DMagazine

Steve Darby: "Lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã lỗi thời"

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn Dân trí, chuyên gia Steve Darby đưa ra ý kiến "kiểm soát bóng" là quan niệm đã lỗi thời và ở cấp đội tuyển quốc gia, kết quả là trên hết.

Trả lời phỏng vấn Dân trí, chuyên gia Steve Darby đưa ra ý kiến "kiểm soát bóng" là quan niệm đã lỗi thời và ở cấp đội tuyển quốc gia, kết quả là trên hết.

Trong lần trả lời phỏng vấn báo Dân trí trước đây, ông đã chia sẻ quan điểm rằng đối với HLV trưởng, thành tích thi đấu là điều quan trọng nhất chứ không phải sử dụng lối chơi nào. Đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier đang gây thất vọng khi thua Trung Quốc, Uzbekistan, Hàn Quốc trong đợt FIFA Days tháng 10. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Tôi nghĩ lựa chọn đương đầu với những đội bóng mạnh thay vì các đối thủ yếu là một quyết định khôn ngoan trong các trận giao hữu. Thua một đội bóng mạnh vẫn hữu ích hơn là thắng dễ dàng đối thủ yếu. Những trận đấu như vậy sẽ giúp HLV Troussier đẩy nhanh tiến trình sàng lọc lực lượng.

Ông ấy sẽ nhận ra cầu thủ nào có thể phát triển đến trình độ cao hơn và quan trọng hơn hết là cầu thủ nào không thể. Trước những đối thủ trên cơ, với trình độ và đẳng cấp vượt trội, các cầu thủ luôn phải nỗ lực hết sức để theo kịp trận đấu, thường thì vấn đề sẽ xoay quanh tốc độ, bao gồm tốc độ xử lý và tốc độ suy nghĩ.

Steve Darby: Lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã lỗi thời - 2

Trận đấu giao hữu đội tuyển Việt Nam thua 0-6 Hàn Quốc thực sự phần nào khiến tôi bất ngờ, bởi trước đây tôi dẫn dắt đội tuyển Lào cũng chỉ thua 5 bàn. Hàn Quốc đã vươn tới đẳng cấp rất cao và sở hữu một loạt hảo thủ đang chinh chiến khắp châu Âu.

Son Heung Min (Tottenham), Hwang Hee Chan (Wolves), Lee Kang In (PSG) hay Kim Min Jae là những gương mặt như vậy. Thế nên, đừng kỳ vọng quá nhiều vào kết quả. Thực tế cách biệt giữa cầu thủ chơi bóng ở V-League và Premier League, Bundesliga hay Ligue 1 là vô cùng lớn.

Về vòng loại World Cup và Asian Cup, những giải đấu sắp diễn ra, đội tuyển Việt Nam phải nỗ lực cải thiện. Thái Lan hay Việt Nam nên lấy các giải đấu ở Đông Nam Á làm bàn đạp để hướng tới hai giải đấu lớn tầm châu lục này.

Chẳng hạn SEA Games đối với Việt Nam và Thái Lan nên là giải đấu tạo cơ hội để các cầu thủ trẻ lứa U18 hoặc U19 thi đấu cọ xát tích lũy kinh nghiệm cũng như phát triển kỹ năng. Việt Nam và Thái Lan cần xem SEA Games như sự chuẩn bị cho tầm nhìn World Cup và Asian Cup.

Tại vòng loại World Cup 2026, châu Á có 8,5 suất, Iran, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Saudi Arabia chiếm 5 suất. Đội tuyển Việt Nam Việt Nam sẽ phải tranh đua để có một trong 3,5 suất còn lại. Nhiệm vụ này vẫn vô cùng khó khăn và phụ thuộc nhiều vào kết quả bốc thăm ở các giai đoạn sau.

Steve Darby: Lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã lỗi thời - 4

Ở trận thua Trung Quốc, đội tuyển Việt Nam vượt trội về tỷ lệ kiểm soát bóng, nhưng lối chơi này phá sản khi gặp Uzbekistan, Hàn Quốc. Ở khâu phòng ngự, hàng thủ Việt Nam cũng để lộ ra nhiều sơ hở, nhiều lần để mất bóng ngay bên phần sân nhà. HLV Troussier cũng không hài lòng với điều này. Theo ông, lối chơi kiểm soát bóng liệu có phù hợp với đội tuyển Việt Nam?

- Kiểm soát bóng đang dần trở thành thông số lỗi thời trong bóng đá rồi. Hãy bỏ qua tất cả những "triết lý" và "chiến lược" sang một bên đi, đó chỉ là những câu chữ sáo rỗng tưởng như thời thượng của thời đại ngày nay. Ở cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG), số liệu duy nhất quan trọng là tỷ số và triết lý duy nhất cần thiết là giành chiến thắng mỗi trận đấu.

Hãy thử hình dung, nếu một đội lùi sâu để phòng ngự thì khả năng kiểm soát bóng của đối phương sẽ tăng lên đáng kể. Ngược lại, nếu dâng cao đội hình dồn ép, tỷ lệ kiểm soát bóng của đối phương sẽ giảm.

Đội tuyển Việt Nam đã thi đấu thành công dưới thời HLV Park Hang Seo vì ông ấy rất thực tế. Ông ấy xây dựng đội hình dựa trên hàng phòng ngự vững chãi lùi sâu và tổ chức các đợt tấn công, phản công chớp nhoáng.

Steve Darby: Lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã lỗi thời - 6

Tôi nhớ có một vài chuyên gia chỉ trích lối chơi của đội tuyển Việt Nam thời ông Park nhàm chán! Nhưng thực tế chứng minh kết quả thi đấu thành công và nâng cao sỹ khí toàn đội.

Nếu chơi tấn công trước những đối thủ trên cơ, kết cục chỉ có thua mà thôi, thậm chí là thua đậm. Đó là canh bạc mà HLV Troussier phải thực hiện và thành quả sẽ phụ thuộc vào chất lượng cầu thủ. Liệu các cầu thủ Việt Nam có nên giữ bóng trước Uzbekistan hay đặc biệt là Hàn Quốc?!

Tại Asian Cup sắp tới, HLV Troussier càng phải thực dụng. Từng dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản (Việt Nam nằm chung bảng với Nhật Bản, Indonesia và Iraq), ông ấy hiểu rõ đội bóng Đông Á không chỉ xuất sắc về kỹ thuật mà còn sở hữu thể lực sung mãn vượt trội.

Tôi nghĩ rất đơn giản, đội tuyển Việt Nam cứ hạn chế bàn thua tối đa trước Nhật Bản và cố giành lấy vị trí thứ hai.

Tóm lại, hãy quên những số liệu thống kê đi, mấu chốt là chất lượng cầu thủ. Nếu bạn có một tiền đạo như Harry Kane, bạn sẽ có nhiều bàn thắng. Nếu bạn có một thủ môn như Thibaut Courtois, bạn sẽ nhận ít bàn thua.

Trong trận đấu bóng đá, trước nhất là cầu thủ, sau mới đến chiến thuật. Và thêm vào là nền tảng thể chất để có thể thi đấu suốt 90 phút với cường độ cao.

Steve Darby: Lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã lỗi thời - 8

Thực tế những đội sử dụng lối chơi kiểm soát bóng vẫn đặt nặng sự chắc chắn ở hàng phòng ngự. Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 và Euro 2012 với rất ít bàn thua. Với kinh nghiệm của một chuyên gia lão luyện, ông nghĩ đội tuyển Việt Nam cần làm gì để cải thiện khả năng phòng ngự nhưng vẫn đảm bảo việc cầm được bóng?

- Như tôi đã nói, vấn đề không phải lối chơi nào. Phòng ngự là phòng ngự. Bạn đảm bảo quân số trên mặt trận phòng ngự và được tổ chức chặt chẽ thì bạn nhận ít bàn thua. Ngoài ra những yếu tố then chốt như sự tự tin và tập trung cao độ cũng cực kỳ quan trọng.

Các hậu vệ không thể lúc nào cũng canh chừng trái bóng mà phải cản phá các quả tạt hay đường chuyền đưa bóng vào vòng cấm, trong khi nhiệm vụ của tuyến phòng ngự phía trên là ngăn chặn sao cho đối phương không thể đưa bóng vào vòng cấm.

Hầu hết bàn thắng xuất hiện trong vòng 16m50, thế nên đối phương càng có ít cơ hội trong vòng cấm thì bạn càng tăng khả năng giữ sạch lưới.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Steve Darby: Lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã lỗi thời - 9
Steve Darby: Lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã lỗi thời - 10

Màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam trước Trung Quốc và đặc biệt là Uzbekistan rất thiếu chất lượng lẫn ý tưởng thực hiện các mảng miếng phối hợp. Dù đội tuyển Việt Nam có kiểm soát bóng nhiều tới đâu, nếu cứ chuyền bóng quẩn quanh bên phần sân nhà và thiếu trình tự triển khai bóng tấn công hiệu quả vào khu vực phòng ngự đối phương thì mọi thứ đều vô nghĩa.

Chẳng hạn như trận đấu với Trung Quốc, đội tuyển Việt Nam vượt trội về tỷ lệ kiểm soát bóng (63%) và thực hiện số đường chuyền gần gấp đôi đối phương (603 so với 346), nhưng tỷ lệ chuyền bóng chính xác của hai đội là tương đương.

Điều đó cho thấy các đường chuyền của đội tuyển Việt Nam mang tính rủi ro cao hơn, thực tế nhiều tình huống để mất bóng ngay bên phần sân nhà.

Trong bàn thua thứ hai ở trận đấu với Trung Quốc và bàn thua thứ nhất ở trận gặp Uzbekistan đều thể hiện tính thiếu tổ chức của hàng phòng ngự và sự mất tập trung của các hậu vệ.

Bobby Robson (HLV trưởng đội tuyển Anh giai đoạn 1982-1990) từng nói, phòng ngự và tấn công có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi đảm bảo được sự ổn định trong khâu phòng ngự, khả năng tấn công sẽ tăng lên.

Quan niệm cũ của bóng đá Anh trước thập niên 1990 từng tách biệt rõ khâu phòng ngự và tấn công. Đại loại số lượng cầu thủ tấn công càng nhiều, cơ hội ghi bàn càng cao. Ngược lại, số lượng cầu thủ phòng ngự càng đông, khả năng ngăn chặn đối phương tấn công càng hiệu quả.

HLV Bobby Robson đã thoát ra khỏi tư duy truyền thống ấy bằng cách bố trí số lượng cầu thủ phòng ngự ở trung tuyến đông đảo hơn. Nhờ vậy hàng thủ đội tuyển Anh trở nên chắc chắn hơn, trong khi các tiền vệ và hậu vệ biên tham gia tấn công hiệu quả hơn. Kết quả là đội bóng này lọt vào bán kết World Cup 1990.

Steve Darby: Lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã lỗi thời - 13

Từ bỏ quan niệm cũ kỹ của người Anh và ưu tiên cải thiện sự ổn định trong khâu tổ chức phòng ngự của HLV Bobby Robson là bài học quý báu cho đội tuyển Việt Nam hiện tại. Tổ chức phòng ngự ổn định từ trung tuyến không chỉ gia cố sự chắc chắn mà còn tăng khả năng sát thương lên hàng thủ đối phương.

Nếu không đảm bảo được sự chắc chắn thì cũng khó có thể đảm bảo hiệu quả tấn công. Đó cũng là sự khác biệt lớn nhất giữa đội tuyển Việt Nam hiện tại và đội tuyển Việt Nam thời đỉnh cao dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo.

Trận thua Hàn Quốc 0-6 là kết quả tệ hại cho đội tuyển Việt Nam. Nhiều người hâm mộ sẽ cảm thấy thất vọng với trận đấu này. Dù sao đi nữa, đội tuyển Việt Nam có nhiều việc phải làm để tổ chức lại lực lượng, cải tổ kế hoạch thi đấu và cách sử dụng chiến thuật. Tất cả các cầu thủ đều không tự tin vì sai lầm từ chiến thuật.

Tại sao HLV Troussier lại đặt Hoàng Đức ở vị trí tiền đạo? Đồng ý chúng ta có thể chấp nhận đội tuyển Hàn Quốc quá mạnh và đã có những pha phối hợp xuất sắc. Tôi nghĩ Việt Nam cần phải tổ chức lại lối chơi. Triết lý bóng đá hiện tại quá khác biệt so với thời HLV Park Hang Seo.

Steve Darby: Lối chơi kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã lỗi thời - 14

Thiết kế: Đức Bình

Nội dung: Ngọc Trung