1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Nâng tầm các đội tuyển Việt Nam: Chuyện không của riêng HLV Miura

(Dân trí) - Chuyện nâng tầm các đội tuyển là chuyện không phải bây giờ mới được nhắc đến trong bóng đá Việt Nam. Nhưng bấy lâu nay, có cảm giác người làm công tác điều hành toàn nói xong rồi… để đấy.

Thay đổi về mặt nhận thức

Cái tư tưởng, các nhận thức của người làm bóng đá nội thường nằm ở chỗ cứ hễ đá sân chơi từ cấp châu lục trở lên thì nghĩ ngay rằng đấy là sân khấu… quá tầm. Từ cái tư tưởng đấy mà nhiều đội bóng nội khi ra đấu trường châu lục thường mang tâm lý đá cho xong.

Mới 2 năm trước đội tuyển quốc gia Việt Nam còn thua nhục ở vòng loại Asian Cup 2015, với kỷ lục 5 trận liền toàn thua (chỉ ở trận đấu cuối cùng, sau khi dư luận phản ứng quá mạnh, đội mới đá đàng hoàng và thắng được Hong Kong). Ở tầm CLB cũng chẳng khác, các CLB trong nước đá ở cúp châu Á cũng có sẵn tư tưởng… chủ bại, vì rất khó tin rằng tầm của SHB Đà Nẵng mà để thua ở AFC Champions League 1 trận đến 15 bàn, còn Hà Nội T&T mới đây cũng thua FC Seoul (Hàn Quốc) đến 8 bàn.

Ngay đến đội bóng số Việt Nam là B.Bình Dương, với việc sở hữu hàng loạt sao nội sao ngoại mà trước khi đá AFC Champions League, vị nắm quyền to nhất về chuyên môn của đội đấy là ông Lê Thụy Hải còn bóng gió đến chuyện đá cho xong ở giải này, thì rõ ràng giới chuyên môn trong nước nhiều năm qua có cái nhìn rất tiêu cực về việc tham dự sân chơi châu Á.

Cho đến khi HLV Miura xuất hiện thì mọi thứ rất khác. Vị HLV người Nhật tỏ ra nghiêm túc với đấu trường châu lục. Lực lượng trong tay không phải là mạnh nhưng HLV Miura liên tiếp gây ấn tượng ở Asiad 17 và vòng loại U23 châu Á 2016.

Nâng tầm các đội tuyển Việt Nam: Chuyện không của riêng HLV Miura
Nếu ngay từ CLB, các cầu thủ có được nền tảng tốt, thì đội tuyển sẽ đỡ mất thời gian để làm lại từ đầu cho họ (ảnh: Gia Hưng)

Chỉ chưa 1 năm, các đội bóng trong tay HLV Miura đã đánh bại Olympic Iran, Kyrgyzstan, rồi gây khó cho Oympic UAE, U23 Nhật Bản – đấy chắc chắn không phải là ăn may, bởi may mắn thì không thể lặp đi lặp lại.

Khác với suy nghĩ chung của nhiều nhà chuyên môn trong nước, HLV Miura xem các sân chơi châu lục là nơi để bóng đá Việt Nam tiếp cận với trình độ châu Á. Thành ra, vấn đề với những nhà quản lý bóng đá nội là làm sao để cái tư tưởng không ngán đấu trường châu Á ấy được lan rộng ra cả làng cầu, thay cho cái tâm lý chưa đá đã muốn dừng bước.

Đồng bộ hóa công tác chuyên môn

Cái dở của bóng đá Việt Nam so với những nền bóng đá phát triển, thậm chí so với những nền bóng đá ở gần chúng ta như Nhật Bản hay Thái Lan nằm ở chỗ, khoảng cách giữa đội tuyển và các CLB xa quá, khác biệt giữa đội tuyển và các CLB cũng lớn quá.

Chuyện các cầu thủ khi lên đến đội tuyển hầu hết không đạt yêu cầu về mặt thể lực (trừ một số ít trường hợp đến từ các đội bóng nổi tiếng mạnh mẽ như SL Nghệ An, hay K.Khánh Hòa trước đây) chỉ nói lên một điều rằng, mặt bằng huấn luyện ở các CLB chưa thể theo kịp mặt bằng của các HLV ngoại đang nắm đội tuyển.

Nếu như các HLV ngoại qua nhiều đời, mà cụ thể là HLV Miura bây giờ chuẩn bị cho cầu thủ trước các giải quốc tế bằng phương pháp khoa học, bằng đội ngũ chuyên gia chuyên ngành (ví dụ như việc ông Miura dứt khoát phải đòi bổ sung bằng được HLV chuyên trách thể lực người Nhật), thì nhiều vị HLV tại các CLB chuẩn bị cho cầu thủ theo thói quen, theo những gì mà họ từng được trang bị từ khi còn đá bóng cách nay những vài thập niên.

Tự họ không nhận ra sự lạc hậu, cũng không có tâm lý phải cập nhật, trong khi vài CLB lại giúp cho những nhà chuyên môn dạng này lách luật, để né các khóa đào tạo bắt buộc của AFC, với hình thức đăng ký bằng những chức danh khác nhau.

Muốn có đội tuyển tốt thì từng CLB phải tốt, từng cầu thủ phải tốt. Muốn cầu thủ tốt từ nền tảng thì các HLV phải có phương pháp đúng, phải có trình độ chuyên môn tương xứng đủ để giúp cầu thủ tập đúng khối lượng và đúng phương pháp.

Mà muốn thay đổi bộ mặt của các CLB nói chung, thay đổi được định hướng chuyên môn của những HLV đang làm việc ở các CLB nói chung thì đòi hỏi vai trò định hướng của những người đang làm công tác điều hành nền bóng đá.

Họ phải tìm ra cách để đồng bộ hóa chất lượng đội ngũ làm chuyên môn từ cấp CLB, để mỗi lần tập trung đội tuyển, các cầu thủ không phải mất thời gian để được “nhồi” thể lực lại từ đầu, thậm chí phải học nhiều bài học “vỡ lòng” về mặt kỹ - chiến thuật và về mặt tư duy chơi bóng lại từ đầu.

Nâng tầm đội tuyển vì thế không phải là công việc của riêng HLV Miura, mà nâng tầm đội tuyển trước tiên phải là công tác định hướng của những người đang nắm vai trò quản lý nền bóng đá.

Trọng Vũ