1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Riedl - Văn Quyến: Duyên kỳ ngộ?

(Dân trí) - Họ là thầy trò của nhau nhưng cả hai đều đã trải qua quá nhiều thăng trầm, binh biến trong sự nghiệp. Sự “chạm mặt” đầu tiên đã đẩy hai người cách xa nhau nhưng cùng với thời gian họ đã tiến lại gần nhau và bây giờ cả hai đều đang đứng trước canh bạc lớn của đời mình…

1. Định mệnh thầy trò

 

Hãy bắt đầu câu chuyện từ năm 2000, một năm mà cả Riedl lẫn Văn Quyến đều có rất nhiều điều để nhớ. Với Quyến, năm 2000 nhắc lại một ký ức vàng son. Khi ấy, trên sân Chi Lăng, Quyến nổi lên như một vì sao sớm. Những cú lắc chân, đảo người, dí quả bóng thẳng vào chính diện hàng thủ đối phương là một thứ “đặc sản” của Quyến.

 

U16 Nhật Bản, U16 Nepal đã phải khốn khổ đối phó với thứ “đặc sản” ấy. Đến trận gặp Trung Quốc, khi mà U16 VN đang bị dẫn 2 -0 thì Quyến đã thổi bùng lên ngọn lửa niềm tin trong đồng đội bằng một cú đá phạt thần sầu. Cú sút ấy chính là một khởi thuỷ cho cuộc lội ngược dòng, làm vẻ vang bóng đá Việt Nam. Năm 2000 quả là một ký ức vàng của một cậu bé vàng.

 

Ngược lại, năm 2000 với Riedl lại là một nỗi đau. Ngay trước thềm Tiger Cup lần 3 ông nhận được một lời hẹn phỏng vấn của báo Thanh Niên mà sau này ông sẽ phải nhớ mãi. Trong cuộc phỏng vấn định mệnh ấy Riedl không né bất cứ một câu hỏi nào, thậm chí còn chủ động nói những điều muốn nói. Nhưng ở một xứ sở mà những mệnh đề “tôi muốn” luôn phải nằm dưới cái mệnh đề “Cấp trên của tôi muốn…” thì sự thẳng thắn của Riedl đã làm hại ông.

 

Ngay trước khi đem quân sang Thái ông đã được VFF thông báo hợp đồng giữa hai bên sẽ chấm dứt ngay sau Tiger Cup. Và sự chấm dứt đó diễn ra buồn thê thảm khi tại Tiger Cup đội tuyển thua Indonesia ở bán kết, thua tiếp Malaysia ở trận tranh huy chương đồng.

 

Như vậy, năm 2000 là mốc son của Quyến nhưng lại là một điểm đen trong sự nghiệp của Riedl. Và cho đến khi ấy hai con người này vẫn chưa gặp nhau trên sân cỏ.

 

Năm 2001-2002 Riedl hành nghề tại Cô - oét, hai lần đưa CLB của mình lọt vào chung kết cúp quốc gia song vẫn không thoát khỏi định mệnh của người về nhì. Ở Việt Nam, quãng thời gian này Quyến được báo chí nhắc đến như là một triển vọng sáng chói của tương lai.

 

Năm 2001, khi Dido cầm quân đội tuyển, ông đã đích thân đến Nghệ An để thị sát Quyến. Rồi ông tuyên bố: “Ngay từ cú chạm bóng đầu tiên của anh ta tôi đã quyết định gọi anh vào ĐT”. Là một HLV Nam Mỹ, Dido mê chất kĩ thuật của Quyến song lại dị ứng nặng với tác phong của cầu thủ này. Bởi thế mới có chuyện không lâu sau Quyến đã bị loại khỏi đội tuyển cùng lời tuyên bố bất hủ của ông thầy: “Nếu còn là HLV ĐTVN sẽ không bao giờ tôi gọi anh ta nữa”.

 

Vậy là đây là quãng thời gian mà cả Quyến lẫn Riedl đều có nhiều thăng trầm trong sự nghiệp.

 

2. Gặp gỡ

 

Năm 2003, hai con người của những thăng trầm ấy gặp nhau. Riedl trở lại VN sau khi VFF bị người Indonesia cho “việt vị” trong ván bài Peter White. Quyến cũng đã hiện diện trong ĐT từ trước đó với sự dẫn dắt của ông thầy xứ Nghệ Nguyễn Thành Vinh.

 

Khi Riedl “chạm mặt” Quyến, ông ném cho anh chàng cái nhìn như cái nhìn với bao cầu thủ khác. Nhưng rồi với thời gian, nhất là quãng tập huấn trên đất Áo, cái nhìn ấy dần biến chuyển, không phải theo hướng tích cực hơn, mà là “xuống giá” hơn. Riedl mê một lối chơi tập thể, nơi mà mọi thành viên phải có nghĩa vụ cống hiến. Trái lại, Quyến là một tiền đạo “ích kỷ”, thi đấu vật vờ, đôi khi còn khiến cả bộ máy phục vụ mình.

 

Chẳng ngại ngần ông thầy tuyên bố: “Nếu cứ đà này chắc chắn Văn Quyến sẽ bị loại”. Và đúng là anh sẽ phải khăn gói rời đội tuyển nếu trợ lý của Riedl lúc đó không phải là ông Vinh. Gắn bó với Quyến trong màu áo Nghệ An, ông Vinh hiểu khả năng của Quyến, nên đã thuyết phục Riedl cho Quyến một cơ hội. Riedl gật, nhưng đưa ra một điều kiện: Tất cả sẽ được quyết định trong LG Cup.

 

Bị đẩy vào đường cùng, cái bản năng tinh quái và có một chút gì đó hoang dại của Quyến bùng lên. Anh chơi tốt tại LG cup, góp công lớn trong việc giúp đội tuyển đoạt cup vàng. Tiếp nữa, Quyến ghi một bàn thắng lịch sử vào lưới Hàn Quốc, trình diễn hàng loạt pha bóng làm mãn nhãn người xem. Tất cả khiến Riedl thay đổi: từ chỗ dị ứng với Quyến, ông đã tin ở anh và quyết định chọn anh làm “sát thủ” cho trận đánh SEA Games.

 

Segmes ấy cả ĐNA sững sờ trước cái “que phải” ma quái, khả năng lạng lách trong không gian hẹp cùng những cú dứt điểm chết người của Quyến. Có thể nói không ngoa rằng, triều đại “made in Riedl” năm ấy được tạo nên bởi một tập thể nhưng chỉ bay bổng, thăng hoa nhờ những phẩm chất tuyệt duyệt của cậu bé vàng. Và từ đây, trong mắt Riedl Quyến đích thực là một viên ngọc quý.

 

3. Trở lại và  “nuôi” quân…

 

Năm 2004, cả Quyến lẫn Riedl đều thất bại. Riedl âm thầm rời khỏi Palestine khi mà những biến động về chính trị đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội bóng của ông. Tại Việt Nam, Tavares cương quyết nói “không” với Quyến, thêm nữa anh cũng có một năm tăm tối tại CLB. Để rồi năm nay, năm 2005 hai con người vừa nếm phải những vị đắng trong sự nghiệp gặp lại nhau.

 

Trở lại VN, những ký ức đẹp về SEA Games 22, nơi mà vương triều Riedl đã bay trên đôi cánh của người hùng Văn Quyến vẫn vẹn nguyên trong vị HLV người áo. Thế là bất chấp việc Quyến không còn là Quyến, bất chấp việc anh chàng đã xuống giá ghê gớm khi cả mùa giải không ghi nổi 5 bàn, Riedl vẫn gọi Quyến vào ĐT. Người ta bảo Riedl là một người mát tay, một người có duyên với Quyến, vì thế người ta cũng kỳ vọng sự trở lại của Riedl cùng những liệu pháp của ông sẽ giúp anh chàng trở lại “những ngày xưa”.

 

Nhưng “ngày xưa”, cái gọi là “ngày xưa” ấy dù chỉ cách đây 2 năm thôi giờ đã là một thứ ký ức xa vời với Quyến. Những lần “đảo chính” tại CLB, những buổi say sưa bên vũ trường hay căn bệnh thoả mãn đã làm hại Quyến chăng? Đã biến một  Quyến thanh thoát, tinh khôn, trở thành một Văn Quyến nặng nề, yếu đuối trên sân cỏ chăng? Hết LG Cup rồi Agribank Cup Quyến hiện diện trong đội hình của Riedl để rồi mờ nhạt, vụng về, ích kỷ, khiến cho khán giả xem mà tức anh ách… Mặc! Mặc cho sự la ó từ bốn phía khán đài! Mặc cho phản ứng dữ dội của báo giới, Riedl vẫn một mực: “Hôm nay cậu ta chơi tốt”!

 

Sự thật có phải như thế không? Và Riedl có phải đích thực nghĩ vậy không? Thay vì trả lời những câu hỏi (mà có lẽ là quá dễ để trả lời này) hãy thử đặt giả thiết: Phải chăng Riedl đang “nuôi” Quyến, phải chăng ông đã chấp nhận những tháng ngày ảm đạm của “béo” để mong  nó sẽ toả  sáng tại SEA Games như đã từng toả  sáng tại Mỹ Đình 2 năm trước? Thực tế 2 chiếc cup vàng vừa qua cho thấy Riedl đang có trong tay một đội bóng đồng đều, không cần đến sự toả sáng của Quyến, nó cũng đã sáng và cũng đủ sức lấy vàng.

 

Tuy nhiên hơn ai hết ông hiểu vàng ở SEA Games sẽ không như thế! Hành trình vươn tới nó là một hành trình nghiệt ngã hơn, nơi mà sự đồng đều thôi chưa đủ. Nó đòi hỏi phải có thêm một cứu cánh, một sự đột biến, một vũ khí riêng. Và ông đã chọn Văn Quyến cho cái vũ khí riêng ấy? Chấp nhận quãng ngày ảm đạm của Quyến để “nuôi” Quyến là vì lẽ ấy? Chỉ có thể nhìn vấn đề ở góc độ này mới có thể lý giải được vì sao Riedl lại trọng Quyến đến thế, dù từ lâu anh đã chẳng là anh.

 

“Nuôi” quân - đấy cũng là một trong những nghệ thuật của những nhà chiến thuật. Nhưng với phong độ của Quyến hiện nay, cái cách mà Riedl “nuôi’ anh và hy vọng ở anh có một nét gì đấy  giống với người đi đánh đánh bạc.

 

Phan Đăng