(Dân trí) - Trả lời Dân trí, chuyên gia Bae Ji Won khẳng định HLV Kim Sang Sik phải cố gắng thích nghi, duy trì sĩ khí ở đội tuyển Việt Nam để vượt qua áp lực sau thất bại của người tiền nhiệm Philippe Troussier.
Sĩ khí đóng vai trò tối quan trọng trong một đội bóng. Thành hay bại không chỉ được định đoạt bằng trình độ, kỹ năng, mảng miếng chiến thuật mà còn phụ thuộc nhiều vào tình đoàn kết, sự hy sinh, cảm xúc thăng hoa và tính tập trung cao độ.
Thế nên, trên sân cỏ thế giới hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, không thiếu những chiến thắng dựa trên tinh thần và bản lĩnh, cho dù bị đánh giá thua kém về đẳng cấp hoặc tưởng chừng không còn cơ hội, rốt cuộc lại giành chiến thắng.
Một trong những minh chứng sống động nhất gắn liền lịch sử bóng đá nước nhà, là hành trình kỳ diệu của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2018 ở Thường Châu (Trung Quốc).
Từ chỗ bị xem là đội "lót đường" và không được đặt nhiều kỳ vọng, thầy trò Park Hang Seo tiến một mạch đến trận chung kết bằng những trận cầu tột cùng kịch tính và cảm xúc.
Nếu không có sự gắn bó một lòng và nghị lực phi thường từ ban huấn luyện đến các cầu thủ, kỳ tích "tuyết trắng Thường Châu" đã không thể nào xuất hiện. Sau 6 năm, nhiều biến động thời cuộc đã xảy ra, đội tuyển Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới cùng tân HLV Kim Sang Sik.
Sau những buổi tập đầu tiên chuẩn bị cho trận đấu với Philippines trên sân Mỹ Đình (19h00 ngày 6/6), tiền đạo Văn Toàn đã chia sẻ: "Khi đội tuyển Việt Nam có HLV mới, bầu không khí lúc đầu có chút ngại ngùng, chưa quen. Tuy nhiên sau các buổi tập, toàn đội đã quen dần với triết lý, bầu không khí của HLV Kim Sang Sik, nên các cầu thủ đều rất vui vẻ".
Tiền đạo đang khoác áo CLB Nam Định cũng đánh giá: "HLV Kim Sang Sik rất gần gũi. Ông đang cố gắng hòa nhập với anh em cầu thủ và cố gắng tạo cho mọi người sự thoải mái nhất có thể".
Nhắc đến "phút ban đầu làm quen", chuyên gia thể lực Bae Ji Won, một trong những chứng nhân lịch sử của kỳ tích Thường Châu nhớ lại: "Lúc mới đến đội tuyển U23, tôi cùng ban huấn luyện chưa hẳn thích nghi với bầu không khí toàn đội.
Thế nên có những trăn trở, áp lực để đạt được kết quả tốt. Tôi nghĩ mọi thành viên đội bóng đều bị đè nặng tâm lý như vậy".
"Tuy nhiên, thái độ tích cực và tự tin của các cầu thủ đã tiếp thêm hy vọng cho chúng tôi", cựu trợ lý của HLV Park Hang Seo tiếp tục. "Đặc biệt, ban huấn luyện đã có được đánh giá sơ bộ về sức mạnh tinh thần và khả năng tập trung của các cầu thủ thông qua tập luyện.
Cũng qua tập luyện, HLV Park Hang Seo đã xây dựng được đội hình tối ưu cùng các phương án chiến thuật cho giải đấu tại Trung Quốc".
"Sự tự tin được nhân lên gấp bội sau khi U23 Việt Nam đánh bại Thái Lan tại giải giao hữu M-150 Cup", ông Bae Ji Won nhấn mạnh. Rõ ràng, thời điểm đó Thái Lan vẫn là nỗi ám ảnh đối với bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ. Một chiến thắng dù chỉ tại giải giao hữu cũng tạo nên cú hích cực lớn về sĩ khí cho toàn đội, từ đó giành ngôi á quân châu Á.
Trở lại với đội tuyển quốc gia (ĐTQG), HLV Philippe Troussier dẫu cho có bề dày kinh nghiệm và năng lực được thừa nhận, song cách ông hòa nhập cùng các cầu thủ thật thiếu khéo léo.
Đó là cách phân biệt cầu thủ trụ cột của người tiền nhiệm với đội hình do ông lựa chọn. Đó là cách để nhiều cái tên xuất sắc ngồi ngoài một cách khó lý giải. Đó là cách phát ngôn, ứng xử bảo thủ trước truyền thông...
Tất cả khiến cho nhà cầm quân người Pháp tự đẩy bản thân vào thế đương đầu thay vì tương trợ cùng bóng đá Việt Nam. Kết quả là ông thất bại và phải chia tay sớm. Trách nhiệm không thể đổ hết lên HLV Troussier nhưng đây là bài học quý báu cho cơ quan quản lý bóng đá nước nhà.
Hiện tại, dẫu cho hy vọng đi tiếp không còn nhiều, song màn trình diễn tốt trong 2 lượt trận cuối, cũng là 2 trận đấu ra mắt của tân HLV Kim Sang Sik, sẽ mang tính giải tỏa, tái tạo sự tự tin cho toàn đội. Từ đó hướng tới những mục tiêu tiếp theo.
Chuyên gia Bae Ji Won cũng cho biết, để lấy được niềm tin từ các cầu thủ, ban huấn luyện đã phải "làm việc hết sức để phát huy năng lực của từng cầu thủ cũng như hoàn thiện chiến thuật, phải thể hiện cho các học trò thấy niềm tin, sự nhiệt huyết".
Một kỷ niệm đẹp của chuyên gia thể lực này là nỗ lực phục hồi cho trung vệ Bùi Tiến Dũng. "Thời điểm trước giải, HLV Park Hang Seo chú trọng phục hồi, ngăn ngừa chấn thương cho các cầu thủ chủ chốt, đồng thời nỗ lực hết sức để cải thiện lối chơi phối hợp cùng sự hiểu biết chiến thuật của các học trò", ông nói.
"Giai đoạn ấy, HLV Park rất lo ngại về chấn thương của Bùi Tiến Dũng. Ông ấy rất trăn trở trong việc giữ hay chia tay Bùi Tiến Dũng. Sau cùng, ông Park chọn giữ cậu ấy và tôi đưa Dũng vào khóa huấn luyện đặc biệt theo phương thức một kèm một. Kết quả, Bùi Tiến Dũng sút tung lưới Iraq ở loạt đá luân lưu quyết định tại tứ kết để đưa U23 Việt Nam vào bán kết".
Đúc kết lại, chuyên gia Bae Ji Won khẳng định: "HLV Kim Sang Sik phải cố gắng và tìm cách thích nghi với môi trường bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, ông cần phải hiểu rõ bối cảnh, lịch sử, văn hóa, tư duy của dân tộc Việt Nam".
HLV Park Hang Seo và HLV Kim Sang Sik đều là người Hàn Quốc, đều có kinh nghiệm làm cầu thủ rồi trở thành HLV tại K-League. Vì thế, chuyên gia Bae Ji Won đánh giá cả hai đều nhận thấy được ưu điểm, nhược điểm của nền bóng đá xứ sở nhân sâm.
Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, thể trạng con người, do đó đây là lợi thế lớn, hữu ích cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, giữa HLV Park Hang Seo và HLV Kim Sang Sik sẽ có nhiều điểm khác biệt từ thực tiễn thi đấu và kinh nghiệm huấn luyện, thế nên không thể so sánh giữa hai nhà cầm quân.
Cựu trợ lý HLV Park nhận định: "Trở thành HLV đội tuyển Việt Nam là thử thách lớn đối với HLV Kim Sang Sik. Chắc chắn ông ấy sẽ phải chịu nhiều áp lực. Lý do thì quá dễ thấy.
Đó là kỳ vọng thành tích từ HLV Park Hang Seo và gánh nặng sau thất bại của HLV Troussier. Ông Kim phải luôn nhắc nhở bản thân về thất bại của HLV Troussier và suy ngẫm về thành công của HLV Park".
Chuyên gia Bae Ji Won đưa ra quan điểm: "HLV Troussier không đạt được mục tiêu như mong muốn do thiếu sự quản lý chi tiết ở đội bóng, kỹ năng vận hành, áp dụng chiến thuật có vấn đề. Những thất bại ngày càng gây tiêu cực vì nhận thức bảo thủ".
Thực tế, HLV Park Hang Seo cũng không đạt được kết quả tốt khi làm HLV trưởng tại K-League. Dẫu vậy, ông Park là nhà cầm quân biết cách xây dựng, quản lý một cách chi tiết cộng thêm nhiều chiêu thức độc đáo và xuất sắc để dẫn dắt, dung hòa các cầu thủ.
Chính nhờ những phẩm chất này, ông Park đã góp công lớn để đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002", ông Bae Ji Won cho biết.
Một điểm quan trọng cựu HLV CLB Viettel nhấn mạnh là sự phù hợp. HLV Park Hang Seo sở hữu phẩm chất phù hợp để dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. HLV Kim Sang Sik tuy có thời gian dẫn dắt Jeonbuk và vô địch K-League nhưng kinh nghiệm chưa thật dày dạn, thậm chí có thể nói sự nghiệp cầm quân của ông Kim khá ngắn ngủi.
Điều này đồng nghĩa HLV Kim thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý công việc của một HLV trưởng, ông ít có cơ hội thể hiện khả năng dẫn dắt đội bóng đúng nghĩa. Tất nhiên, một số nhà cầm quân hàng đầu trên thế giới, chẳng hạn như Mourinho, đã thành công ngay lần đầu tiên được trao cơ hội, song đó chỉ là cá biệt.
Thời gian để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, khả năng quản lý và dẫn dắt đội bóng không thể ngày một, ngày hai mà có được. HLV Park Hang Seo từng thất bại tại K-League, nhưng những thất bại ấy là nền tảng để ông thành công sau này.
Cũng cần nói thêm, năng lực và kinh nghiệm của các trợ lý HLV, những người gần gũi nhất với HLV cũng cực kỳ quan trọng. Thành hay bại, đội ngũ trợ lý đóng góp không nhỏ. Đó là lý do tại sao hiện nay các trợ lý HLV tại đội bóng lớn ở châu Âu đều được ghi nhận năng lực và nhanh chóng trở thành HLV trưởng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chọn tuyển thủ từ đội U23 đến đội tuyển quốc gia (ĐTQG) của HLV Park Hang Seo, chuyên gia Bae Ji Won cho biết: "HLV Park đã xây dựng được đội hình đội tuyển quốc gia dựa trên nòng cốt các cầu thủ U23 Việt Nam và ông không tạo ra nhiều xáo trộn trong suốt nhiệm kỳ. Chính nhờ vậy đã luôn duy trì được đội hình ổn định một cách vững mạnh".
Một khía cạnh quan trọng được cựu trợ lý HLV Park đề cập là dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Hàn Quốc, "đội tuyển U23 Việt Nam là tập thể gắn kết, có tinh thần đồng đội cao, hiểu biết về chiến thuật ban huấn luyện đề ra và có bản lĩnh thi đấu kiên cường tới khó tin.
Vì vậy, khi trở thành nòng cốt ở ĐTQG, đặc điểm tâm lý chiến tiếp tục được duy trì, bên cạnh sự nhất quán về đội hình thi đấu lẫn đặc điểm chiến thuật. Tất nhiên, để được triệu tập vào ĐTQG, các tuyển thủ phải nỗ lực hết sức và ban huấn luyện luôn theo dõi sát sao từng người trong thời gian dài".
Ông Bae Ji Won cũng cho biết những gạch đầu dòng ông Park đặt ra để tuyển chọn cầu thủ là: "Thể chất, số lần ra sân tại V-League, sự am hiểu chiến thuật, khả năng tập trung trong tập luyện, phẩm chất cá nhân, khả năng phối hợp; sự hy sinh cho đồng đội và tập thể".
Thế nên, một số cầu thủ trẻ hoặc gương mặt khác không thuộc thế hệ U23 tạo nên kỳ tích Thường Châu vẫn nhanh chóng hòa nhập và thích ứng với triết lý lẫn hệ thống chiến thuật nhà cầm quân người Hàn Quốc đề ra.
Cuối cùng, ông Bae Ji Won nhấn mạnh về chiến lược của ông Park: "Hoàn thiện kế hoạch tác chiến bằng cách tập trung vào việc phối hợp, hạn chế tiêu hao sức lực và đảm bảo tính hiệu quả.
Các phương án lên bóng được tổ chức đa dạng bằng các đường chuyền có độ chính xác cao nhờ rèn luyện kỹ lưỡng các mảng miếng phối hợp và luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ. Trên sân tập, những điều ông Park chú trọng là định hướng vị trí, phối hợp nhóm, định dạng tuyến phòng ngự, phương án tổ chức phản công...".
Đó là những điều HLV Kim Sang Sik có thể tham khảo và học hỏi từ người tiền nhiệm.