hơn trước rất nhiều. Các học viên khắp cả nước được đào tạo tập trung trong một tuần lễ. Họ được các giảng viên từng là các trọng tài giỏi hướng dẫn về lý thuyết, thực hành với đủ tài liệu trong, ngoài nước trong suốt thời gian này. Tất cả chỉ kết thúc khoá học, và có được chứng chỉ sơ cấp nếu qua được phần kiểm tra lý thuyết (luật bóng đá), thực hành (chạy 2 lần 30 m, 2 lần 100 m, test Cooper). Sau đó, các học viên trở về địa phương rèn luyện thêm, chờ cơ hội cầm còi ở các giải đấu cao hơn.

 

Kể từ giai đoạn này, những trọng tài trẻ nào muốn tiếp tục bước vào hàng ngũ trọng tài quốc gia phải liên kết chặt chẽ với các đàn anh của mình để kết nối. Từ những lời giới thiệu của các trọng tài đi trước, kết hợp với năng lực khá, những trọng tài trẻ tuổi sẽ có cơ hội thể hiện trình độ cầm còi, cũng như khả năng "chịu chơi" của mình. Đầu tiên, họ sẽ điều khiển các trận đấu lứa tuổi U, bóng đá nữ,... 

 

Cả nước hiện nay có gần 150 trọng tài nằm trong hệ thống điều khiển giải các cấp quốc gia. Hầu hết trong số đông này đều là cán bộ của Sở TDTT, giảng viên thể dục, hoặc là cựu cầu thủ. Giảng viên Bùi Như Đức cho biết: "Trong thời gian tới, hội đồng trọng tài sẽ chú ý hơn nữa trong việc đào tạo, nhằm cho ra lò các trọng tài giỏi hơn nữa. Những vị vua sân cỏ danh tiếng của thế giới cũng sẽ được chúng tôi mời qua thỉnh giảng để các trọng tài Việt Nam học hỏi".

 

Theo Nguyễn Tuấn

 Vnexpress