Thể thao Việt Nam năm 2024 và mục tiêu "tấn công" sân chơi Olympic

Kim Anh

(Dân trí) - Năm 2023 từ những dấu ấn ở SEA Games 32 và Asiad 19, thể thao Việt Nam cần có sự đánh giá toàn diện, chỉnh lại thước ngắm, để hướng tới thử thách lớn nhất là Olympic Paris trong năm 2024.

Thành công và thất bại

Kết thúc SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) giành tới 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ, xuất sắc giành vị trí số một chung cuộc, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Thái Lan tới 28 HCV.

Lần đầu tiên TTVN giành 136 HCV và đứng đầu bảng tổng sắp trong một kỳ SEA Games được tổ chức ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Dù vẫn có những ý kiến về giải đấu "ao làng", nhưng không thể phủ nhận các HLV, VĐV đều rất nỗ lực, chiến đấu vì màu cờ sắc áo để giành những thành tích đáng tự hào.

Điều quan trọng hơn, những xúc cảm về tinh thần thể thao cao thượng, nỗ lực thi đấu để mang vinh quang về cho tổ quốc của các VĐV còn mãi trong lòng người hâm mộ sau kỳ SEA Games thành công trên đất Campuchia.

Thể thao Việt Nam năm 2024 và mục tiêu tấn công sân chơi Olympic - 1

Nguyễn Thị Oanh ghi dấu ấn lớn với 4 HCV ở SEA Games 32 tại Campuchia (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chúng ta không thể không nhắc tới "siêu nhân" Nguyễn Thị Oanh - vận động viên (VĐV) giành tới 4 HCV SEA Games, trong đó làm nên điều không tưởng khi giành 2 HCV ở 2 cự ly chạy mà thời gian nghỉ chưa đầy 30 phút.

Tại SEA Games 32 không chỉ có Nguyễn Thị Oanh. "Kình ngư" Phạm Thanh Bảo giành 2 HCV ở nội dung 100m và 200m ếch đồng thời phá kỷ lục SEA Games cả hai nội dung này.

Người hâm mộ Việt Nam cũng đã rất tự hào khi được chứng kiến những chiến thắng đầy cảm xúc của những chàng trai thể dục dụng cụ, các "cô gái vàng" của Wushu, bóng rổ... và đặc biệt là tấm HCV thứ 8 trong lịch sử của tuyển bóng đá nữ.

Sau kỳ SEA Games thành công, TTVN bước tới sân chơi lớn hơn là Asiad 19. Tại Á vận hội diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn TTVN giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương.

Tính ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, chỉ xếp trên các đoàn Myanmar (1 HCV), Brunei, Lào, Campuchia và Timor Leste (không có HCV nào).

Ba tấm HCV của Việt Nam thuộc về Phạm Quang Huy (bắn súng), đội tuyển cầu mây nữ và đội tuyển Kata (Karate). Thành tích này giúp đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu (2-5 HCV), nhưng không thể vui khi nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á có bước tiến mạnh ở đấu trường châu lục.

Ở sân chơi có tính cạnh tranh khốc liệt, TTVN đã có những điểm sáng rất đáng khen ngợi. Phạm Quang Huy là VĐV đầu tiên mang về HCV cho bắn súng Việt Nam ở đấu trường châu lục, dù trước đó chúng ta từng có HCV ở Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh.

Thể thao Việt Nam năm 2024 và mục tiêu tấn công sân chơi Olympic - 2

Dấu ấn lớn của Thể thao Việt Nam ở Asiad 19 là tấm HCV bắn súng của Phạm Quang Huy (Ảnh: Quý Lượng).

Hai tấm HCV còn lại của tuyển cầu mây (nội dung 4 nữ) và karate (biểu diễn nữ) cũng đều mang lại những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Tất cả đều là thành quả của sự nỗ lực, chiến đấu hết khả năng của các VĐV.

Không chỉ HCV, mà ngay cả những tấm HCB, HCĐ ở thể dục dụng cụ, bơi, các môn võ đều rất đáng quý. Thậm chí thành tích xếp hạng tư của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng là một lịch sử.

Nhưng xét về tổng thể, TTVN có một kỳ Asiad không thành công dù hoàn thành chỉ tiêu. Ở hai kỳ SEA Games gần nhất, TTVN luôn vượt qua Thái Lan để xếp nhất, nhưng ra đấu trường Á vận hội lại bị đối thủ bỏ xa về thành tích.

Không chỉ ở sân chơi Asiad, mà ở Olympic, Thái Lan hay Indonesia, Malaysia, Singapore cũng đều có thế mạnh cạnh tranh huy chương, trong khi TTVN chỉ chờ vào may mắn. Đây chính là vấn đề đáng suy ngẫm.

"Ngành thể thao cần phân tích để thấy rõ được nguyên nhân của những thành công và những tồn tại, hạn chế mà qua việc tham dự các kỳ Đại hội, gần đây nhất là tại Asiad 19, từ đó rút ra bài học cần thiết", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Từ Asiad 19 tới Olympic 2024

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT, nay là Cục TDTT), ông Nguyễn Hồng Minh thẳng thắn cho rằng các nhà quản lý thể thao nước nhà cần nhìn nhận và suy nghĩ nghiêm túc về chiến lược và sự đầu tư.

Hiện nay, có một thực trạng được nhìn thấy rất rõ là TTVN bị bệnh thành tích ở SEA Games mà quên rằng Asiad hay Olympic mới là cái đích, là thước đo thực chất sự phát triển của mỗi nền thể thao.

Thể thao Việt Nam năm 2024 và mục tiêu tấn công sân chơi Olympic - 3

Đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam giành HCV ở Asiad 19 (Ảnh: Quý Lượng).

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, muốn giúp VĐV nâng cao về tố chất thể lực, kỹ thuật, trình độ cần phải áp dụng khoa học. Đặc biệt, những vấn đề về chăm sóc sức khỏe, chữa trị hồi phục chấn thương, dinh dưỡng, cải tiến phương tiện dụng cụ tập luyện và thi đấu… ở Việt Nam gần như chưa được quan tâm, chính xác là không có điều kiện.

Một trong những giải pháp để TTVN phát triển đó là giải bài toán kinh tế thể thao để chủ động nguồn ngân sách. Thực tế, một vài môn thể thao ở Việt Nam bắt đầu có nguồn kinh phí nhất định từ xã hội hóa, nhưng chỉ có bóng đá làm tốt.

Chỉ khi nào có tiền đầu tư, cùng với đó là hướng đi đúng đắn, TTVN mới có cơ hội để vươn tầm châu lục, từ đó tạo cú hích cho sự phát triển chung của cả nền thể thao.

Rõ ràng là sau kỳ Asiad 19, ngành thể thao phải nhìn lại chính mình bởi TTVN mới chỉ thành công ở đấu trường "vui là chính" SEA Games. Còn với Asiad và đặc biệt là Olympic, chúng ta thường chỉ tham dự với tinh thần học hỏi, cọ xát, ít có hy vọng tranh chấp huy chương.

Tính đến thời điểm này, TTVN mới tạm đạt 4 suất chính thức Olympic Paris 2024 gồm môn xe đạp (Nguyễn Thị Thật), bắn súng (Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền) và bơi (Nguyễn Huy Hoàng).

Việc giành được 4 suất tham dự Olympic là con số khiêm tốn với TTVN khi mục tiêu phải giành huy chương Olympic đã được ghi rõ trong Dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết TTVN đặt mục tiêu có từ 12 đến 15 suất dự Olympic Paris 2024. Hiện tại, các VĐV vẫn còn những giải đấu phía trước để cải thiện thành tích và có thêm suất dự Thế vận hội.

"Một số môn xác định có khả năng giành vé đến Olympic, TTVN đều đã có đại diện. Ở môn cầu lông, VĐV Nguyễn Thùy Linh gần như chắc chắn đã có suất, chỉ còn đợi công bố chính thức.

Thùy Linh sẽ nỗ lực lọt vào top 12 để được xếp làm hạt giống ở Olympic, nhờ vậy có cơ hội tiến xa hơn. VĐV Lê Đức Phát cũng có tiềm năng vào top 38, tương đương suất dự Olympic.

Thể thao Việt Nam năm 2024 và mục tiêu tấn công sân chơi Olympic - 4

Nguyễn Huy Hoàng là một trong số ít vận động viên Việt Nam giành vé dự Olympic 2024 (Ảnh: Tuấn Bảo).

Ở môn cử tạ, VĐV có thành tích lọt vào top 10 sẽ có suất dự giải. Hiện chúng ta có Trịnh Văn Vinh đang ở top 9, cùng 2 VĐV nằm trong top 12, đang cố gắng vào tốp 10. Mục tiêu của cử tạ là có 2 suất đến Olympic, chia đều cho các nội dung nam và nữ.

Một số môn như bắn cung, thể dục dụng cụ cũng tìm suất dự Olympic, trong đó trọng điểm là nội dung vòng treo của VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong - đương kim HCB Asiad

Ở môn điền kinh, các VĐV Việt Nam có cơ hội tìm suất khi đang tiệm cận top 16 ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ. Dù Nguyễn Thị Huyền chia tay đội tuyển nhưng chúng ta có sự trở lại của Quách Thị Lan", ông Đặng Hà Việt cho biết.

Theo người đứng đầu Cục TDTT, việc đặt mục tiêu giành 12-15 suất dự Olympic, còn mục tiêu có huy chương ở đấu trường này là rất khó khăn.

Trong 3 HCV giành được tại Asiad 19, duy nhất chỉ có một nội dung thuộc chương trình thi đấu Olympic là 10m súng ngắn hơi nam của môn bắn súng của VĐV Phạm Quang Huy. Nhưng thành tích tại giải vô địch châu Á 2023 của xạ thủ người Hải Phòng chỉ xếp thứ 9.

Ông Hà Việt nhấn mạnh, ngành thể thao xác định còn rất nhiều việc phải làm, và việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai là có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á.

Thể thao Việt Nam cần một quá trình cần một hệ thống bài bản, từ việc phát triển giáo dục thể chất rồi việc xác định môn nào là trọng điểm, cần phải có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành, từ đó mới lựa chọn được nhiều tài năng cho đội tuyển quốc gia.