Những huyền thoại thành công nhất lịch sử Olympic
(Dân trí) - Siêu kình ngư Michael Phelps (Mỹ) vẫn là vận động viên (VĐV) thành công nhất trong lịch sử Olympic, xếp trên nhiều tên tuổi lẫy lừng trên khắp thế giới.
Tính cho đến trước khi Olympic Tokyo 2020 khởi tranh, Michael Phelps vẫn là VĐV giành nhiều huy chương nhất trong lịch sử các kỳ Olympic, với 28 huy chương các loại, trong đó có 23 HCV.
Cựu VĐV bơi người Mỹ khởi đầu những năm tháng huyền thoại của mình với 6 HCV và hai HCĐ tại Olympic Athens 2004. Tiếp đó, đến Olympic Bắc Kinh năm 2018, anh giành thêm 8 HCV nữa. Ở kỳ Thế vận hội trên đất Trung Quốc, có cảm giác như cứ hễ Phelps nhảy xuống nước là anh lại leo lên bờ chờ đeo HCV.
Trong những năm tháng rực rỡ nhất của mình, siêu kình người Mỹ không có đối thủ ở các cự ly ngắn trong môn bơi, từ bơi tự do, bơi bướm, cho đến hỗn hợp. Chỉ có nội dung bơi ngửa không phải là sở trường của Phelps, và anh chưa dành HCV nào ở nội dung này ở đấu trường Thế vận hội.
Sang đến Olympic London 2012, Phelps lại có thêm 4 HCV và hai HCB nữa, nâng tổng số huy chương của anh cho đến thời điểm ấy lên con số 18 vàng, hai bạc và hai đồng.
4 năm sau, tại Olympic Rio 2016, Michael Phelps khi đó dù không còn ở đỉnh cao phong độ, nhưng vẫn giành thêm 5 HCV và một HCB, kết thúc sự nghiệp Olympic lừng lẫy của mình với 28 huy chương các loại, gồm 23 HCV, ba HCB và 2 HCĐ.
Người vĩ đại thứ hai sau Michael Phelps ở đấu trường Olympic là cựu nữ VĐV Thể dục dụng cụ của Liên bang Xô Viết Larisa Latynina. Bà cũng là nữ VĐV thành công nhất trong lịch sử các kỳ Thế vận hội.
Cho đến khi giải nghệ vào năm 1966, Larisa Latynina giành 18 huy chương các loại ở các kỳ Olympic, trong đó có 9 HCV, 5 HCB và 4 HCĐ.
Kỳ Olympic đầu tiên của Larisa Latynina là Melbourne năm 1956. Tại đây, bà giành 4 HCV, một HCB và một HCĐ. Đến Olympic Rome năm 1960, Larisa Latynina giành thêm ba HCV, hai HCB và một HCĐ.
Kỳ Thế vận hội cuối cùng của Larisa Latynina là Olympic Tokyo năm 1964, nơi bà có thêm hai HCV, hai HCB và hai HCĐ nữa.
Đứng thứ ba trong danh sách những người vĩ đại nhất mọi thời đại ở các kỳ Thế vận hội là cố VĐV Thể dục dụng cụ người Liên Xô Nikolai Andrianov. Ông từng giành 15 huy chương các loại, trong đó có 7 HCV, 5 HCB và ba HCĐ.
Nikolai Andrianov bắt đầu các kỳ Thế vận hội của mình bằng Olympic Munich năm 1972 với một HCV, một HCB và một HCĐ. Đến Olympic Montreal 1976, Nikolai Andrianov có kỳ đại hội thành công nhất trong sự nghiệp của mình, khi giành 4 HCV, hai HCB và một HCĐ.
Sau đó 4 năm, tại Olympic Moscow 1980 trên sân nhà, Nikolai Andrianov giành thêm hai HCV, hai HCB và một HCĐ nữa. Nikolai Andrianov qua đời vào năm 2011, ở tuổi 58.
Ở vị trí thứ tư, có 4 VĐV đều có 13 huy chương mỗi người, đều là các VĐV môn Thể dục dụng cụ, gồm Ole Einar Bjorndalen (Na Uy), Boris Shaklin (Liên Xô), Edoardo Mangiarotti (Italia) và Takashi Ono (Nhật Bản).
Xếp tiếp theo là danh sách những người có 12 huy chương, gồm Paavo Nurmi (Điền kinh - Phần Lan); Birgit Fischer-Smith (Rowing - Đức), Sawao Kato (Thể dục dụng cụ - Nhật Bản), Jennifer Thompson, Ryan Lochte, Dara Torres và Nathalie Coughlin (đều là người Mỹ trong môn bơi) và Aleksey Nemov (Thể dục dụng cụ - Nga).