Nhật Bản: Từ nền bóng đá nhỏ đến cường quốc số 1 châu Á

(Dân trí) - Rất nhiều năm trước, bóng đá Nhật Bản từng tự ví mình là “chiếc giày nhỏ”, nhưng hiện tại, Nhật Bản đã là cường quốc bóng đá số 1 châu Á, đồng thời cũng là nền bóng đá tại châu Á tiến gần nhất đến việc bắt kịp trình độ thế giới.

Có thể câu chuyện bóng đá Nhật Bản tự ví mình như “chiếc giày nhỏ” năm nào chỉ là sự khiêm tốn, bởi vào năm 1968, Nhật Bản đã có huy chương đồng nội dung bóng đá nam Olympic Mexico – thành tích mà ngoài họ, sau này chỉ mỗi mình Hàn Quốc tái lập được tại Olympic London năm 2012.

Tuy nhiên, thời điểm cách nay nhiều năm, Nhật Bản vẫn còn kém so với một số nền bóng đá hàng đầu châu lục, như Hàn Quốc, Iran, Kuwait, Saudi Arabia, hay kể cả… Miến Điện (tức Myanmar ngày nay).

Mãi đến tận năm 1992, Nhật Bản mới lần đầu vô địch châu Á, so với lần vô địch châu Á đầu tiên của Hàn Quốc từ năm 1956, của Iran vào năm 1968, hay của Saudi Arabia vào năm 1984.

Nhat-Iran1_28-1-19.jpg
Bóng đá Nhật Bản lớn mạnh nhờ kết hợp tốt yếu tố khoa học vào quá trình phát triển

Cũng phải tới tận năm 1998, Nhật Bản mới dự kỳ VCK World Cup đầu tiên, vẫn sau Hàn Quốc, Iran và Saudi Arabia.

Nhưng người Nhật sau khi bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá châu lục rồi, họ giữ phong độ của mình rất vững. Tính từ năm 1998, Nhật Bản chưa bao giờ bị loại khỏi các kỳ VCK World Cup tiếp theo. Và ngày nay, hầu như một trong các suất của châu Á dự VCK giải vô địch bóng đá thế giới sẽ được điền tên Nhật Bản.

Trong số các cường quốc bóng đá nhóm đầu châu lục, gồm Nhật, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia và Australia, không tính Australia gia nhập AFC từ châu Đại Dương, Nhật Bản tuy vô địch Asian Cup muộn nhất, nhưng sau khi đã vô địch, họ vô địch nhiều lần tiếp theo.

Sau kỳ Asian Cup 1960, Hàn Quốc chưa bao giờ trở lại với ngôi đầu châu Á, tức đã gần 60 năm, Hàn Quốc chưa nếm lại hương vị của ngôi vô địch. Với Iran, lần gần nhất họ vô địch là vào năm 1976, tức là thời gian chờ đợi ngắn hơn Hàn Quốc, nhưng cũng đã… 43 năm.

Nhat-Iran2_29-1-19.jpg

Đi sau khá nhiều nền bóng đá tại châu Á, nhưng Nhật Bản hiện đã vượt lên trước

Hai quốc gia trên cũng chưa biết khi nào họ sẽ trở lại ngôi đầu bóng đá châu Á, bởi ngoài việc cạnh tranh với một số nền bóng đá vươn lên sau này, như Saudi Arabia, Iraq, với nền bóng đá gia nhập AFC mới đây là Australia, thì họ đặc biệt khó khăn khi cạnh tranh với Nhật Bản.

Dẫu biết thành công trong bóng đá không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc đá bóng, mà còn phụ thuộc vào tố chất của VĐV, phụ thuộc vào sự phát triển về khoa học kỹ thuật, đơn cử là việc cải thiện tầm vóc con người. Nhưng trước tiên, những người làm bóng đá vẫn phải là những người đi tiên phong trong việc thay đổi.

Hình thành các học viện bóng đá, các lò đào tạo quy mô, quy củ, có tính kế thừa cũng là việc làm mang tính khoa học. Tổ chức giải đấu quốc nội hấp dẫn, giàu sức hút và giàu tính cạnh tranh, phát triển theo hình tháp (hạng dưới nhiều đội hơn hạng trên) cũng là việc làm mang tính khoa học…

Lúc khởi đầu, cầu thủ Nhật Bản cũng không được đánh giá cao về mặt tố chất, so với cầu thủ Iran nói riêng và cầu thủ Tây Á nói chung, so với cầu thủ Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, nhưng về sau họ cải thiện dần dần. Lúc khởi đầu, giải vô địch quốc nội của Nhật Bản cũng khá èo uột, nhưng càng về sau càng phát triển đúng hướng.

Không có nền bóng đá nào là nền bóng đá nhỏ mãi mãi, nếu có khát khao và lộ trình bài bản thực hiện khát khao của mình. Thành công của bóng đá Nhật vài chục năm qua chính là động lực cho các nền bóng đá ở phía sau Nhật Bản, trong đó có bóng đá Việt Nam có động lực để tiến bước.

Kim Điền

logobanthethao.gif

 

Dòng sự kiện: Asian Cup 2019