Cựu phó chủ tịch chuyên môn VFF Dương Vũ Lâm
“Nền tảng thể lực kém, sao đổ hết lỗi cho HLV Miura?!”
(Dân trí) - Sau khi có ý kiến cho rằng HLV Miura phải chịu trách nhiệm cho các chấn thương liên tục diễn ra ở đội tuyển U23 Việt Nam trong thời gian vừa rồi, ông Dương Vũ Lâm, dưới góc độ là người từng được đào tạo tại khóa HLV cao cấp ở Brazil đã phản bác nhận định trên.
Đừng đổ lỗi cho HLV Miura
Có rất nhiều chấn thương ở đội tuyển U23 trong thời gian qua, cũng có người nói đó là do lỗi của HLV Miura, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Tôi sẽ bắt đầu bằng một ví dụ, cầu thủ HA Gia Lai như chúng ta biết nhiều năm qua họ có thiên về thể lực không? Cầu thủ của HA Gia Lai chủ yếu được tập kỹ thuật nhiều hơn tập thể lực, nền khó đòi hỏi nền tảng tốt về thể lực nơi họ, dẫn đến chuyện họ dễ bị quá tải. Với chấn thương của những cầu thủ thuộc HA Gia Lai như Tuấn Anh, hay Công Phượng, chủ yếu là do quá tải, do thi đấu kéo dài nhưng không có thời gian hồi phục, chứ không có gì ghê gớm hoặc xuất phát từ nguyên nhân gì đặc biệt cả. Vì vậy, không thể bắt lỗi HLV Miura trong những trường hợp tương tự thế này.
Nhưng nhiều người bảo rằng phương pháp huấn luyện thể lực của HLV Miura không phù hợp?
Vậy phải xem lại nền tảng của chúng ta, cả nền tảng yếu giờ lại đổ hết lên đầu ông HLV của đội tuyển thì có đúng không?! Muốn tranh chấp ở các giải đỉnh cao phải đủ sức, muốn đủ sức phải tăng cường độ tập luyện, HLV Miura đã điều chỉnh theo hướng đấy, cầu thủ cũng muốn có sự điều chỉnh để theo kịp thể lực chung của đối thủ. Ở đây, do nền tảng kém nên mới có chuyện cầu thủ không thích nghi khi có sự điều chỉnh.
Vậy các bài tập của HLV Miura có lạ xét trên bình diện của bóng đá chuyên nghiệp?
Không hề! Nói thật là những bài tập thiên về sức mạnh này bản thân tôi đã từng được chứng kiến ngay trong bóng đá Việt Nam thời của những Huỳnh Đức, hay trước nữa là Đặng Trần Chỉnh. Hồi đấy người ta biết Đặng Trần Chỉnh hay Huỳnh Đức rất khỏe, nhờ họ tập rất nghiêm túc. Hồi đấy sáng sáng là cầu thủ của chúng tôi ở các đội bóng TPHCM chạy bộ từ Sài Gòn lên Thủ Đức, rồi ngược lại, chưa kể các bài tập khác. Nhờ vậy mà họ khỏe, họ có nền tảng tốt, chứ khối lượng vận động như HLV Miura yêu cầu bây giờ là bình thường.
Cầu thủ bị quá tải từ cấp CLB, lên đội tuyển mới phát hiện
Nhưng tại sao biết như vậy nhưng các đội bóng vẫn làm qua loa, khiến nền tảng thể lực của cầu thủ bây giờ kém hơn thế hệ của Huỳnh Đức?
Vẫn có một số đội bóng trang bị thể lực cho cầu thủ rất tốt như Khánh Hòa, hoặc SHB Đà Nẵng, nhưng phần đông các CLB khác chưa quan tâm đến khâu này. Các HLV chủ yếu xuất phát từ giới cầu thủ, thường có tâm lý muốn kết thúc các khóa học bằng C, B, A của AFC nhanh nhanh để còn hành nghề, trong khi nắm bắt về phương pháp huấn luyện thể lực, sinh học trong thể thao là cả một quá trình học đại học chuyên ngành. Không có mấy HLV bóng đá ở Việt Nam kinh qua quãng thời gian học đại học như thế này.
Ở CLB lại có tâm lý HLV nuông chiều cầu thủ, sợ không có quân đá, nên cầu thủ dù tập qua loa vẫn không bị nhắc nhở, không được cải thiện, nên mới có hiện tượng lên đến đội tuyển, làm việc với chuyên gia ngoại mới thấy yếu hàng loạt.
Riêng khâu phát hiện và chữa trị chấn thương ở cấp CLB thì sao thưa ông, chúng ta đang nói đến chuyện cầu thủ bị quá tải từ cấp CLB, nhưng lên đến đội tuyển mới được phát hiện?
Đây lại là một vấn đề khác cần quan tâm. Có thể nhiều trường hợp chấn thương ở CLB chỉ đơn giản tìm đến thuốc giảm đau, hoặc cho nghỉ một thời gian ngắn, thấy ổn ổn cho đá lại. Các bác sĩ ở cấp CLB cũng chưa chắc được đào tạo đến nơi đến chốn, rành về chuyên môn chuyên ngành, nên hầu hết các chấn thương đều đợi đến khi lên tuyển mới phát hiện. Ở đây, cần rạch ròi ở điểm cầu thủ được phát hiện chấn thương khi lên tuyển, chứ không phải do lên tuyển mà dính chấn thương!
Xin cảm ơn ông!
Trọng Vũ (thực hiện)