“Trận U23 Việt Nam-U20 Argentina chỉ là thương mại hóa, không có tính chuyên môn”

(Dân trí) - Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho rằng việc U23 Việt Nam tập trung ngắn ngày và có những trận đấu như trận gặp U20 Argentina là điều tốt, nhưng trận đấu chưa đạt đáp ứng được kỳ vọng vì U23 Việt Nam không có sự chuẩn bị tốt. Ngoài ra, trận đấu ít nhiều mang tính thương mại.

Theo ông thì U23 Việt Nam thu được gì từ trận đấu với U20 Argentina?

Tôi cho rằng đây là trận đấu của những thử nghiệm không thành công: U23 Việt Nam tấn công cũng không xong và phòng ngự cũng không tới. Trước một đối thủ có đẳng cấp như U20 Argentina, U23 Việt Nam đánh giá trận đấu chưa được phù hợp. Đội cũng không giải quyết được câu hỏi là chúng ta cần những gì, thử nghiệm những gì cho mục tiêu xa là vào chung kết SEA Games, trên cơ sở những cầu thủ hiện có.

Thành ra, trận đấu với U20 Argentina không rõ là giải quyết nhiệm vụ gì cho đội tuyển U23 Việt Nam. Vì đầu tiên bản thân chúng ta thiếu mục tiêu, cũng không xác định rõ từng nhiệm vụ trước từng đối thủ.

U23 Việt Nam chưa xác định rõ mục tiêu trong trận đấu với U20 Argentina (ảnh: Gia Hưng)
U23 Việt Nam chưa xác định rõ mục tiêu trong trận đấu với U20 Argentina (ảnh: Gia Hưng)

Việc tập trung đá giao hữu với U20 Argentina ngay từ bây giờ, trong khi SEA Games thì mãi tháng 8 mới diễn ra có giúp ích cho quá trình chuẩn bị của đội tuyển U23 Việt Nam?

Không bao giờ là muộn cả, chúng ta cũng nên bỏ dần thói quen tập trung quá dài ngày, kéo dài 2 – 3 tháng trời, khiến cầu thủ mất hưng phấn. Tập trung đội tuyển theo chu kỳ ngắn hạn và đá những trận giao hữu giữa các đợt tập trung như thế này theo tôi phù hợp. Vấn đề ở đây là kế hoạch của các đợt tập trung được thực hiện ra sao, từng đợt tập trung bao nhiêu ngày và giải quyết cái gì cho đội tuyển U23.

Ví dụ như trong giai đoạn hiện tại, trước một đối thủ mạnh như U20 Argentina thì cần làm gì, đá lối đá gì, phản công ra sao. Sang tháng 6 tới đây nếu tập trung thì mục tiêu như thế nào, rồi đợt tập trung trong tháng 7, ngay trước SEA Games thì giải quyết những vấn đề gì, đối tượng cọ xát là những ai. Nói chung phải có kế hoạch cụ thể, giải quyết từng chặng trong từng giai đoạn khác nhau.

Trận đấu thiên về yếu tố thương mại nên khán giả không đông (ảnh: Gia Hưng)
Trận đấu thiên về yếu tố thương mại nên khán giả không đông (ảnh: Gia Hưng)

Còn về yếu tố thương mại thì sao? Không loại trừ khả năng đội tuyển U23 Việt Nam phải đá trận đấu này vì yêu cầu thương mại, ví dụ như Tuấn Anh vẫn phải ra sân dù mới vừa hồi phục chấn thương?

Hiện tôi chưa rõ số tiền dành cho sự kiện U20 Argentina sang Việt Nam là bao nhiêu, nhưng cũng có thể đây là trận đấu thiên về yếu tố thương mại, và nhà tổ chức cần bán vé. Nhưng chúng ta cũng thấy là vé bán không được nhiều. Về chuyên môn, nếu là tôi, tôi sẽ không sử dụng Tuấn Anh trong trận đấu với U20 Argentina, vì cậu ta mới chỉ vừa hồi phục chấn thương, cho đá ngay là quá rủi ro. May mà U20 Argentina không đá hết sức, chứ nếu không nguy cơ Tuấn Anh tái phát chấn thương là rất cao, nếu Argentina tranh chấp mạnh mẽ.

Thậm chí tôi cũng có thể còn không gọi Tuấn Anh lên tuyển, vì coi như cậu ta đã có chỗ, nên nhường cơ hội thử nghiệm trận này cho người khác. Tôi cũng sẽ không sử dụng Công Phượng trong cả trận đâu, mà sẽ tính đến phương án tìm người dự bị cho Công Phượng ngay từ bây giờ.

Đó có phải là lý do mà khán giả không đến sân đông trong trận U23 Việt Nam gặp U20 Argentina?

Khán giả không đông vì người xem đã được thấy U20 Argentina quá mạnh trong trận đấu với U20 Việt Nam trước đó, chênh lệch so với các đội tuyển Việt Nam. Thậm chí nếu đội tuyển quốc gia Việt Nam đá trận này thì khả năng cũng thua thôi. Bên cạnh đó, người ta cũng thấy rõ mục tiêu của U20 Argentina là tập huấn cho World Cup U20, nên họ sẽ không chơi hết sức.

Ngược lại, U23 Việt Nam lại không rõ mục tiêu trong trận đấu này. Đây là bài học cho VFF và cho đội tuyển, bài học là đã tập trung đội tuyển thì phải rõ nhiệm vụ của đợt tập trung và mục tiêu trong từng giai đoạn.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

“Trận U23 Việt Nam-U20 Argentina chỉ là thương mại hóa, không có tính chuyên môn” - 3