1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

MU khủng hoảng: Không chỉ Van Gaal có lỗi!

(Dân trí) - HLV Van Gaal đã hứng chịu sự chỉ trích lớn từ người hâm mộ sau màn trình diễn thất vọng của MU ở mùa giải này. Tuy nhiên, xét cho cùng, đâu chỉ một mình ông thày người Hà Lan có lỗi.

Bóng đêm đã bao trùm thành Manchester sau thất bại trước Liverpool ở Europa League. Thêm một lần, Van Gaal và các học trò lại “hành hạ” trái tim CĐV MU bằng lối đá nhạt nhòa, thiếu sức sống.

Ngoài Van Gaal, Ed Woodward cũng phải chịu trách nhiệm cho sự đi xuống của MU
Ngoài Van Gaal, Ed Woodward cũng phải chịu trách nhiệm cho sự đi xuống của MU

Tỷ số 0-2 gần như khép lại cánh cửa đi tiếp của họ ở Europa League. Hy vọng giành danh hiệu lớn của CLB ở mùa này gần như đã tan tành mây khói. Ngay cả tấm vé dự Champions League họ chưa chắc đã đạt được.

Như bao lần, HLV Van Gaal lại là tâm điểm của sự chỉ trích. Trên đài BT Sport, Paul Scholes đã gọi MU của Van Gaal là “mớ hỗn độn”. Trong khi đó, một người cũ khác của MU, Rio Ferdinand “xát muối vào nỗi đau” của Quỷ đỏ: “Tôi nghĩ MU không nên ra đường bởi họ sẽ trêu chọc đó. Hôm nay, đáng ra họ đã thất bại 4,5 bàn rồi”.

Tất nhiên, với tư cách HLV trưởng của MU, HLV Van Gaal là người chịu trách nhiệm chính về thành tích kém cỏi của MU. Điều đó chẳng thể bàn cãi. Nhưng vấn đề ở chỗ, không thể quy chụp trách nhiệm cho một mình HLV người Hà Lan.

Bởi lẽ, “tội” của BLĐ MU cũng lớn không kém, đặc biệt là vai trò của phó Chủ tịch của MU Ed Woodward. Cần nhấn mạnh chi tiết, trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ này năm 2012 (thay thế David Gil), Ed Woodward từng có thời gian dài phụ trách vấn đề tài chínhtruyền thông của CLB. Ông là người có công lớn giúp doanh thu từ hoạt động thương mại của MU tăng từ 48,7 triệu bảng năm 2005 lên 117,6 triệu bảng năm 2012.

Phó chủ tịch của MU không có nhiều chuyên môn về bóng đá
Phó chủ tịch của MU không có nhiều chuyên môn về bóng đá

Thực tế, Ed Woodward đã làm nên điều thần kỳ… về lĩnh vực tài chính. Ngay trong mùa giải không tham dự Champions League, MU vẫn đạt doanh thu rất cao nhờ việc ông đã mang về cho CLB hàng loạt hợp đồng tài trợ béo bở với Adidas (750 triệu bảng/10 năm), Chevorlet (357,7 triệu bảng/7 năm), AON (136 triệu bảng/8 năm)…

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, Ed Woodward gần như không có chuyên môn về bóng đá. Chính bởi lẽ đó, ông đã “lèo lái” MU theo cách thiếu định hướng và “bừa bãi” trong những năm qua, khác hẳn so với thời Sir Alex Ferguson.

Thời còn cầm quân MU, Sir Alex Ferguson nổi tiếng là người mua bán chắc tay. Ông hiếm khi “mải mê” đàm phán với những thương vụ nằm ngoài giá trị thực. Điều quan trọng nhất, “ông già gân” biết phát huy tối đa tiềm năng của các cầu thủ, khiến MU luôn mạnh mẽ ngay cả khi sở hữu đội hình không mấy chất lượng.

Mặc dù vậy, đây là câu chuyện quá xa vời sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Chỉ trong 2 năm dưới triều đại của Van Gaal, MU đã vung tới gần 300 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng. Dẫu vậy, họ vẫn không đạt hiệu quả.

Vấn đề nằm ở chính cách mua sắm thiếu định hướng của Ed Wodward. Trong những năm qua, ông đã rước về Old Trafford nhiều cầu thủ “tầm trung” như Anthony Martial, Memphis Depay, Ander Herrera, Luke Shaw, Marcos Rojo… với mức phí cao hơn “giá trị thực” rất nhiều. Trong khi đó, họ cũng từng chi tới 60 triệu bảng để chiêu mộ Di Maria - cầu thủ bị hắt hủi ở Real Madrid (sau đó bán lỗ với mức phí 45 triệu bảng cho PSG).

Ông mua sắm bừa bãi, thiếu định hướng
Ông mua sắm "bừa bãi", thiếu định hướng

Trong khi đó, MU thất bại hoàn toàn trong cuộc đua giành chữ ký của “ngôi sao hạng A” như Toni Kroos, Arturo Vidal, Mats Hummels, Thomas Muller, Sergio Ramos, Gareth Bale hay Neymar.

Điều đó dẫn tới tình trạng, MU như “đội quân trung bình” và thiếu hẳn đi thủ lĩnh đích thực (kiểu như Sergio Ramos). Vấn đề này được Rio Ferdinand nhìn nhận trên đài BT Sport: “Họ chẳng có người thủ lĩnh trên sân. Vì vậy, MU chưa bao giờ có sức chiến đấu mạnh mẽ”.

Lật lại thời gian, người ta có thể thấy được nhận xét của Ed Woodward về Van Gaal (sau khi bổ nhiệm HLV này). Ông nói: “Ông ấy có năng lượng tràn đầy và rất yêu thích bóng đá tấn công. Nếu theo dõi Barcelona thi đấu ở thập kỷ 90, bạn sẽ không tin nổi. Họ trình diễn lối đá tấn công đẹp mắt. Đó là điều người hâm mộ MU mong muốn và là DNA của đội bóng”.

Rõ ràng, giờ đây, người ta không thấy nổi một câu chính xác trong nhận xét của Ed Woodward về HLV Van Gaal ở mùa giải này. MU chẳng tấn công đẹp mắt, trái lại, họ trình diễn thứ bóng đá “nhàm chán, khô cứng”. Thực tế, trong suốt sự nghiệp, các CLB của Van Gaal chưa bao giờ tấn công “đẹp mắt”. Thay vào đó, ông thày này luôn chủ trương kiểm soát bóng, như những gì diễn ra ở MU mùa này.

MU quyết vực dậy đội bóng nhưng CLB lại đang được lãnh đạo bởi một người thiếu chuyên môn, thiếu định hướng. Đó là lý do tạo sao họ chưa thể trở về quỹ đạo quen thuộc.

Ngoài ra, ở khía cạnh nào đó, “lỗi” cũng thuộc về Sir Alex Ferguson. Ông đã đưa ra quyết định nghỉ hưu quá đột ngột và gần như không có sự chuẩn bị cho giai đoạn sau này. Sau chức vô địch mùa giải 2012/13, “ông già gân” đã để lại tập thể đã quá già cỗi với Nemanja Vidic, Rio Ferdinand, Patrice Evra, Ryan Giggs, Robin van Persie. Michael Carrick, Darren Fletcher… Hầu hết trong đó đều đã bước qua tuổi băm.

Trong khi đó, Sir Alex Ferguson lại không xây dựng lực lượng kế cận cho CLB, khi những “cầu thủ trẻ” như Danny Welbeck, Tom Cleverley, Wilfried Zaha… lại không đạt được yêu cầu chuyên môn và sớm phải ra đi. Chỉ có 2 “báu vật” mà “ông già gân” để lại còn giá trị, đó là David de Gea và Chris Smalling. Điều đó khiến David Moyes gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả, MU đứng thứ 7 ở mùa giải 2013/14, vị trí thấp nhất của CLB trong lịch sử Premier League. Sự nghỉ hưu đột ngột của Sir Alex Ferguson đã mang tới bước ngoặt lớn trong lịch sử CLB (y hệt Sir Matt Busby ngày trước).

Giờ đây, MU đã không còn là “chú quỷ” mạnh mẽ. Thay vào đó, họ vẫn chìm trong ngủ dài với nỗi thất vọng tràn trề. Người ta tự hỏi, CLB sẽ “chìm” tới bao giờ?

H.Long