1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Thể thao Việt Nam trước nỗi lo doping tại SEA Games 27

(Dân trí) - Vấn đề doping luôn là “hiểm họa” lớn với đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) trong mỗi lần tham dự ở những sân chơi lớn.

Một tin không thể vui hơn với tay đua đội đua Đồng Tháp, khi ngày 7/10 vừa qua, Liên đoàn xe đạp thế giới (UCI) đã có thông báo gửi Liên đoàn xe đạp-mô tô Việt Nam về kết luận mẫu thử B của tuyển thủ quốc gia Nguyễn Trường Tài âm tính với chất cấm prednisone, đồng nghĩa với việc tay đua người Việt Nam đã “trắng án” sau nghi án sử dụng doping trước đó.

Sau 3 tháng kiểm tra mẫu thử, UCI thông báo mẫu thử B của tay đua Trường Tài tại Trung tâm phòng chống doping thế giới (WADA) ở New Dehli (Ấn Độ) cho kết quả âm tính. Chiếu theo luật, Trường Tài không bị UCI kết tội sử dụng chất cấm theo Điều 21.1 Luật Phòng, chống doping của UCI.
 
VĐV đua xe đạp Nguyễn Trường Tài

VĐV đua xe đạp Nguyễn Trường Tài

Được biết, UCI còn gửi mẫu thử B đến phòng thí nghiệm FMSI tại Ý nhằm kiểm tra định lượng ADN. Lý giải cho việc vì sao kết quả mẫu B lại khác so với mẫu A, UCI cho rằng, ẫu thử A của Trường Tài bị nhiễm khuẩn nên cho kết quả dương tính với chất prednisone.

Như vậy, tay đua của đội đua Đồng Tháp đã may mắn không dính chất cấm của UCI, đồng nghĩa với việc anh sẽ không bị cấm thi đấu 2 năm, cơ hội giành huy chương SEA Games lại sáng trở lại.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực doping cho rằng, việc Trường Tài được “minh oan” là hiếm xảy ra, bởi khi đã có kết luận mẫu A, các VĐV có đến 99% không thể thoát án. Tuy nhiên, dường như có một “điều kỳ diệu” nào đó

Việc Trường Tài được kết luận “trắng án”, không chỉ là tin vui với VĐV này, mà còn với cả ngành Thể thao nước nhà. Tuy nhiên, không phải lần nào TTVN cũng may mắn như vậy. SEA Games 27 đang tới gần, vấn đề doping lại được nhắc tới như một “mối họa” lớn…

Còn nhớ, 5 năm trước, tất cả các nhà quản lý cùng người hâm mộ thể thao nước nhà đã phải ngã ngửa trước kết quả thông báo đoàn Việt Nam có 1 trường hợp dính doping từ BTC Olympic Bắc Kinh. TTVN từng có nhiều trường hợp dính doping ở các giải trong nước và một số giải quốc tế, tuy nhiên, trường hợp của Ngân Thương ở môn TDDC bị kết luận là có chất kích thích tại Olympic Bắc Kinh lại là trường hợp đầu tiên ở sân chơi Thế vận hội. Còn nhớ khi đó, cả làng thể thao Việt Nam đã bị “sốc” thật sự bởi dính doping ở một kỳ Olympic là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự nghiệp VĐV cũng như hình ảnh của cả một quốc gia.

Thực tế thì hồi đó, Ngân Thương đã uống thuốc lợi tiểu chỉ mong muốn...giảm cân chứ không nghĩ rằng trong thành phần của thuốc, có chất cấm. Các kết luận của BTC khi đó, cũng cho biết chất cấm có trong kết quả kiểm tra, không có tác dụng cho các nhóm cơ để nâng cao thành tích. Dù sao thì vô tình hay cố ý, dù chất cấm nặng hay nhẹ cũng là dính doping, Ngân Thương sau đó bị cấm thi đấu 2 năm. Đó thực sự là một bài học lớn với VĐV này cũng như cả ngành thể thao.

Nếu như trường hợp của Thương có phần được nhiều người thông cảm, thậm chí cô còn được Ủy ban Olympic thế giới giảm án 1 năm, thì trường hợp của Á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) lại rất đáng trách. VĐV này bị phát hiện dính doping tại giải cử tạ vô địch thế giới năm 2009. Sau đó thì Tuấn giải thích, anh đã tự ý mua đồ uống có ga ở bên ngoài khu tập luyện nên có thể bị “dính”. Sau đó thì Tuấn cũng bị cấm 2 năm thi đấu, sự nghiệp cũng gần như đánh dấu chấm hết.

Nhắc lại những chuyện cũ để thấy, doping không chừa một ai. Càng ở các sân chơi lớn, các VĐV càng có nguy cơ “dính” doping, khi sự hiểu biết của mình về các chất cấm còn hạn chế.

Thế nhưng, có một nghịch lý là các quan chức đầu ngành thừa nhận, việc phòng chống doping chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ý thức, sự chuyên nghiệp của các VĐV là chính. Đơn giản bởi, không phải lúc nào HLV hay nhà quản lý đi kè kè bên cạnh xem VĐV uống gì, ăn gì. Cả 2 bài học lớn nhất của TTVN từ trường hợp của Ngân Thương và Anh Tuấn, cũng bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết một cách tối thiểu.

Sau 2 sự cố liên tiếp với các VĐV ở tầm Olympic, tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010, lại thêm 1 trường hợp ở môn cử tạ bị phát hiện đã sử dụng doping.

Từ thực tế này, không còn cách nào khác buộc ngành thể thao phải có trung tâm kiểm tra doping để xét nghiệm định kỳ, bên cạnh công tác giáo dục, nâng cao ý thức, sự hiểu biết với các HLV, VĐV. Tuy nhiên, cho đến nay, trung tâm kiểm tra doping vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu kinh phí trầm trọng.

Dính doping ở một sự kiện thể thao như Olympic, luôn là chuyện lớn. Ngoài vấn đề phạm luật thi đấu dẫn đến bị cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn, 1 VĐV bị kết án doping còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự quốc gia đó. “nguy hiểm” là vậy nhưng tiếc là TTVN vẫn hoàn toàn bị động trước vấn đề doping. Và, ai dám chắc, khi mà sự quản lý còn lỏng lẻo, VĐV chưa chuyên nghiệp, khâu kiểm tra còn hạn chế vì thiếu kinh phí, “bóng ma” doping sẽ lại hiện về tại SEA Games lần này?

Bằng Tường