1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thất bại của U22 Việt Nam và định hướng sai lầm của VFF

(Dân trí) - Có thời, một bộ phận không nhỏ bóng đá Việt Nam cổ suý cho tư tưởng “đá đẹp có thua cũng sướng!”. Giờ thì U22 Việt Nam đã thua tại SEA Games 29 bằng lối chơi đẹp làm chủ đạo. Thử hỏi, thua như thế có thấy sướng không?

Định hướng sai từ các quan chức hàng đầu VFF

Có lẽ chẳng có nền bóng đá nào trên thế giới người ta xây dựng lối đá đẹp để nhận phần thua cả. Bóng đá nói riêng và thể thao đỉnh cao nói chung là hướng đến chiến thắng, theo tinh thần “Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn”.

Quan điểm “đá đẹp có thua cũng sướng!” vì thế mà lệch đường so với khẩu hiệu của thể thao của phong trào Olympic. Và một khi quan điểm ấy được phát ra từ quan chức cao cấp hàng đầu của nền bóng đá, là phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức, thì tác hại của quan niệm sai lầm trên càng lớn.

Bầu Đức cổ vũ cho lứa Công Phượng và các đồng đội đá đẹp chẳng qua vì ngoài đá đẹp, họ chẳng còn biết đá theo cách nào khác. Lứa Công Phượng và các đồng hầu như không biết chơi phản công, hầu như không biết đá theo kiểu rình rập, càng không biết đôi lúc muốn chiến thắng trong thể thao phải dùng đến cả cơ bắp và sự tinh quái.

Nhiều quyết định và nhiều phát biểu của các quan chức hàng đầu VFF vẫn nặng tính cảm tính... (ảnh: Trọng Vũ)
Nhiều quyết định và nhiều phát biểu của các quan chức hàng đầu VFF vẫn nặng tính cảm tính... (ảnh: Trọng Vũ)

Thành ra mới có chuyện U22 Việt Nam hoàn toàn bế tắc khi Indonesia chọn lối chơi phòng ngự số đông, đồng thời họ gần như mất tác dụng khi Thái Lan đẩy họ vào thế buộc phải đá phòng ngự phản công, chứ không thể giữ bóng chơi theo lối ban bật nhỏ.

Nhưng dù sao, việc bầu Đức có quan điểm vừa nêu cũng còn có thể hiểu được, vì nói cho cùng Công Phượng và các đồng đội là sản phẩm đến từ lò đào tạo của bầu Đức, và ông có trách nhiệm phải quảng bá cho những cầu thủ của mình, cho lối chơi xuất phát từ lò đào tạo do ông làm chủ.

Tai hại hơn nữa, có thời người đứng đầu VFF Lê Hùng Dũng cũng cổ suý quá đà cho quan điểm của bầu Đức. Ông Dũng có lúc nêu ý định dùng lứa Công Phượng và các đồng đội làm nòng cốt cho mọi đội tuyển quốc gia tham dự hầu hết các giải đấu quốc tế trong khu vực, châu lục và thế giới.

Ý định của người đứng đầu VFF dĩ nhiên cũng đầy cảm tính, vì nói thật, cho đến giờ, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… chưa hề có bất cứ danh hiệu nào ở các giải chính thức. Thành ra, lấy gì làm căn cứ để bảo rằng những cầu thủ đấy nhỉnh hơn hẳn các cầu thủ khác, đến từ những lò đào tạo khác?

Bóng đá Việt Nam nhận 2 thất bại quan trọng trong vòng 2 năm liên tiếp (ảnh: Q.H)
Bóng đá Việt Nam nhận 2 thất bại quan trọng trong vòng 2 năm liên tiếp (ảnh: Q.H)

Bản thân ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sau bị phản ứng quá mạnh, nên mới dần thôi ý định vừa nêu. Riêng bầu Đức vẫn tiếp tục theo đuổi, vì như đã đề cập, ông Đức quyết bảo vệ đến cùng sản phẩm do chính ông đào tạo.

Đừng dùng chiến tích nhỏ để khoả lấp nỗi đau lớn

Chính sự ngộ nhận mang đầy tính cảm tính đấy khiến chúng ta lệch đường trong việc xây dựng các đội tuyển quốc gia, lệch đường từ cách đánh giá thành công hay thất bại của các HLV (ví dụ như việc sa thải HLV Miura không căn cứ vào thành tích cụ thể mà ông này đạt được, chỉ dựa vào nhận xét chung chung là thiếu phù hợp), lệch đường trong việc xây dựng lực lượng và lối chơi của đội tuyển.

Bảo U22 Việt Nam phải đá đẹp trước mọi đối thủ là phi thực tế, là không đánh giá đúng vị trí của bóng đá Việt Nam so với mặt bằng Đông Nam Á, không đánh giá đúng chất lượng của các đối thủ (Tại Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam ít nhất còn kém 3 quốc gia khác về mặt thành tích, gồm Thái Lan, Singapore và Malaysia).

Thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 là nỗi đau cho quan điểm đá đẹp có thua cũng sướng vốn một thời được ưa chuộng (ảnh: Q.H)
Thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 là nỗi đau cho quan điểm "đá đẹp có thua cũng sướng" vốn một thời được ưa chuộng (ảnh: Q.H)

Điều đáng buồn và đáng trách tiếp theo, ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và phó chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức vốn không phải là dân chuyên môn bóng đá, nên họ có thể đánh giá sai về chuyên môn.

Ngặt nỗi, các thuộc cấp của họ, các bộ phận chức năng của VFF cũng không đủ dũng khí và thiếu sắc sảo trong việc phân tích đúng - sai, trong việc dùng các luận cứ khoa học để bác bỏ những nhận định đầy cảm tính của cấp trên, khiến cho cả làng cầu mất phương hướng trong thời gian rất dài, dẫn đến thất bại liên tiếp.

U22 Việt Nam thất bại đau đớn tại SEA Games 29, đội tuyển quốc gia thất bại tại AFF Cup 2016. 2 năm liền bóng đá Việt Nam thua đau ở 2 giải bóng đá quan trọng nhất Đông Nam Á, cho dù năm nào chúng ta cũng hướng trọng tâm vào các giải đấu ấy.

Cũng đừng đem thành tích ở các giải trẻ và của bóng đá nữ ra để khoả lấp nỗi đau thất bại ở 2 giải vừa nêu, bởi chẳng có ở đâu trên thế giới, người ta đánh giá bộ mặt của cả nền bóng đá thông qua các đội trẻ và đội bóng đá nữ (bằng chứng là Thái Lan chưa bao giờ vào VCK World Cup U20 như Việt Nam, nhưng bóng đá Thái Lan vẫn được đánh giá cao hơn hẳn bóng đá Việt Nam).

Bằng ngược lại, bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục sa vào việc định hướng theo cảm tính! Bằng ngược lại, nếu vẫn dùng các chiến tích nhỏ để khoả lấp những nỗi đau lớn, thì có nhận thêm bao nhiêu thất bại như thất bại ở SEA Games 29 cũng chẳng thể rút ra bài học gì!

Trọng Vũ

Thất bại của U22 Việt Nam và định hướng sai lầm của VFF - 4

Dòng sự kiện: SEA Games 29