Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mô hình hoạt động của VPF

(Dân trí) - Đề án thành lập Công ty bóng đá chuyên nghiệp đã được thông qua, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh vấn đề quản lý hoạt động của VPF. Lãnh đạo VFF khẳng định sẽ trực tiếp quản lý VPF, trong khi các ông “bầu” muốn “ly khai” khỏi vòng quản lý của VFF.

Trao đổi sau buổi làm việc với “bầu” Kiên (10/10), lãnh đạo VFF khẳng định hoàn toàn ủng hộ đề án xây dựng và thành lập công ty bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (Vietnam Professional Football), tên giao dịch viết tắt là VPF. Cụ thể, VPF là thành viên trực thuộc VFF và chịu sự quản lý giám sát của tổ chức này.
 
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mô hình hoạt động của VPF - 1
 Ý tưởng thành lập VPF của "bầu" Kiên đã sắp thành hiện thực - Ảnh: Gia Hưng
 

Lời phát biểu của đại diện VFF đã vấp phải những phản ứng từ một số ông “bầu” có công khởi xướng ra mô hình VPF. Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên (CLB bóng đá Hà Nội) tuyên bố, VPF là công ty cổ thần thì không có chuyện phải chịu sự quản lý và giám sát của VFF. Cùng chung quan điểm, “bầu” Đức khẳng định “VPF sẽ được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, do Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cấp phép. Hoạt động của VPF tuân theo Luật doanh nghiệp, không trực thuộc hoặc do ai quản lý ”.

 

Bên lề buổi lễ giới thiệu VFF Cup 2011, Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Phạm Ngọc Viễn đã lên tiếng giải thích thêm. Theo lời ông Viễn, khi ra đời VPF được coi như thành viên VFF, điều này sẽ được sớm bổ sung vào điều lệ tại Đại hội thường niên VFF dự kiến tổ chức vào đầu tháng 11:

 

Tính chất hoạt động của VPV như một công ty, nhưng vẫn phải chịu sự quản lý về mặt Nhà nước đó là cơ quan chủ quản  Bộ VH- TT-DL, chịu sự quản lý về mặt chuyên môn của VFF. Toàn bộ các hoạt động về chuyên môn, VFF có trách nhiệm về vấn đề quản lý, nhưng không mang tính chất quyết định mọi vấn đề vì VPF ra đời dựa trên sự hợp tác tham gia của tập thể.

 

Để ra đời VPF, trước tiên phải xác định rõ tính pháp lý. VPF sẽ là thành viên của VFF nhưng không trực thuộc VFF. Các CLB khác tham gia đều là thành viên, nhưng không phải là cấp dưới. Khi đã gia nhập vào tổ chức VFF, đương nhiên VPF sẽ chịu sự ràng buộc bởi những quy định của cơ quan quản lý…”.

 

Liên quan đến cơ cấu tổ chức của VPF, Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cho biết công ty sẽ bầu ra Hội đồng quản trị gồm khoảng 9 thành viên. Trong số này, VFF đóng góp 3 thành viên, 4 gương mặt đại diện cho các CLB giải V.League, 2 vị trí còn lại thuộc về 1 đại diện CLB hạng Nhất và 1 đại diện là người nằm ngoài VFF và các CLB.
 
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mô hình hoạt động của VPF - 2
 "Bầu" Kiên và "bầu" Đức muốn VPF hoạt động độc lập - Ảnh: Gia Hưng
 

Theo đánh giá của ông Viễn, với tốc độ chuẩn bị hiện nay, VPF sẽ được thành lập và đi vào hoạt động trong tháng 12. Kế hoạch thi đấu mùa giải V-League và hạng Nhất 2012 vẫn diễn ra đúng thời hạn là ngày 1/1/2012. Sau khi hoàn tất thủ tục bầu ra Hội đồng quản trị, các thành viên sẽ nhóm họp để chọn ra Tổng giám đốc chịu trách nhiệm điều hành hoạt động VPF.

 

Trước thời điểm VPF ra đời, “bầu” Kiên từng đề cử Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn vào chức vụ Tổng giám đốc. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo VFF và các CLB còn đưa ra phương án thuê Tổng giám đốc người nước ngoài để đảm bảo tính công bằng.

 

Chiều qua (12/10), tờ trình thành lập VPF đã được chuyển đến Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Sau khi thống nhất các ý kiến, dự kiến chiều nay (13/10) người đứng đầu VFF sẽ ký tờ trình để chuyển lên Bộ VH-TT-DL và Bộ Nội Vụ xem xét. Nếu đề án được chấp thuận, đề án thành lập VPF tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến tại Đại hội thường niên VFF tổ chức ngày 4/11.

 

Chí Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm