1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Những bản hợp đồng "bom tấn" từng xuất hiện ở xứ Ả rập

Trọng Vũ

(Dân trí) - Thông tin Ronaldo gia nhập CLB Al-Nassr gây xôn xao bóng đá Saudi Arabia. Tuy vậy, CR7 không phải là người tiên phong cho trào lưu đến miền đất Ả rập của giới cầu thủ nhà nghề.

Khoảng 20 năm trước, chân sút lừng danh Gabriel Batistuta (Argentina) rời bỏ bóng đá châu Âu, sang Qatar khoác áo CLB Al-Arabi khiến nhiều người ngỡ ngàng. Năm đó cũng vừa kết thúc World Cup 2002 tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ở thời điểm năm 2003, khi lần đầu sang Tây Á, siêu sao người Argentina mới 34 tuổi, còn trẻ hơn Ronaldo bây giờ khá nhiều (37 tuổi). Gabriel Batistuta được cho là vẫn còn có thể chơi bóng tại châu Âu, miễn là đừng khoác áo các CLB nằm ngoài 5 nền bóng đá lớn nhất (Italy, Đức, Anh, Pháp và Tây Ban Nha). Nhưng, Batistuta vẫn đến Trung Đông. 

Những bản hợp đồng bom tấn từng xuất hiện ở xứ Ả rập - 1

Gabriel Batistuta và Stefan Effenberg trong màu áo Al-Arabi giai đoạn năm 2003 - 2004 (Ảnh: Marca).

Thời điểm đó, Batigol nhận mức lương 8 triệu USD/năm (khoảng 192 tỷ đồng ngày nay), mức lương cao kỷ lục thế giới bóng đá Ả rập lúc bấy giờ. Batistuta thi đấu tại Qatar đến năm 2005 thì giải nghệ ở tuổi 36.

Cũng đến với Al-Arabi giống như Batistuta vào năm 2003 là cựu tiền vệ lừng danh của bóng đá Đức - Stefan Effenberg. Anh được xem là một trong những tiền vệ tổ chức hay nhất thế giới ở thế hệ của mình.

Sau khi giành một loạt vinh quang cùng Bayern Munich, rồi kết thúc quãng thời gian thi đấu cho CLB Wolfsburg tại Bundesliga, Stefan Effenberg gia nhập Al-Arabi năm 2003 ở tuổi 35, trở thành đồng đội của Batigol. Dù vậy, Effenberg giải nghệ trước Batistuta 1 năm, anh "treo giày" vào năm 2004, ở tuổi 36.

Cùng thời điểm khi Batistuta sang Qatar khoác áo Al-Arabi, đồng đội của anh ở đội tuyển Argentina Claudio Caniggia cũng đến quốc gia này khoác áo đội Qatar SC, thi đấu ở đây 1 mùa bóng, trước khi giải nghệ năm 2004, ở tuổi 37.

Những bản hợp đồng bom tấn từng xuất hiện ở xứ Ả rập - 2

Cũng ở Qatar, Batistuta từng đối đầu với cựu đồng đội ở tuyển Argentina Caniggia (Ảnh: Getty).

Đến năm 2010, một danh thủ lừng lẫy khác quyết định sang Trung Đông thi đấu, đó là cựu trung vệ đội tuyển Italy, cựu Quả bóng vàng châu Âu năm 2006 Fabio Cannavaro. Cầu thủ này khi đó khoác áo đội Al-Ahli của UAE, trước khi giải nghệ 1 năm sau đó, ở tuổi 39.

Cựu tiền vệ lừng danh người Tây Ban Nha Xavi cũng từng sang Qatar đá bóng cho CLB Al Sadd năm 2015, khi anh 35 tuổi. Xavi khoác áo đội bóng này đến năm 2019 rồi giải nghệ ở tuổi 39.

Sau khi giải nghệ, Xavi lên làm HLV đội Al Sadd đến năm 2021, trước khi quay trở lại dẫn dắt CLB Barcelona (Tây Ban Nha).

Những bản hợp đồng bom tấn từng xuất hiện ở xứ Ả rập - 3

Xavi trong màu áo CLB Al Sadd (Ảnh: Getty).

Trước khi Xavi thi đấu tại Qatar cho Al Sadd, người thầy cũ của cầu thủ này Pep Guardiola cũng từng thi đấu cho một đội bóng thuộc xứ sở Ả rập là Al Ahli SC, thuộc Qatar.

Năm 2003, ở tuổi 32, cựu tiền vệ đội tuyển Tây Ban Nha đến Qatar khoác áo Al Ahli SC, thi đấu ở đây 2 năm. Nhưng sau khi rời đội bóng xứ Ả rập, Pep Guardiola chưa giải nghệ, mà tiếp tục sang Mexico khoác áo CLB Dorados, thi đấu ở đó đến năm 2006 mới "treo giày".

Một người nữa, từng sang Trung Đông thi đấu là nhà cựu vô địch thế giới năm 1994 Romario (Brazil). Tuy nhiên, quãng thời gian Romario đầu quân cho CLB Al Sadd (Qatar) năm 2003 khá lặng lẽ, vì tiền đạo này không chuyển hẳn sang đội bóng xứ Ả rập.

Những bản hợp đồng bom tấn từng xuất hiện ở xứ Ả rập - 4

Ronaldo là cầu thủ được đãi ngộ cao nhất làng bóng đá hiện giờ, khi đồng ý khoác áo CLB Al-Nassr của Saudi Arabia, với mức lương 189 triệu euro/năm (Ảnh: Marca).

Romario khi đó được Fluminense (Brazil) chỉ cho Al Sadd mượn vào năm 2003, ở tuổi 37. Anh cũng chỉ thi đấu cho Al Sadd 3 trận, trước khi quay lại Brazil.

So với những cầu thủ vừa nêu, Ronaldo gia nhập CLB Al-Nassr (Saudi Arabia) với mức đãi ngộ cao hơn nhiều, vượt xa phần còn lại của thế giới bóng đá, với mức lương 189 triệu euro/năm (hơn 4.760 tỷ đồng).

Nhưng có lẽ cũng giống như các ngôi sao trước đó từng đến Trung Đông nói chung, họ đến với các giải đấu tại Ả rập để giúp quốc gia sở tại quảng bá cho chiến dịch chạy đua đăng cai World Cup, như Qatar từng thực hiện trước năm 2022.

Bởi, hiện tại, bản thân Saudi Arabia cũng muốn đánh bóng tên tuổi thông qua nhiều thương vụ trong thể thao, trong đó có thương vụ của Ronaldo, để xin đăng cai World Cup 2030. Thế nên, họ sử dụng lại chính "độc chiêu" của người láng giềng Qatar ngày trước.