DMagazine

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố

(Dân trí) - Pep Guardiola là một người điên. Điên trong góc nhìn. Điên từ ý tưởng. Điên đến cách diễn đạt. Điên trong suy nghĩ. Điên vì công việc. Và thành quả ông đạt được chỉ có thể dùng từ điên rồ để miêu tả.

Pep Guardiola là một người điên. Điên trong góc nhìn. Điên từ ý tưởng. Điên đến cách diễn đạt. Điên trong suy nghĩ. Điên vì công việc. Và thành quả ông đạt được chỉ có thể dùng từ điên rồ để miêu tả.

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 1

Những ý tưởng đột phá, trước khi trở nên vĩ đại, là sự điên khùng. Quay bánh xe thời gian trở lại thập niên, giai đoạn người hâm mộ bóng đá say sưa với những "số 9" (tiền đạo) ghi bàn dễ như lấy đồ trong túi với kỹ năng dứt điểm trác tuyệt và những "số 10" (tiền vệ tấn công) khéo léo uyển chuyển như những con thiên nga của Tchaikovsky, Pep Guardiola lại say mê Peter Crouch, chân sút nổi tiếng vì ngoại hình cao kều thay vì biệt tài .

Trong bài góc nhìn trên tờ El Pais nhân sự kiện World Cup 2006, Guardiola, huyền thoại vừa tuyên bố giải nghệ sau 1 năm lang bạt tại Mexico xa xôi, đã đưa ra góc nhìn thật lạ lẫm. "Wayne Rooney trông có vẻ quyết đoán và đẹp đẽ hơn để theo dõi. Nhưng điều chắc chắn Crouch đáp ứng được nhiều điều kiện hơn. Với Crouch, bạn phải chơi cuộc chơi của Crouch. Và cuộc chơi của Crouch mang đến rất nhiều điều", ông viết.

"Cậu ấy biết mình đang làm gì, cả bằng đầu lẫn chân. Một trong những phẩm chất tuyệt vời nhất của cậu ấy là sự liên kết. Cậu ấy biết cậu ấy không chỉ đứng đó để đồng đội thực hiện những quả tạt vào vòng cấm, cậu ấy biết cách duy trì cho lối chơi toàn đội trôi chảy. Cậu ấy nhận bóng 1.000 lần trên không và luôn giữ được nó. Điều đó tưởng chừng đơn giản nhưng ít tiền đạo có thể và biết cách thực hiện. Có những tiền đạo không liên kết với đồng đội, và có những tiền đạo nghĩ rằng cuộc chơi của họ khác với phần còn lại, kết quả sinh ra một đội bóng bị kéo căng".

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 3

Những câu chữ Pep Guardiola viết tương đối trúc trắc và khó hiểu. Nếu chấm theo góc nhìn báo chí, ông không phải là một cây bút tài ba. Gary Neville phân tích hấp dẫn hơn nhiều. Quái gở hơn nữa, Pep tán tụng một tiền đạo không biết ghi bàn, vì anh chàng này biết làm tất cả mọi thứ trừ… ghi bàn. Đặt trong hệ quy chiếu của 15, 20 năm về trước, đó là một quan điểm… ngớ ngẩn. Thậm chí là điên rồ, nếu giả như người đưa ra quan điểm không phải là một huyền thoại bóng đá như Pep.

Nhưng những gì Guardiola viết lại đúng cho cả một thập niên kế tiếp. Thời đại của những "số 9" cự phách lùi vào dĩ vãng, ngày càng xuất hiện nhiều Peter Crouch. Đó là mẫu trung phong không giỏi săn bàn nhưng rất giỏi liên kết đồng đội và tham gia vào mọi chu trình của trận đấu. Olivier Giroud là một phiên bản chân trái của Crouch. Benzema, trước khi Ronaldo rời Real Madrid, cũng là một phiên bản siêu kỹ thuật của Crouch. Firmino lại là phiên bản pressing của Crouch. Alvaro Morata, Romelu Lukaku v.v. và v.v. đều là những Crouch của thập niên 2010.

Nói tóm lại, xu hướng rõ rệt của thập niên vừa qua là cầu thủ thi đấu cao nhất trên hàng công lại không phải tay săn bàn chủ lực. Nhiệm vụ chính của những trung phong lại chính như Pep Guardiola phân tích. Đó là minh chứng cho tầm nhìn và sự thông tuệ của Pep. Để rồi chỉ 2 năm sau, ông tạo ra một đế chế vô tiền khoáng hậu.

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 5

Con người hiếm khi chấp nhận hay hài lòng với thất bại, nhất là với những nhà cầm quân khả kính và mang trong mình ADN chiến thắng như Alex Ferguson. Vị chiến lược gia huyền thoại của Man United phải cân nhắc từng câu, từng chữ để khen ngợi đối thủ, vì đó là sĩ diện của bản thân lẫn đội bóng. Chỉ một lần duy nhất ông buông thả. Đó là sau trận chung kết Champions League 2011.

Ferguson nói Barcelona vừa đánh bại Man United của ông là đội bóng xuất sắc nhất ông từng đối mặt. Ông hoàn toàn bị mê hoặc bởi những họa tiết được thêu dệt nên bởi Andres Iniesta, Xavi Hernandez, Lionel Messi và các đồng đội. Barca là số một tuyệt đối. "Chưa đội bóng nào", Ferguson nhấn mạnh: "Khiến chúng tôi phải đi tìm chỗ trốn vì quá mạnh như vậy".

Chung kết 2011 không phải lần đầu Man United đại bại trước Barca. 2 năm trước, với vị thế ĐKVĐ, với Cristiano Ronaldo trong đội hình, với lực lượng được đánh giá hùng mạnh nhất suốt triều đại Sir Alex, Man United vẫn để thua Barca trong trận chung kết Champions League. Đó là hai lần giành cúp tai voi của gã khổng lồ xứ Catalonia trong triều đại Pep Guardiola, giai đoạn đội chủ sân Camp Nou thống trị bóng đá châu Âu bằng thứ bóng đá bật nhả ma mị được gọi là tiqui-taca.

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 7

Sự xuất hiện của Barca dưới bàn tay nhào nặn của Guardiola thực sự là một cuộc cách mạng đối với bóng đá thế giới. Lần đầu tiên thế giới túc cầu được chứng kiến một đội bóng bất khả chiến bại nhưng hầu hết là những cầu thủ 1m70. Lần đầu tiên giới quan sát được thấy một đội hình không có tiền vệ quét, người chơi thấp nhất tuyến giữa vẫn là một nhà tổ chức và điều phối. Lần đầu tiên người hâm mộ được chiêm ngưỡng một tiền đạo trung tâm có thể hình và kỹ năng của một cầu thủ chạy cánh. Khái niệm "số 9 ảo" cũng được khai sinh.

Và lần đầu tiên, thế giới được chứng kiến một lối chơi lạ lẫm chú trọng vào khâu kiểm soát bóng. Để cầm bóng, các cầu thủ 1m70 liên tục chuyền và di chuyển, đúng hơn là hoán chuyển vị trí. Đến khi hàng thủ đối phương bị kéo giãn, các ngôi sao trên hàng công lập tức xuất hiện và kết liễu. Trước Barca, người ta không chơi bóng như vậy. Hầu hết các đội đều ra sân với tư duy chân phương là bám vị trí. Barca của Pep đã phá tan tư duy cũ kỹ đó và dựng nên một hiện tượng kỳ vĩ. Barca đó vĩ đại đến nỗi có quan điểm cho rằng thầy trò Guardiola mất chứ không phải được chức vô địch Champions League.

Nhưng khi được hỏi về tiqui-taca, Guardiola lại như muốn nổi khùng. "Tôi ghét cách chuyền bóng quẩn quanh, thứ gọi là tiqui-taca đó. Nó chẳng có mục đích gì cả, rác rưởi mà thôi. Các cậu cần chuyền bóng với ý đồ rõ ràng, hướng thẳng tới khung thành đối phương", vị chiến lược gia đại tài người Tây Ban Nha chia sẻ. Dĩ nhiên, vì là phát ngôn của Pep, không ai dám bảo ông điên. Chỉ có cả thế giới bóng đá điên đảo vì vị chiến lược gia này. Vậy, Pep Guardiola không sử dụng tiqui-taca thì áp dụng lối đá nào?

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 9

Guardiola tuyên bố giải nghệ vào tháng 6/2005, sau khi hết hạn hợp đồng với Al-Ahli, đội bóng của đất nước lắm tiền nhiều của Qatar. Một cái kết "đúng quy trình" của những ngôi sao bóng đá. Đến mùa đông, Pep "quay xe" xỏ giày trở lại để khoác áo Dorados de Sinaloa, đội bóng lúc bấy giờ mới thành lập ở Mexico xa xôi. Lý do nào để huyền thoại bóng đá Tây Ban Nha đặt chân đến xứ sở nghèo khó và mất trật tự trị an ở Trung Mỹ này? Câu trả lời là Juanma Lillo, HLV trưởng của đội bóng.

Trong những đêm dài oi bức tại khách sạn Lucerna ở Culiacán, Mexico, Guardiola miên man nói về "bàn thắng hoàn hảo" với Angel Morales. Suốt 5 tháng ở Mexico, người sẽ trở thành HLV vĩ đại nhất trong thế hệ của mình và Morales, một cầu thủ đến từ Argentina để khoác áo Dorados, đã dành hàng giờ cùng nhau, ăn uống, thư giãn và trò chuyện. Những kỷ niệm đó cho đến giờ vẫn in sâu trong tâm trí Morales.

"Ông ấy nói rằng bàn thắng hoàn hảo đó là kết quả của pha phối hợp có sự tham gia của toàn bộ cầu thủ trên sân", Morales nói. "Từ thủ môn đến tiền đạo, ai cũng sẽ chạm bóng một lần, và cuối cùng: bàn thắng. Tôi nói với ông ấy rằng điều đó là không thể. Tôi là một người Argentina. Tôi thích chạm bóng 3, 4 lần để rê qua cầu thủ đối phương. Nhưng đó là những gì Pep nói. Và sau đó, vài năm sau, khi ông ấy dẫn dắt Barcelona, tôi đã chứng kiến điều đó thành hiện thực: thứ bóng đá như lời Pep nói".

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 11

Guardiola là một người Catalonia gốc. Ông lớn lên ở Santpedor, một thị trấn có từ thời trung cổ trên những ngọn đồi cách thành phố Barcelona vài giờ đồng hồ chạy xe về phía bắc. Những ngôi nhà ở đây đều được xây cất bằng đất nung và không ai khóa cửa bao giờ. Bố mẹ ông ở đây trọn cả đời. Họ nói tiếng mẹ đẻ Catalonia, thứ tiếng lãng mạn và cuốn hút như tiếng Pháp hơn là giống tiếng Tây Ban Nha. Một bà chị của Pep cũng làm việc trong hệ thống công quyền của xứ Catalonia.

Barcelona cũng là nơi chứng kiến những năm tháng vàng son nhất trong sự nghiệp cầu thủ lẫn HLV của Pep. Trong con người này thấm đẫm một tinh thần và phong cách Barca, lối chơi ông đã được hấp thụ từ khi còn là học trò của Johan Cruyff và được tóm tắt như sau: "Nhận bóng, chuyền bóng, nhận bóng, chuyền bóng". Guardiola đi vào huyền thoại, trở thành biểu tượng của Barcelona cũng triết lý thiên bẩm ấy.

Tuy nhiên, nhìn nhận thành công Pep đạt được cho đến ngày hôm nay là sự kết tinh của trí tuệ và tinh thần Catalonia thì quá đơn giản. Những ảnh hưởng lên vị chiến lược gia người Tây Ban Nha đa dạng hơn gấp bội. Trước khi dẫn dắt Barca, Pep đã tìm hiểu quan điểm của Marcelo Bielsa, HLV vĩ đại người Argentina. Ông cũng tìm kiếm lời khuyên từ Ferran Adria, một đầu bếp nổi tiếng, và nhiều người khác.

Và có lẽ quan trọng nhất: Trong chương cuối của sự nghiệp cầu thủ, ông đã tìm đường đến Culiacan, đến khách sạn Lucerna, để hấp thụ kiến thức từ Juanma Lillo, vị chiến lược gia ít tên tuổi nhưng ông luôn ngưỡng mộ. Đó là một chương kỳ lạ, nhưng là chương quan trọng, trong sự nghiệp của Guardiola. Nếu ở Barcelona, những ý tưởng của Pep được hình thành, thì tại Mexico, nó đã được chắt lọc và kết tinh.

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 13

Cái cau mày là đặc trưng của Pep. Khi phát biểu, lúc lắng nghe, dù hạnh phúc hay khổ đau, đôi lông mày của Pep luôn nheo lại. Theo năm tháng, hình thành nên những nếp nhăn in hằn trên trán. Những nếp nhăn ấy không thể nào là phẳng lại. Đó chính là nhận dạng của một người luôn suy tư. Pep suy tư bởi ông là người bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo. Mọi thứ dưới sự chỉ đạo của ông phải chuẩn mực từng li từng tí, như cái quan điểm bàn thắng hoàn hảo là bàn thắng phải qua chân cả 11 cầu thủ.

Minh chứng sống động là không lâu sau khi đảm nhiệm chức vụ HLV Man City vào năm 2016, Pep Guardiola triệu tập một cuộc họp với đội ngũ nhân viên chăm sóc sân cỏ của đội bóng. Ông muốn nói chuyện về mặt cỏ. Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha phác thảo chi tiết và chính xác thông số mong muốn về mặt cỏ. Trong đó, Pep muốn mặt cỏ không được dài hơn 19mm, giống như ông đã có ở Barcelona và Bayern Munich.

Một cách tế nhị, những nhân viên chăm sóc sân cỏ chỉ ra rằng thời tiết ở Manchester ít nắng nhiều mưa, không khí ẩm ướt hơn nhiều so với Catalonia hay Bavaria, thế nên mặt cỏ cần dài hơn một chút. Thỏa hiệp được đưa ra: Mùa đông, mặt cỏ Etihad được phép dài tới 23mm. Tuy nhiên, Guardiola đưa ra điều kiện kèm theo là sân cỏ phải được tưới nhiều nước hơn. Phong cách kiểm soát trận đấu bằng những đường chuyền của ông đòi hỏi mặt cỏ phải thật mượt để trái bóng được luân chuyển một cách trơn tru.

Dĩ nhiên, mặt có chỉ là chi tiết rất nhỏ trong nỗi ám ảnh sự hoàn hảo của Pep. Từ Barca sang Bayern và hiện tại là Man City, Guardiola không ngừng tư duy để thích ứng và hoàn thiện. Tại Catalonia, với một thế hệ xuất chúng trong tay, ông vẫn không ngừng cải tiến đội hình. Yaya Toure là mơ ước của mọi đội bóng ở vị trí tiền vệ mỏ neo, thế nhưng Pep sẵn sàng loại bỏ để sử dụng Sergio Busquets và tạo ra một chuẩn mực mới. Tương tự là Zlatan Ibrahimovic, trung phong số một của bóng đá giai đoạn cuối thập niên 2000, đầu 2010 vẫn nhanh chóng bị thải loại vì Guardiola đã có Messi cho vị trí "số 9 ảo".

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 15

Chuyển đến Bavaria, phong cách chiến thuật của Pep không đổi. Như ông từng tuyên bố: "Bóng đá chiến thắng theo nhiều cách, nhưng điều đầu tiên tôi muốn là có bóng. Cho đến ngày cuối cùng của sự nghiệp". Nhưng sơ đồ chiến thuật của Guardiola tại Allianz Arena lại biến hóa khôn lường. Theo một thống kê chưa chính thức, trong 3 năm dẫn dắt Bayern Munich, ông đã biến Cỗ xe tăng cục mịch này trở thành bậc thầy kiểm soát bóng và có thể thi đấu thành thục 12 sơ đồ khác nhau. Đó là con số khó tin bởi mỗi đội bóng thường chỉ thi đấu thành thục với 1 hoặc 2 sơ đồ, đến con số 3 đã là quá nhiều.

David Alaba từ hậu vệ cánh trái được kéo vào đá trung vệ để tận dụng khả năng phát động tấn công. Philipp Lahm từ hậu vệ cánh trái được đẩy vào vị trí tiền vệ trung tâm. Manuel Neuer trở thành thủ môn quét. Hay những pha độc diễn của Robben cũng được tập thể hóa một cách hài hòa. Di sản của Pep để lại ở Đức vĩ đại đến nỗi Toni Kroos, tiền vệ tài ba nhưng bị đẩy sang Real Madrid dưới thời của ông cũng phải thừa nhận:

"Pep là nhân vật quan trọng trong lịch sử bóng đá. Ông ấy đã khai sáng về tầm quan trọng của việc kiểm soát bóng. Nhiều HLV và quan chức các CLB đã đến Sabener Strasse, sân tập của Bayern để xem ông ấy huấn luyện và nói chuyện với ông về lối chơi mới mẻ ông tạo ra. Pep là người tiên phong, tạo ra cả lối đi cho HLV lẫn người hâm mộ".

Và hiện tại, ở Anh, Man City dưới sự nhào nặn của Pep là một sự vĩ đại khác. Những cầu thủ nhỏ con đang chơi bóng và thống trị Premier League hàng ngày chứ không cần phải chờ đến một ngày mưa gió bão bùng ở Stoke. Pep đã thay đổi cả quan điểm bóng đá vốn vô cùng thủ cựu của xứ sở sương mù đồng thời tiếp tục thực hiện những cải tiến ấn tượng. Những hậu vệ biên dưới sự dẫn dắt của ông không còn là những cầu thủ chạy cánh đơn thuần, họ tham gia cả vào khâu điều phối và phát động tấn công. Sơ đồ 3 trung vệ thời thượng cũng được Pep học hỏi và áp dụng thành thục.

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 17

Bởi luôn suy tư và học hỏi như vậy, thành công với vị chiến lược gia mới chỉ vừa bước qua tuổi 51 (sinh ngày 18/1/1971) không chỉ là kỷ niệm mà còn cả hiện tại lẫn tương lai. Tại Barca, Guardiola thắng gần 3/4 số trận và chỉ thua 53 trong số 495 trận. Với Bayern, ông giành 19 chiến thắng liên tiếp, một kỷ lục ông suýt bắt kịp tại Man City. Và ở Etihad, Pep đã đem về 3 chức vô địch Premier League, trong đó có chiến tích đăng quang và cán mốc 100 điểm, điều tưởng chừng không tưởng tại đấu trường giàu tính cạnh tranh của xứ sương mù.

Tréo ngoe một điều, Guardiola càng thành công lại càng bị chỉ trích. Bởi hai lý do đơn giản, Pep toàn dẫn dắt những đội bóng hùng mạnh và cho dù đốt rất nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng song đã hơn 10 năm không thể vô địch Champions League. Vế thứ nhất, ông thầy vĩ đại Johan Cruyff đã thay Pep trả lời từ rất lâu: "Tôi chưa từng thấy túi tiền nào biết đá bóng". Một minh chứng khác, Barca đã chi gần 400 triệu euro chỉ cho ba cầu thủ Ousmane Dembele, Antoine Griezmann và Philippe Coutinho nhưng kết cục là vỡ nợ chứ không phải vỡ òa trong chiến thắng.

Vế thứ hai, không thể phủ nhận Pep rất vô duyên với Champions League sau khi rời Barca. Thậm chí, chiếc cúp danh giá nhất châu Âu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với ông, khiến ông phải suy nghĩ quá nhiều như thể bị "tẩu hỏa nhập ma". Rất nhiều mùa giải, các đội bóng của Guardiola đã nắm trong tay phần thắng nhưng rốt cuộc chính ông lại ném bỏ cơ hội bởi những quyết định quá phức tạp. Đó là mặt trái của vị chiến lược gia suy tư, hay một người điên trong thành phố của những người tự cho mình là tỉnh.

Pep Guardiola: Người điên trong thành phố - 19

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Nguyễn Vượng