DMagazine

Steve Darby: "Cầu thủ Việt đừng nghĩ ra nước ngoài để đánh bóng tên tuổi"

(Dân trí) - Trò chuyện cùng Dân trí xung quanh vấn đề xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam, chuyên gia Steve Darby nhận định vóc dáng không phải là vấn đề nghiêm trọng. Sức mạnh tinh thần mới là vấn đề quan trọng nhất và nên được đề cập đầu tiên.

Xin chào chuyên gia Steve Darby. Cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn của  Dân trí về chủ đề cầu thủ xuất ngoại, bài toán khó mà dường như bóng đá Việt Nam chưa tìm ra lời giải. Sau khá nhiều thất bại, dường như có tâm lý e ngại chuyện cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Ý kiến của ông ra sao?

- Trước hết, đây là quyết định cá nhân. Nếu một cầu thủ cảm thấy hạnh phúc bên gia đình tại quê nhà, hàng ngày thưởng thức món ăn quen thuộc và hài lòng với mức lương từ công việc đá bóng, thì điều đó thật tuyệt cho họ. Không ai có thể ép buộc họ phải ra nước ngoài thi đấu.

Tuy nhiên, nếu một cầu thủ muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, họ phải chấp nhập bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức ở giải đấu chất lượng cao hơn. Điều này đúng với mọi quốc gia, kể cả những nền bóng đá phát triển.

Cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã đến Premier League hay Bundesliga chơi bóng. Jude Bellingham không chơi bóng tại Ngoại hạng Anh mà khoác áo Real Madrid.

Tất cả phụ thuộc vào mục tiêu các cầu thủ đặt ra trong sự nghiệp của mình. Cristiano Ronaldo và Lionel Messi rõ ràng được thúc đẩy bằng khao khát thành công, cả hai đều phải sống xa nhà khi còn thiếu niên và nỗ lực chinh phục mọi mục tiêu trên sân cỏ suốt nhiều năm.

Bản thân tôi sẽ khuyến khích bất cứ cầu thủ trẻ nào của bóng đá Việt Nam khao khát vươn lên. Tôi khuyên các cầu thủ trẻ phải chứng tỏ được năng lực bản thân ở trong nước, tại các cấp đội tuyển trẻ quốc gia hoặc V-League và sau đó tìm cơ hội ra nước ngoài thi đấu.

Tôi tin rằng khi trở về họ không chỉ trở về với phiên bản hoàn thiện hơn của bản thân trong tư cách một cầu thủ mà cũng trở nên mạnh mẽ hơn về tính cách. Nếu đủ tài năng và bản lĩnh, họ có thể kiếm được thu nhập ổn định để nuôi sống gia đình và có một cuộc sống tuyệt vời trong vai trò cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Steve Darby: Cầu thủ Việt đừng nghĩ ra nước ngoài để đánh bóng tên tuổi - 2

Cuộc sống của một "người ngoại quốc" rất khó khăn, nhưng với thái độ làm việc chuyên nghiệp, tài năng và một chút may mắn, cầu thủ Việt Nam có thể gặt hái thành công.

Trước khi hướng tới thành công, làm thế nào để cầu thủ Việt Nam thu hút sự quan tâm từ các CLB nước ngoài? Và ngược lại, họ nên chọn môi trường nào, CLB ở trình độ như thế nào cho phù hợp với khả năng?

- Tôi nghĩ điều quan trọng là cần những kênh truyền thông chất lượng về các trận đấu của CLB lẫn đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Việt Nam, đặc biệt là truyền hình, với cả bình luận tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Điều này làm tăng độ phủ và cơ hội tiếp cận.

Các trận đấu cũng nên được tổ chức vào ban đêm, dưới ánh đèn cao áp và trên khán đài có sự hiện diện của đông đảo cổ động viên. Điều đó tạo hình ảnh V-League và cả các cầu thủ trở nên thu hút hơn.

Điểm tiếp theo nghe có vẻ quái dị nhưng cũng cần thiết. Đó là tên cầu thủ trên áo đấu và trong tờ khai đăng ký thi đấu. Gần đây tôi có xem tờ đăng ký thi đấu của đội tuyển Việt Nam và đa số điền tên "Nguyễn". Việc này khiến những người nước ngoài bối rối bởi họ luôn dễ nhớ hơn khi đọc những cái tên độc đáo như Công Vinh, Bảo Khanh hay Hồng Sơn.

Nói tóm lại, các nhà quản lý bóng đá phải làm sao cho việc nhận diện tài năng bóng đá Việt Nam trở nên dễ dàng hơn với giới quan sát lẫn tuyển trạch viên của các đội bóng nước ngoài.

Ngoài ra, văn hóa cũng rất quan trọng trong bóng đá và tôi biết người Việt thường không ưa "xa nhà". Các bạn dễ chạnh lòng vì nhớ nhà, nhớ gia đình hay thậm chí nhớ mùi thức ăn quen thuộc! Thế nên, ra nước ngoài thi đấu là bước đi rất dài. Chẳng hạn như từ Hà Nội đến Đan Mạch, nơi tuyết phủ dày quanh năm và không ai nói tiếng Việt.

Quan điểm của tôi là cầu thủ Việt Nam nên chuyển đến Hàn Quốc hay Nhật Bản, nơi có giải vô địch quốc gia (VĐQG) chất lượng cao và sự tương đồng về văn hóa. Nếu thành công được ở những môi trường này thì bước tiếp theo mới là châu Âu.

Quan trọng là các cầu thủ phải khôn ngoan trong việc lựa chọn CLB và không bị "dắt mũi" bởi những người đại diện chỉ muốn lợi dụng để kiếm tiền. Các đội bóng tốt sẽ cung cấp điều kiện sinh hoạt và làm việc đảm bảo, đơn cử như chỗ ở, phương tiện đi lại và có thể hỗ trợ học ngôn ngữ hoặc phiên dịch viên. Mỗi cầu thủ đều là tài sản đối với một CLB và họ cần bảo vệ tài sản ấy.

Tiền bạc cũng là vấn đề quan trọng, vì cầu thủ chuyên nghiệp sống bằng nghề đá bóng. Vào những năm 2000, thời điểm làm việc tại Singapore, tôi đã ký hợp đồng với một số cầu thủ Thái Lan và có trường hợp họ được hưởng mức lương gấp 4 lần tại quê nhà.

Tôi cũng đưa ra đề nghị với một tuyển thủ Ấn Độ và Indonesia nhưng CLB không đáp ứng được đòi hỏi về mức lương, vì thu nhập của họ tại quê nhà còn cao hơn. Tuy vậy, tôi sẽ đặt chất lượng của CLB lên trên tiền bạc nếu các cầu thủ đang ở giai đoạn phát triển sự nghiệp.

Steve Darby: Cầu thủ Việt đừng nghĩ ra nước ngoài để đánh bóng tên tuổi - 4

Là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm nhiệm vụ tuyển trạch tại khu vực châu Á, ông có thể cho biết quy trình tuyển dụng của các CLB thường diễn ra như thế nào?

- Ngày nay, yếu tố kinh tế đóng vai trò tiên quyết ở mọi CLB. Các CLB hàng đầu sẽ có những tuyển trạch viên đáng tin cậy trên khắp thế giới. Những người này sẽ đưa ra đề xuất về những cầu thủ có thể đưa vào tầm ngắm tại khu vực họ hoạt động. Sau đó CLB sẽ cử người đến thực địa theo dõi hoặc bắt đầu tìm hiểu thông qua truyền hình.

Tôi từng làm tuyển trạch viên cho Everton (Anh) tại Đông Nam Á và cũng đề xuất vài gương mặt cho Liverpool khi làm việc ở Australia. Năm 2001, tôi đã tư vấn một đội bóng châu Âu chiêu mộ Hồng Sơn nhưng điều kiện chưa cho phép thương vụ được tiến hành.

Một vài CLB tham khảo ý kiến của tôi về Công Vinh, ngược lại tôi cũng giới thiệu cậu ấy cho một đội bóng ở Anh. Vấn đề đối với cầu thủ nước ngoài thường là xin visa và giấy phép lao động.

Ngày nay các CLB lớn đều có đội ngũ khai thác dữ liệu để truy cập vào mọi khía cạnh của cầu thủ trong các trận đấu. Tuy nhiên, ngoài năng lực chuyên môn, các CLB vẫn cần tìm hiểu về tính cách và lối sống của các cầu thủ.

Ví dụ: anh ta có uống rượu không? Anh ta có đánh bạc không? Một số CLB còn thuê cả thám tử tư để nghiên cứu đời tư cầu thủ họ muốn chiêu mộ. Khi đã chi hàng triệu USD, mọi quyết định đều phải giảm thiểu nguy cơ sơ suất tối đa.

Steve Darby: Cầu thủ Việt đừng nghĩ ra nước ngoài để đánh bóng tên tuổi - 6

Bên cạnh việc hướng tới các nền bóng đá phát triển hơn, liệu cầu thủ Việt Nam có nên cân nhắc việc sang Thái Lan, Malaysia hay Indonesia thi đấu?

- Ba quốc gia kể trên đều có những giải VĐQG chất lượng. Nhưng thực tế, các cầu thủ Việt Nam chỉ nên đầu quân cho những CLB hàng đầu tại các giải đấu này, chẳng hạn như Buriram, Bangkok United, Muangthong United, Borneo, Bali United, Johor Darul Ta'zim.. Những cái tên này mới có thể đáp ứng cả về mặt kinh tế lẫn chuyên môn.

Tôi cũng nghe nói về việc cầu thủ Việt Nam được nhận những khoản lót tay khổng lồ đến phi lý khi ký hợp đồng. Hầu hết các nền bóng đá trả thù lao bằng lương chứ không phải lót tay. Nhưng quan trọng là các cầu thủ Việt Nam không nên ký hợp đồng quá dài hạn.

Bởi lẽ trong trường hợp muốn chuyển sang đội bóng khác trước thời điểm hợp đồng hết hạn, CLB ra giá quá cao, khiến chi phí trở nên đắt đỏ và bế tắc trong việc thực hiện chuyển nhượng. Nút thắt này sinh ra không chỉ bởi đòi hỏi thái quá của CLB mà tôi cho rằng không ít lãnh đội cố tình làm khó vì lòng tham.

Vì vậy, nhu cầu thành lập Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng trở nên cấp thiết. Malaysia và Indonesia đã có Hiệp hội này để bảo vệ quyền lợi và đưa ra những tư vấn hợp lý cho các cầu thủ.

Steve Darby: Cầu thủ Việt đừng nghĩ ra nước ngoài để đánh bóng tên tuổi - 8

Theo ông, đâu là trở lực đối với các cầu thủ Việt Nam khi tính chuyện ra nước ngoài thi đấu?

- Cần nhấn mạnh rằng vóc dáng không phải là vấn đề nghiêm trọng. Hãy nhìn Messi và Maradona mà xem. Tất nhiên, cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu phải đảm bảo thật khỏe mạnh và cường tráng, ngay cả khi chỉ để tránh chấn thương.

Dù vậy, sức mạnh tinh thần mới là vấn đề quan trọng nhất và nên được đề cập đầu tiên. Cầu thủ xuất ngoại phải vượt qua được nỗi nhớ nhà và thích nghi được đồ ăn ngoại quốc. Họ cần trưởng thành và mạnh mẽ hơn, nếu muốn phát triển sự nghiệp nơi đất khách.

Thứ hai là ngôn ngữ. Tất cả tuyển thủ đội trẻ quốc gia nên được dạy tiếng Anh, vì đó là ngôn ngữ thứ hai phổ biến nhất và là ngôn ngữ được sử dụng trên Internet. Nếu bạn có thể giao tiếp với đồng đội, bạn sẽ nhanh chóng thích nghi và hòa nhập vào môi trường mới hơn.

Khía cạnh thứ ba là thu nhập. Nếu việc chơi bóng trong nước vẫn đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, thậm chí một số còn nhận được mức lương cao hơn so với ra nước ngoài thi đấu, thì động lực xuất ngoại của các cầu thủ sẽ bị vơi đi ít nhiều.

Tất nhiên còn phụ thuộc vào từng cá nhân. Có người động lực là tiền bạc, có người động lực là bóng đá hay vinh quang sự nghiệp. Niềm đam mê phải có trong từng cầu thủ chứ không thể tự tạo ra được.

Nhưng có rất nhiều cựu cầu thủ đã phải dùng chữ "giá như" để tiếc nuối cho sự nghiệp của mình. Đời người chỉ sống một lần và phải nỗ lực để trở thành phiên bản xuất sắc nhất của chính mình, dù là bất kỳ lĩnh vực nào.

Steve Darby: Cầu thủ Việt đừng nghĩ ra nước ngoài để đánh bóng tên tuổi - 10

Vậy còn vấn đề "áp lực hay kỳ vọng từ dư luận" hoặc "không thể cạnh tranh vị trí" như một số quan điểm được đưa ra, theo ông đó có phải trở lực đối với cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại?

- Trước nhất, dư luận không phải là vấn đề đối với những người chuyên nghiệp thực thụ. Ai quan tâm một người chưa bao giờ đá bóng nghĩ gì về bạn?! Nếu anh quan tâm tới việc đánh bóng tên tuổi để làm truyền thông, hãy trở thành người nổi tiếng chứ không phải cầu thủ bóng đá.

Nếu anh đủ tài năng, tên tuổi của anh sẽ được chú ý và các nhãn hàng nối gót tiếp cận. C.Ronaldo hay Alisha Leihman (nữ tiền đạo quyến rũ của Aston Villa) là minh chứng.

Thứ hai, bất kỳ cầu thủ nào cũng phải sẵn sàng chơi ở bất kỳ vị trí nào mà ban huấn luyện yêu cầu. Bóng đá thay đổi từng ngày, cầu thủ phải biết cách thích nghi. Như Joe Gomez của Liverpool chẳng hạn, cậu ấy thi đấu ở 4 vị trí khác nhau và thường xuyên thay đổi vị trí trong từng trận. Nói chung, cầu thủ phải có khả năng thích nghi.

Nếu bạn đủ giỏi, bạn sẽ được chọn. Không HLV nào ngớ ngẩn tới mức bỏ qua cầu thủ có thể giúp ông ta giành chiến thắng, đồng nghĩa giữ được công việc của mình. Thế nên phải nỗ lực hết sức trong tập luyện hàng ngày và thậm chí tập thêm. Hãy thể hiện bản thân thật nổi bật và trở thành cầu thủ như HLV mong muốn.

Khó khăn trong bước khởi đầu xuất ngoại, bất kỳ nền bóng đá nào cũng phải trải qua. Đơn cử như Australia. Cầu thủ Australia đầu tiên ra nước ngoài thi đấu là Craig Johnston vào thập niên 1980. Ông ấy trải qua những năm đầu khó khăn tại Liverpool nhưng vẫn kiên trì tập luyện và nỗ lực nhiều hơn.

Rốt cuộc ông ấy được chọn vào đội một. Sau đó, hành trình trở nên dễ dàng hơn với các cầu thủ Australia, có thể kể đến Viduka, Schwartzer, Kewell và Cahill. Một khi có được cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thành công, con đường này sẽ trở nên dễ đi hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Steve Darby: Cầu thủ Việt đừng nghĩ ra nước ngoài để đánh bóng tên tuổi - 11

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Đức Bình