1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

VCK U20 thế giới:

Nỗi hổ thẹn của châu Âu

Có thể coi VCK U20 thế giới là một nỗi hổ thẹn của châu Âu. Họ bất lực và thừa nhận khoảng cách trình độ ngày càng xa so với các châu lục khác khi liên tiếp phải chứng kiến 2 trận chung kết không có sự tham gia của đại diện chủ nhà.

Một mùa giải sôi động đã chính thức khép lại cùng nỗi buồn khó tả của lục địa già. Chỉ mấy hôm trước thôi, các vũ công Samba đăng quang Confed Cup tại nước Đức thì ngày 2/7, đến lượt điệu Tango nâng cao chiếc Cúp vô địch giải Thanh niên thế giới.

 

Châu Âu sụp đổ niềm tin

 

Mặc dù có sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả (giải tổ chức tại Hà Lan), số lượng đại diện đông nhất (7 đội), có động lực to lớn để phấn đấu (san bằng số lần vô địch với Nam Mỹ)… nhưng các đội chủ nhà vẫn không thể biến lợi thế thành kết quả tương xứng. Họ đã đồng loạt buông súng ngay sau loạt trận tứ kết trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ.

 

Kết quả đó phải chăng là do thiếu may mắn? Có thể nhưng chưa đủ. Rõ ràng trình độ của các cầu thủ lục địa già đang đi xuống so với mặt bằng phát triển chung của thế giới. Thử hỏi có mấy cầu thủ mang quốc tịch châu Âu để lại dấu ấn tại giải lần này? Quá ít nhưng đó là hệ quả tất yếu sau những màn trình diễn đáng thất vọng.

 

Những chiến thắng như chẻ tre của Tây Ban Nha và Hà Lan chỉ phần nào che mờ sự bất ổn xuất hiện ngay từ vòng đấu bảng:  Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina đã để thua trước Trung Quốc trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang là á quân của giải U19 khu vực châu Âu; những tương lai của Italia, nền bóng đá từng 3 lần vô địch World Cup đã chịu thất bại trước Colombia và ngay cả chú lùn Syria. Họ chỉ may mắn đi tiếp sau khi lọt qua khe cửa hẹp bằng trận thắng cuối cùng trước… Canada, đất nước mà hockey mới là môn thể thao vua.

 

Người hâm mộ cũng sớm thất vọng về sức mạnh được quảng bá rầm rộ trước giải của U20 của Thụy Sỹ khi đội này nhanh chóng xách vali về nước với vị trí cuối bảng xếp hạng. Mở màn bằng trận thắng chật vật Hàn Quốc, những Johan Vonlanthen, Philippe Senderos sớm trở lại mặt đất khi phải giáp mặt với Brazil và Nigeria.

 

Châu Âu thảm bại trước Nam Mỹ

 

Và một cuộc ngã ngựa tập thể đau đớn đã diễn ra. Bốn trận tứ kết là hồi cáo chung về sự sụp đổ của đế chế Italia, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan. ''4 pháo đài'' này lần lượt bị ''những kẻ xâm lược'' Marốc, Brazil, Argentina và Nigeria công phá tan tành chỉ trong vòng 1 ngày đêm với cùng kịch bản: kém hơn về thế trận, bị đối phương dồn ép đến nghẹt thở.

 

Một lần nữa người Nam Mỹ lại mang về chiếc Cúp VĐ giải U20 thứ 9. Đây cũng là lần đăng quang thứ 6 trong 7 giải được tổ chức gần đây của 2 đại diện Nam Mỹ là Argentina và Brazil, thêm một yếu tố thuyết phục nữa chứng minh khoảng cách đang ngày càng tăng giữa 2 nền bóng đá lớn nhất.

 

Và không chỉ có thế, phía sau châu Âu đang là sự trỗi dậy mạnh mẽ của lục địa đen và những con rồng châu Á. Nếu không tỉnh táo thì đâu chỉ cấp độ U20 mà ngay cả ĐTQG, giải VĐQG… người châu Âu cũng khó lòng có thể giữ được vị thế của mình.

 

Llionel Messi, Llionel Messi và lại là Llionel Messi…

 

Những ngày vừa qua, khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng thấy xuất hiện tên của ''Maradona mới'', người khiến các sân cỏ Hà Lan lên cơn sốt. Quá tài năng, quá hoàn hảo so với tuổi 18, Llionel Messi được nhắc đến với sự ngưỡng mộ pha lẫn ghen tị. Cũng dễ hiểu bởi đâu phải ai (kể cả một ngôi sao thành danh) cũng được một CLB hàng đầu như Barcelona mời ký vào bản hợp đồng hậu hĩnh, trị giá tới150 triệu EUR.

 

Với tài năng thiên bẩm, Messi đã thống trị tuyệt đối cuộc chơi với các danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải, vua phá lưới (6 bàn sau 7 trận) và chức vô địch cùng ĐT Argentina. Dường như không có cầu thủ nào cùng chung đẳng cấp với Messi ở độ tuổi này. Anh làm lu mờ tất cả những cái tên sáng giá khác, từ Cesc Fabregas (Tây Ban Nha) đến John Obi Mikel (Nigeria) hay Renato (Brazil)…

 

Theo Sơn Tùng (Vietnamnet)