DMagazine

Ông vua đi bộ Messi và chức vô địch World Cup của Argentina

(Dân trí) - Đội tuyển Argentina đã vô địch World Cup 2022 với một Lionel Messi chủ yếu đi bộ. Thực tế, Messi đi bộ trong cả sự nghiệp.

Đội tuyển Argentina đã vô địch World Cup 2022 với một Lionel Messi chủ yếu đi bộ. Thực tế, Messi đi bộ trong cả sự nghiệp. Anh "bước" đến cúp vàng thế giới cũng giống như cách anh bước tới 7 Quả bóng vàng, 4 Champions League hay ghi gần 800 bàn trong sự nghiệp. Đó đơn giản là bước đi của thiên tài.

Bóng đá và lược sử đi bộ

Bản chất của bóng đá là... đi bộ, được định nghĩa là di chuyển với vận tốc dưới 7km/h. "22 cầu thủ tranh nhau một quả bóng", nếu đem chia thời gian thi đấu (90 phút) cho các cầu thủ, mỗi người được cầm bóng xấp xỉ vỏn vẹn 2 phút. Tất nhiên, thực tế trên sân sẽ có chênh lệch thời gian cầm bóng giữa các cầu thủ, nhưng tỷ lệ vừa nêu chứng minh phần lớn thời gian trên sân, các cầu thủ không có bóng.

Vậy, tiếp theo, khi không bóng, các cầu thủ sẽ làm gì? Chạy chỗ? Kèm người? Tranh chấp? Hay pressing (gây áp lực)? Không, vẫn… đi bộ! Các hoạt động không bóng vừa nêu thường xảy ra khi cầu thủ nằm trong tầm ảnh hưởng của trái bóng. Chẳng ai bắt tiền đạo chạy chỗ khi đối phương đang cầm bóng tấn công. Thế nên, đi bộ là hoạt động quan trọng nhất trên sân. Đi bộ như thế nào cho hiệu quả cũng là cả nghệ thuật.

Ông vua đi bộ Messi và chức vô địch World Cup của Argentina - 1

Busquets thuộc mẫu cầu thủ lười di chuyển, nhưng anh luôn có mặt ở các điểm nóng trên sân (Ảnh: AP).

HLV Vicente Del Bosque từng nhận xét một câu nổi tiếng về cậu học trò Sergio Busquets: "Khi bạn xem trận bóng, bạn không thấy Busquets đâu, nhưng khi bạn xem Busquets, bạn sẽ thấy toàn bộ trận bóng".

Busquets là cầu thủ mảnh khảnh và "yếu ớt" tới nỗi, ngay cả khi anh tăng tốc cũng chẳng khác gì cầu thủ khác… đi bộ. Sự khác biệt của tiền vệ khoác áo Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha là sự tinh tế trong lối chơi lẫn nhãn quan chiến thuật. Busquets luôn biết đứng ở đâu để xử lý tình huống giản tiện nhất.

Tương tự là câu chuyện về Sir Alex Ferguson và Jaap Stam. Trung vệ huyền thoại của Hà Lan tuy có vẻ ngoài bặm trợn nhưng lại là mẫu cầu thủ "trông" rất biếng nhác trên sân. Dựa trên số liệu thống kê, nhà cầm quân vĩ đại của Man Utd "biết" Stam nằm trong nhóm cầu thủ tắc bóng ít nhất Ngoại hạng Anh.

Trong thế giới của bóng đá va đập như xứ sở sương mù, thống kê về Stam thật khó chấp nhận. Vì vậy, Sir Alex quyết định bán trung vệ này cho Lazio Roma. Hàng thủ Man Utd khủng hoảng kể từ đó cho đến khi cắn răng chi 30 triệu bảng chiêu mộ Rio Ferdinand. Vốn là một nhà lãnh đạo quân phiệt, vị chiến lược gia huyền thoại người Scotland hiếm khi nhận sai, nhưng riêng vụ chuyển nhượng Stam, ông thừa nhận đó là quyết định sai lầm nhất trong sự nghiệp.

Một ví dụ khác, Raul Gonzalez, chân sút huyền thoại của Real Madrid không thể sánh với những tiền đạo cùng thời về thể chất. Raul không khéo léo như Ronaldo Nazario, uyển chuyển như Del Piero, chậm hơn Thierry Henry, chẳng thể sánh với Van Nistelrooy về khoản cài đè, về độ linh hoạt cũng thua Shevchenko. Ngoài ra, Raul cũng không chơi bóng kiểu tinh quái như Inzaghi.

Ông vua đi bộ Messi và chức vô địch World Cup của Argentina - 2

Raul Gonzalez là hình mẫu đỉnh cao của ngôi sao có khả năng xử lý bóng điêu luyện và gọn gàng trong thời gian ngắn nhất có thể (Ảnh: AP).

Điểm mạnh của Raul nằm ở tốc độ suy nghĩ. Khi trái bóng chưa đến, "chúa nhẫn" đã lập trình xong phương án xử lý. Higginbotham, cựu trung vệ người Anh vẫn nhớ về kỷ niệm theo kèm cựu tiền đạo của Real Madrid trong một lần đọ sức vào năm 2007.

"Tôi nhìn anh ta và nghĩ: "Anh ta không nhanh nhất, không khỏe nhất". Nhưng anh ta là huyền thoại, anh ta sẽ ghi bàn hoặc kiến tạo dù ở bất cứ cấp độ nào. Và tôi tự hỏi: "Điều gì giúp anh ta trở nên vĩ đại?".", Higginbotham chia sẻ. "Tôi dành 70 phút kèm anh ta và công việc ấy vô nghĩa đến nực cười. Bạn sẽ rời mắt khỏi anh ta trong tích tắc và khi quay lại, anh ta không còn đó nữa. Tôi không biết anh ta ở đâu. Tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu như khi theo kèm Raul".

Dễ hiểu, trong 70 phút Higginbotham theo kèm Raul, Raul chẳng làm gì ngoài quan sát và phân tích Higginbotham. Đến khi trung vệ đối phương lơ là, huyền thoại của bóng đá Tây Ban Nha lập tức ra đòn.

Nhà vô địch Argentina và bài học về đi bộ

World Cup 2006, Argentina dừng chân ở tứ kết bởi thất bại cay đắng trước chủ nhà Đức. Albiceleste vượt lên dẫn trước nhờ pha lập công của Roberto Ayala và tỏ ra lấn lướt Die Mannschaft về mặt thế trận.

Phút 72, nhằm gia cố cho hàng thủ, HLV Jose Pekerman rút nhạc trưởng Riquelme và tung vào sân tiền vệ phòng ngự Cambiasso. Argentina dần mất thế trận. Phút 79, vị chiến lược gia này tiếp tục rút Hernan Crespo để thay bằng Julio Cruz. Phút 80, Klose ghi bàn gỡ hòa cho tuyển Đức. Albiceleste không còn khả năng ghi bàn và hai đội kéo nhau vào loạt đá luân lưu, nơi người Đức hiếm khi thất bại.

Giữa Maradona và Messi, Riquelme là "số 10" tài năng nhất của bóng đá Argentina. Đặc điểm của Riquelme là… "lười". Tiền vệ này chỉ sống động mỗi khi có trái bóng trong chân. Những pha vê bóng, qua người hay chọc khe của Riquelme rất đẹp và độc. Màn trình diễn đỉnh cao của cầu thủ này là trận Argentina đại thắng Serbia & Montenegro với tỷ số 6-1.

Ông vua đi bộ Messi và chức vô địch World Cup của Argentina - 3

Riquelme cũng là mẫu ngôi sao Argentina có óc phân tích trận đấu siêu việt dù ít di chuyển trên sân (Ảnh: AP).

Nhưng nếu không có bóng, cựu cầu thủ Villarreal hầu như chỉ đi bộ, lững thững đi bộ. Tất nhiên, như đã đề cập trong phần đầu, Riquelme "đi bộ" để quan sát, thu thập dữ liệu để phân tích. Sự hiện diện của tiền vệ này trên sân không chỉ giúp Argentina duy trì thế trận mà còn áp chế tinh thần khiến đối phương không dám dồn toàn lực tấn công.

Thế nhưng trong trận tứ kết với Đức, HLV Pekerman lại rút Riquelme ra khỏi sân để "đổ bê tông". Không những thế khi thay trung phong Hernan Crespo, vị chiến lược gia cực kỳ mát tay với tài năng trẻ này lại chọn "cây sào" Julio Cruz thay vì một tiền đạo trẻ có khả năng cầm bóng và đột phá, chẳng hạn như Messi, để quấy rối hàng thủ đối phương. Vì vậy, Albiceleste bị ngược dòng.

Không chỉ Messi, ngay cả Lionel Scaloni, đương kim HLV trưởng đội tuyển Argentina cũng chứng kiến trọn vẹn chiến bại cay đắng năm 2006 này từ băng ghế dự bị. Đến World Cup 2022, trong suốt hành trình đến cúp vàng, Scaloni không bao giờ rút Messi ra khỏi sân cho dù có những trận đấu Argentina đã dẫn trước tới 2 bàn và ông có quyền "tính toán" cho thế trận lẫn việc giữ sức cho La Pulga.

Đơn cử như trận gặp Croatia, Argentina dẫn trước 2 bàn ngay sau hiệp 1. Bước sang hiệp 2, phút 69, Messi "kết liễu" Gvardiol, trung vệ hay nhất World Cup lẫn đội bóng áo sọc ca-rô bằng pha đột phá hiếm hoi trong suốt giải đấu.

Sống động hơn là trận chung kết, tuy hai đội vẫn phải phân định thắng thua bằng đá luân lưu nhưng Messi 2 lần "suýt" kết liễu đội tuyển Pháp sau khi bị gỡ hòa 2-2. Đầu tiên là cú sút sấm sét ở những giây cuối phút bù giờ hiệp 2. Sau đó là bàn thắng nâng tỷ số lên 3-2 ở phút 108.

Messi, thiên tài đi bộ

Bất chấp bản chất đi bộ của bóng đá, Lionel Messi đi bộ rất nhiều, nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào khác. Có thể ví anh là người đi bộ. Trong lượt trận mở màn World Cup 2022, nơi Argentina thua sốc Saudi Arabia, thống kê chỉ ra Messi đã đi bộ tổng cộng 4.625m, nhiều nhất trong số các cầu thủ ra sân. Tổng quát hơn, cho đến trước trận chung kết World Cup 2022, Messi là cầu thủ có quãng đường đi bộ trung bình mỗi trận nhiều nhất giải, lên tới 5.102m/trận.

Ông vua đi bộ Messi và chức vô địch World Cup của Argentina - 4

Messi đi bộ nhiều nhất lượt trận mở màn World Cup 2022 (Ảnh: Athletic).

Ông vua đi bộ Messi và chức vô địch World Cup của Argentina - 5

Những cầu thủ có quãng đường đi bộ trung bình mỗi trận cao nhất tại World Cup 2022 (Ảnh: Athletic).

Trái ngược với xu thế vội vã pressing của bóng đá đương đại, suốt kỳ World Cup lịch sử, Messi luôn thảnh thơi. Anh thảnh thơi tới nỗi chẳng buồn quan sát cầu thủ đối phương chạy chỗ. Nếu tay đó chạy ngay gần, La Pulga cũng không thèm thò chân truy cản. Messi chỉ đi dạo xung quanh địa bàn trước vòng cấm và hơi chếch sang bên phải như một người tản bộ trong vườn nhà. Đôi khi anh nhìn theo trái bóng, đôi khi không. Anh chỉ lững thững đi bộ.

Messi chỉ di chuyển vội vàng trong hai trường hợp. Thứ nhất, để chạy tới chỗ thực hiện cú đá phạt. Thứ hai, tăng tốc khi nhận ra đồng đội sắp chuyền bóng, và pha chạy chỗ ấy sẽ ảnh hưởng đến tình huống. Chẳng hạn chính "số 10" là người nhận bóng, hoặc pha di chuyển sẽ kéo cầu thủ đối phương ra khỏi vị trí chốt chặn.

Điều quan trọng, khi Messi đã mở tốc, đồng nghĩa sóng gió sẽ đến cho khung thành đối phương. Và từ sự đột biến ấy, Argentina đã ghi được rất nhiều bàn thắng. Từ vòng bảng đến trận chung kết, Messi đều ghi bàn và là những bàn thắng mang tính bản lề của trận đấu.

Ở lượt trận thứ hai vòng bảng, chính Messi mở tỷ số cho Argentina trước Mexico bằng cú sút xa đẳng cấp. Chính pha lập công này đã hồi sinh rực rỡ cơ hội vào vòng trong của Albiceleste. Đến vòng 1/8, thêm một khoảnh khắc thiên tài nữa của Messi giúp Argentina vượt qua Australia. Tứ kết, Messi kiến tạo cho Molina mở tỷ số bằng cú chọc khe không cần nhìn xuyên qua 3 cái bóng áo cam. Bán kết, Messi dạy cho Gvradiol, trung vệ hay nhất World Cup biết thế nào là chơi bóng. Và chung kết, anh lập cú đúp bàn thắng.

Tổng kết lại, trong tổng số 15 bàn thắng của Albiceleste tại World Cup 2022, quá nửa in dấu giày Messi, bao gồm 7 bàn thắng và 3 pha kiến tạo thành bàn. Hiệu suất ghi bàn của Messi tại World Cup là một bàn/trận, không cao hơn là bao so với hiệu suất của anh trong cả sự nghiệp. Tính đến hiện tại, La Pulga đã ghi 793 bàn thắng sau 1003 trận, tương đương 0,8 bàn/trận. Số liệu này chứng minh Messi luôn đi bộ một cách hiệu quả. Nói cách khác, Messi là thiên tài đi bộ.

Sự khác biệt trong những bước đi của Messi

Càng lớn tuổi, Messi càng đi bộ nhiều hơn. Một phần vì anh không còn đủ sung mãn để liên tục cầm bóng dồn ép đối phương. Để thích ứng với thể chất ngày càng lão hóa, La Pulga dựa vào kinh nghiệm và trí thông minh sân cỏ.

Một khía cạnh khác, với vị thế thiên tài chứ không đơn thuần siêu sao bóng đá, Messi được quyền đi bộ nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào khác, ngay cả kình địch Cristiano Ronaldo. Khi Ronaldo mất hiệu quả trong những bước chạy, anh lập tức mất vị trí đá chính ở cả Man Utd lẫn Bồ Đào Nha.

Ông vua đi bộ Messi và chức vô địch World Cup của Argentina - 6

Ở đội tuyển Argentina hiện tại, các đồng đội như Alvarez hay De Paul sẵn sàng "chạy" thay Messi (Ảnh: AP).

Ngược lại, các HLV luôn chấp nhận và các đồng đội luôn sẵn sàng chạy để Messi đi bộ. Tại PSG, Hakimi được ví như "đôi chân" của Messi. Tại tuyển Argentina, toàn đội dao động xung quanh Messi. De Paul lấp vào mọi khoảng trống Messi để lộ; Mac Allister chạy đến mọi vị trí thuận tiện nhất cho Messi phối hợp; Enzo Fernandez lót phía sau để Messi chuyền về; Di Maria hay Acuna bám biên, giống Alba ở Barca trước đây, để chờ những đường chuyền chéo cánh sở trường của Messi; và Julian Alvarez chạy chỗ vừa để kéo giãn hậu vệ đối phương, vừa chờ cơ hội nhận đường chọc khe của Messi.

Tóm lại, những bước đi của Messi mang quyền uy của ông vua trên sân. Tất nhiên, quyền uy ấy được xây đắp từ tài nghệ siêu quần. Siêu sao người Argentina tạo ảnh hưởng vào mọi khâu lên bóng. Anh tham gia phân phối bóng như một tiền vệ trung tâm. Anh phát động tấn công như một tiền vệ tấn công. Anh đột phá như một tiền đạo biên. Và anh ghi bàn như một trung phong. Trong lịch sử bóng đá, chưa có cầu thủ nào toàn diện được như vậy.

Quan trọng hơn hết, khi Messi đi bộ tức là Messi tư duy. Để phân tích về vấn đề này, không ai hiểu trò bằng thầy. Và Pep Guardiola, ông thầy vĩ đại nhất của Messi từng phân tích việc đi bộ của Messi, đặc biệt trong những phút đầu trận, giống như thu thập và phân tích dữ liệu. La Pulga nhận biết lỗ hổng nơi hàng thủ đối phương, tính toán thời điểm và phương thức nắm bắt cơ hội. Sau đó mới nhập cuộc.

"Sau 5, 10 phút, cậu ấy sẽ có bản đồ trong mắt và bộ não", Guardiola cho biết. "Cậu ấy sẽ biết đâu là không gian và đâu là toàn cảnh". Nói cách khác, đối với Messi, đi bộ đồng nghĩa quan sát và tư duy.

Hoặc như Higginbotham ca tụng quá trình đi bộ phác họa nên thiên tài về Messi. "Tất cả chúng ta đều biết cậu ấy cầm bóng giỏi như thế nào nhưng điều quan trọng không kém là những gì cậu ấy làm trước khi nhận bóng", ông nói. "Hãy nhìn vào thời điểm và địa điểm cậu ấy nhận bóng. Cậu ấy chọn vị trí sao cho ngay từ lần chạm bóng đầu tiên, cậu ấy có thể xoay người và đâm vào khoảng trống đối phương".

Ông vua đi bộ Messi và chức vô địch World Cup của Argentina - 7

Messi vô địch World Cup ở giải đấu anh đã 35 tuổi và biết phân phối thể lực trong từng trận đấu một cách hoàn hảo (Ảnh: AP).

"Mọi người nói: "Khi Argentina không có bóng, cậu ấy chỉ đi loanh quanh". Cậu ấy là vậy, nhưng những gì cậu ấy làm là nhìn vào toàn cục trận đấu và tư duy: "Vị trí nào tốt nhất cho tôi khi chúng tôi giành lại bóng, để tôi có thể đưa bóng vào khoảng trống, nơi mà một hậu vệ không dám phạm lỗi". Rất nhiều quyết định được cậu ấy đưa ra khi không có bóng và giúp cậu ấy hiệu quả hơn khi có bóng. Đó là thiên tài".

Khải Hưng