Sinh lời từ cầu thủ nhí

LĐBĐ VN và Thể Công tốn bạc tỷ đưa cầu thủ đi du học bên trời Tây. Trong khi ấy, dù mở trường đào tạo cầu thủ nhí ngay trong nước, anh em nhà Văn Sỹ hay công ty SJC nơi Quang Hà đang làm HLV, cũng bắt đầu tính tới chuyện kiếm lời từ những tài năng mới.

Cầu thủ trẻ sinh lời...

 

Cứ đến mùa chuyển nhượng, lại dập dìu xe đủ các loại biển số kéo về Nghệ An để bàn chuyện mua sắm cầu thủ nhí ở SLNA. Tiền chuyển nhượng lên đến bạc tỷ mà các cầu thủ trẻ lại có cơ hội rèn luyện.

 

Thêm vào đó, việc các cầu thủ tham gia tham gia quảng cáo không chỉ đem lại thu nhập cho cầu thủ này mà còn tăng thêm hầu bao cho SLNA. Đối với mọi hợp đồng quảng cáo, Quyến được nhận 50%, một nửa còn lại thuộc về đội bóng xứ Nghệ. Chẳng hạn, từ hợp đồng quảng cáo của Quyến với Pepsi, trị giá 740 triệu đồng, SLNA có được 370 triệu.

 

Mới nhất là chuyện ăn nên làm ra của công ty VST do anh em nhà Văn Sỹ chung nhau làm chỉ sau một năm thành lập. Trước đây, HA.GL có mối tình bền chặt trong việc mượn cầu thủ của SLNA. Đó là Chu Ngọc Cảnh, Văn Sỹ Linh, Võ Văn Hạnh, Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Phi Hùng, Lê Quốc Vượng, Ngô Quang Trường, Lê Thành Long. Nhưng giờ thời thế đã thay đổi khi đội bóng phố núi quay ra hợp tác với công ty VST. HA.GL đề nghị tài trợ 250 triệu đồng/năm để được lấy tối đa 5 cầu thủ/mùa.

 

Trong khi công ty VST hướng tới chợ chuyên nghiệp, công ty cổ phần đào tạo năng khiếu VHTT Việt Nam (SJC) lại đi theo đường riêng "vừa học vừa chơi". Cựu danh thủ Quang Hà đã được mời để huấn luyện các em nhỏ ở hai lứa tuổi 8-12 và 12-15 với học phí 30 USD/tháng. Các em học 3 buổi/tuần (2 buổi học bóng đá, 1 buổi học tiếng Anh).

 

Ăn nên làm ra, anh em nhà Văn Sỹ bắt đầu tính tới những kế hoạch lâu dài khi đầu tư xây sân tập chính, nhà nghỉ chứ không đi thuê nhà ở cho VĐV nữa.

 

... nhưng các CLB vẫn thờ ơ trong việc đào tạo

 

Tốn công, tốn sức chăm cầu thủ trẻ, nhưng có được một tài năng rồi, khả năng sinh lời cũng rất lớn. Ấy vậy mà, trong suốt thời gian dài, nhiều CLB ở V-League đã nhắm mắt thờ ơ với việc đào tạo trẻ khi cậy mình có tiền thuê cầu thủ ngoại và hớt sẵn cầu thủ có kinh nghiệm ở đội bóng khác.

 

Tới ngay Thể Công, lò đào tạo cầu thủ nhí lừng danh một thời, cũng sa sút thê thảm. Chuyện hàng nghìn em nhỏ đăng ký tham dự để thi vào các lớp tuyển chọn chỉ còn là giấc mơ. Những nhà tuyển trạch đổ cho lý do đào tạo thì tốn kém, mà trẻ thành phố giờ chỉ tập cho vui, chứ không khoái gắn cả cuộc đời với trái bóng.

 

"Nói vậy nhưng không phải vậy", chính sự xuống dốc trong đào tạo trẻ đã khiến lò Thể Công không còn là điểm thu hút các em nhỏ khi đã lâu lắm rồi không xuất xưởng được các sao mới. Còn khó khăn vì sự thờ ơ của trẻ em thành phố cũng diễn ra ở tất cả các môn thể thao khác, nhưng tại sao, các môn ấy vẫn phát triển. Đó là vì các HLV chịu khó đi nhặt ở các vùng ngoại thành. Còn các nhà cầm quân ở đội bóng áo đỏ thì khoái đi nhặt cầu thủ đã trưởng thành ở các quân khu hơn là tìm những cầu thủ nhí về đào tạo.

 

Ở Gia Lâm (Hà Nội), để tham gia lớp U11, các em nhỏ sẽ tự đóng tiền ăn lên tới 600.000 đồng/tháng. Dù mất tiền, nhưng các bậc phụ huynh vẫn phấn khởi vì có người trông nom kèm cặp siêu quậy. Trong khi ấy, đợt Trung tâm Thành Long tuyển sinh trong Nam, các em cũng kéo tới ào ào.

 

Để có được một cầu thủ giỏi, các HLV thường xuyên phải lặn lội đi khắp miền quê. Các thày ở đội SLNA đã tìm ra Văn Quyến, Công Vinh, cũng nhờ nghe những lời đồn về vùng này, vùng kia có "thằng bé đá hay lắm".

 

Theo Ban Mai

 Ngôi sao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm