Trách nhiệm của VFF ở đâu sau khi U22 Việt Nam thất bại tại SEA Games 29?
(Dân trí) - HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games là đương nhiên. Bầu Đức rút khỏi VFF cũng là bình thường, vì trước đó chính vị phó chủ tịch (PCT) VFF đã hứa điều đó. Dù vậy, chẳng lẽ chỉ có 2 nhận vật vừa nêu phải nhận trách nhiệm sau thất bại?
Bầu Đức giữ lời hứa và giữ sự tự trọng, phần còn lại đang ở đâu?
Xét về góc độ chuyên môn, đội bóng thất bại, HLV trưởng chịu trách nhiệm là điều xảy ra trên khắp thế giới. Thành ta, quyết định rút lui của HLV Nguyễn Hữu Thắng là tất yếu.
Thậm chí, người không liên quan gì đến chuyện chuyên môn của bóng đá Việt Nam là bầu Đức cũng rút lui, để tôn trọng lời hứa của chính mình trước đó, khi ông Đức từng tuyên bố ông sẽ rời khỏi cương vị PCT VFF nếu đội tuyển U22 Việt Nam thất bại.
Khoan bàn đến chuyện bầu Đức đã làm được gì và không làm được gì kể từ thời điểm ông nhận trách nhiệm PCT phụ trách tài chính của VFF.
Cũng khoan bàn đến chuyện vai trò của bầu Đức đến đâu trong việc chính ông góp phần định hướng sai cho các đội tuyển Việt Nam, với nhiều phát biểu mang đầy tính cảm tính của mình? Chỉ đáng trân trọng bầu Đức ở điểm không làm được việc thì xung phong xin nghỉ.
Bầu Đức giữ đúng lời hứa của mình, khiến dư luận càng thêm quan tâm đến một phát biểu khác của bầu Đức trước đó, rằng nếu U22 Việt Nam không giành HCV SEA Games, thì đa số uỷ viên thường trực VFF cũng nên nghỉ.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng chắc chắn phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên và cao nhất sau thất bại của U22 Việt Nam, của các đội tuyển Việt Nam 2 năm qua. Sau thất bại ở AFF Cup 2016, có thể vẫn còn có ý kiến cho rằng nên cho các đội tuyển thêm thời gian.
Đến sau thất bại tại SEA Games 29, có lẽ không còn lời nào để bào chữa. Cái thua của bóng đá Việt Nam tầm đỉnh cao trước làng cầu khu vực đã quá rõ ràng.
Có nghĩa là khoảng 3 năm nằm trong nội bộ của VFF, ông Đức gần như đã thấy được đâu là những người thực sự làm việc và đâu là những người không làm được việc tại cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam, rằng ai nên ở lại và ai nên chủ động nghỉ để nhường chỗ cho người khác làm tốt hơn.
VFF đang đẩy hết trách nhiệm cho bầu Đức và HLV Nguyễn Hữu Thắng?
Giờ, bầu Đức đã nghỉ, bóng đá Việt Nam cũng đã thất bại, đồng thời đứng bên bờ khủng hoảng, vậy còn những ai tiếp theo nên rút lui theo lời kêu gọi của bầu Đức?
Bản thân ông Dũng gần 3 năm qua hầu như cũng không làm việc đúng nghĩa, vì ông bị bệnh khá nặng. Việc ông Dũng cho đến thời điểm này chưa nghỉ vốn đã là bất ngờ. Điều bất ngờ là ở điểm một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF mà không có người trực tiếp chịu trách nhiệm như gần 3 năm qua là điều quá vô lý.
Ngoài ông chủ tịch Lê Hùng Dũng và ông PCT Đoàn Nguyên Đức hầu như không đóng góp gì nhiều cho VFF trong thời gian quá dài vừa qua, thì vai trò của vị PCT còn lại là ông Nguyễn Xuân Gụ cũng quá mờ nhạt.
Cho đến giờ này, ông Gụ dường như hợp với nghề báo hơn là vị trí của một quan chức, nhất là quan chức điều hành liên đoàn bóng đá quốc gia, vốn cần quan hệ, kể cả quan hệ quốc tế, cần chuyên môn, cần tiếng nói có trọng lượng với nhiều giới, nhiều địa phương – những điểm mà hầu như ông Gụ không mạnh ở bất cứ điểm nào cả.
VFF đang rất cần những người thực sự làm việc, những người phải xắn tay áo xông vào công việc, chứ không phải cần những khẩu hiệu mà hầu hết các phát biểu mang tính hô khẩu hiệu đấy thường thiếu căn cứ khoa học, mang đầy tính cảm tính, như phát biểu của ông Dũng, của bầu Đức trong mấy năm qua.
VFF cũng không cần phình to cơ cấu với đầy các cấp trưởng và phó như hiện nay, nhưng hầu hết các vị trí đều không hoặc chưa có đóng góp gì đúng tầm cho VFF như bây giờ.
Và trên hết, cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam cần một vị chủ tịch mới, người thực sự đủ khả năng điều hành VFF cả về sức khoẻ lẫn năng lực quản lý, bởi kỳ thực 2 lần ông Lê Hùng Dũng ngồi ghế lái trưởng ở 2 tổ chức bóng đá từ HFF (liên đoàn bóng đá TPHCM) cách nay vài năm cho đến VFF bây giờ, ông càng ngồi lâu thì bóng đá ở nơi ông đàng điều hành càng đi xuống.
Và VFF phải có người chị trách nhiệm chính sau thất bại vắt từ năm này qua năm khác của các đội tuyển quốc gia, chứ không phải như hiện nay, khi vui hàng loạt các quan chức VFF vỗ tay vào, nhưng đến lúc thất bại thì thất bại đấy dường như đang xảy ra ở tận đẩu tận đâu, chứ không phải thất bại đấy vừa phản ánh bộ mặt của bóng đá Việt Nam!
Trọng Vũ