1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những kỷ lục thú vị của Premiership

13 năm qua, Premiership độc chiếm ngôi giàu có nhất và, cùng với La Liga và Serie A, luôn chiếm ngôi số 1 về sức hấp dẫn. Ngoài ra, giải Ngoại hạng Anh còn có nhiều kỷ lục bất ngờ và rất thú vị khác.

Sau 13 năm, Premiership đã chứng kiến tổng số 14.765 bàn thắng, và với hiệu suất bình quân 2,63 bàn/trận, đây là giải đấu nhiều bàn thắng nhất châu Âu (cao hơn cả La Liga, chỉ đạt 2,62 bàn/trận).

 

Đóng góp lớn nhất cho thành công này chính là tiền đạo Alan Shearer với 250 pha làm bàn trong quá trình thi đấu cho Blackburn Rovers và Newcastle. Lúc này, Shearer đang là chân sút vĩ đại nhất Premiership. Ở phía dưới, Andy Cole đứng thứ 2 (176 bàn), Robbie Fowler thứ 3 (153) và trong Top 10, duy nhất Ian Wright (thứ 10, 113 bàn) đã giải nghệ.

 

Vẫn về những bàn thắng, Ledley King là người ghi bàn thắng nhanh nhất Premiership: Ở giây thứ 10, trong trận hoà 2-2 với Bradford City mùa bóng 2000/01. Trong khi đó, Eric Cantona là người lập cú hattrick đầu tiên của giải, khi Leeds, CLB mà huyền thoại người Pháp đầu quân trước khi chuyển sang Man United, đè bẹp Tottenham 5-0 tháng 8/1992.

 

Những kỷ lục thú vị của Premiership - 1
  

Chelsea là đội thắng nhiều nhất

trong 1 mùa giải.

Man United có mặt trong cả 2 trận đấu có nhiều bàn thắng nhất: 9 bàn, khi họ thắng Ipswich Town 9-0 (ngày 04/03/95) và Nottingham Forest 8-1 (06/02/99). MU còn là CLB ghi được nhiều bàn thắng nhất trong 1 mùa: 97 bàn, năm 1999/00; trong khi Chelsea là đội để thủng lưới ít nhất: 15 bàn, mùa 2004/05. Ngoài ra, đội bóng của HLV Mourinho còn là đội thắng nhiều nhất/mùa (29 trận) đồng thời giành được nhiều điểm nhất: 95 điểm.

 

Lúc này, không một ai trong Top 10 cầu thủ già nhất của Premiership còn thi đấu. Người nhiều tuổi nhất trong danh sách này là thủ môn John Burridge, người từng khoác áo Man City ở độ tuổi 43 năm, 147 ngày. Cầu thủ gần nhất mà chúng ta đều biết là David Seaman, già thứ 5, anh chia tay bóng đá cũng tại Man City khi 40 tuổi, 113 ngày.

 

Ngược lại, cả 10 cầu thủ trẻ nhất của giải hiện nay đều đang thi đấu. Aaron Lennon trở thành cầu thủ trẻ nhất Premiership khi khoác áo Leeds ngày 30/8/03 (gặp Boro), khi ấy, Lennon mới 16 tuổi, 129 ngày. Trong nhóm này còn có, James Vaughan (Everton, 16 tuổi 263 ngày, thứ 4), Wayne Rooney (16 tuổi 297 ngày, khi đó còn khoác áo Everton) hay James Milner (Leeds, 16 tuổi 309 ngày).

 

Nếu tính về chiều cao, có lẽ các cầu thủ ở Premiership 2005/06 thừa sức lập thành một đội... bóng rổ. Peter Crouch (Liverpool) đã cao tới 1m98, tuy nhiên, anh chỉ ngang bằng Anthony Feuer (West Ham) và đứng thứ 2 trong nhóm cao kều. Konstantinos Chalkias, chàng thủ môn số 2 của Portsmouth, mới là người cao nhất Premiership: 1m99. Hai thủ môn nổi tiếng Petr Cech (Chelsea, 1m97) và Van der Sar (Man United, 1m96) chỉ đứng ở vị trí thứ 9 và 10.

 

Năm ngoái, với số tiền đầu tư cho chuyển nhượng lên đến hơn 370 triệu bảng, Premiership là giải bạo chi nhất thế giới. Danh hiệu này có vẻ như vẫn sẽ thuộc về giải Anh bởi HĐ đắt nhất mùa Hè 2005 tính đến thời điểm này là Shaun Wright-Phillips: 21 triệu bảng (Man City-Chelsea). Trong khi đó, cầu thủ đang giữ kỷ lục chuyển nhượng Premiership là Rio Ferdinand, khi anh chuyển từ Leeds sang MU tháng 07/2002 với giá 30 triệu bảng.

 

Ở danh mục những kỷ lục ngoài lề, đội bóng có trang phục thi đấu xấu nhất là Arsenal, với chiếc áo vàng “hổ lốn” chỉ mặc trên sân khách từ mùa 1991-1993.

 

 

Những kỷ lục thú vị của Premiership - 2
 

Keane đứng đầu danh sách

"đầu gấu" nhất.

 

Ở top “đầu gấu”, Roy Keane (MU) là số 1. Cú kung-fu của King Eric Cantona vào ngực một CĐV của Crystal Palace năm 1995 được coi là hành động điên rồ nhất; vụ hai cầu thủ Newcastle, Bowyer và Dyer, đấm nhau ngay tại St James’ Park đứng thứ 2; còn pha ăn mừng kiểu “hút hít” của Robbie Fowler sau khi bàn vào lưới Everton (03/04/99) đứng thứ 5.

 

Ở khía cạnh tích cực hơn, CĐV còn bầu pha ăn mừng bàn thắng của Lee Sharpe, chạy ra điểm phạt góc, vít cột cờ bắt chước kiểu vít micro của Elvis Presley, là ấn tượng nhất. Kiểu ăn mừng đẹp thứ 2 là của Lualua (nhào lộn) và thứ 3 là của Juergen Klinsmann (bay song song mặt đất). Tệ nhất là kiểu của Shearer (giơ tay phải lên rồi chạy), tệ nhì là mẫu của Robbie Keane (lộn 1 vòng rồi quỳ xuống giơ 2 tay... bắn súng).

 

Chỉ còn 2 ngày nữa, Premiership 05/06 sẽ khởi tranh. Người hâm mộ bóng đá Anh hy vọng sẽ được thưởng thức nhiều kỷ lục ấn tượng nữa. 

 

Theo Báo bóng đá