(Dân trí) - Lionel Messi đang trải qua mùa giải thật đặc biệt, với hai thái cực đối nghịch trong màu áo Paris Saint Germain và đội tuyển Argentina.
Lionel Messi đang trải qua mùa giải thật đặc biệt, với hai thái cực đối nghịch trong màu áo Paris Saint Germain và đội tuyển Argentina. Anh đạt tới đỉnh cao chói lọi nhất sự nghiệp để vươn tới tầm vóc cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại cùng Argentina nhưng La Pulga cũng khép lại hành trình thất bại và đầy tranh cãi trong màu áo CLB thủ đô Paris.
Trong màu áo Los Albiceleste (xanh-trắng), La Pulga trở nên bản lĩnh, sống động và hung hãn bao nhiêu thì khi khoác áo Les Rouge-et-Bleu (xanh-đỏ) anh lãnh đạm và nhạt nhòa bấy nhiêu.
Nếu Messi là vị thánh sống trong lòng người hâm mộ xứ sở điệu tango thì đối với cổ động viên (CĐV) Paris Saint Germain (PSG), anh là tên lính đánh thuê tham lam đáng nguyền rủa.
Ngày 10/8/2021, Messi đặt chân tới Paris, để lại sau lưng cuộc chia ly ngang trái đầy nước mắt với Barcelona. Anh xuất hiện trước cửa máy bay, mặc chiếc áo phông in dòng chữ Ici c'est Paris (Đây là Paris - slogan của PSG) và vẫy tay như Giáo hoàng.
Ông vua của bóng đá đương đại đã gia nhập PSG, giấc mơ trở thành hiện thực không chỉ với những ông chủ lắm tiền của đội bóng này mà cả những người hâm mộ từ lâu đã ái mộ tài nghệ siêu quần của Messi.
Tuy nhiên, PSG sẽ sớm nhận ra đội bóng này chỉ sở hữu Messi trên giấy tờ, tâm trí anh không đặt ở kinh đô hoa lệ của nước Pháp. Trước nhất, La Pulga chọn PSG làm bến đỗ mới sau khi anh bất ngờ không thể/không được Barcelona ký hợp đồng mới vì ngân quỹ không đủ.
Rất hiếm đội bóng sẵn sàng về mặt tiền bạc để ký hợp đồng với mức lương 41 triệu USD/năm với Messi vào thời điểm đó ngoại trừ đội chủ sân Công viên các Hoàng tử. Hơn nữa PSG là nơi chốn phù hợp để La Pulga duy trì phong độ nhưng không phải cày ải quá nhiều để chuẩn bị cho World Cup 2022, cơ hội gần như cuối cùng của anh với đội tuyển Argentina.
Messi không dễ và rốt cuộc không thể hòa nhập với cuộc sống phồn hoa sôi động chốn thành đô. Trải qua 3 tháng lưu trú tại khách sạn Royal Monceau, cách không xa Khải Hoàn Môn biểu tượng nước Pháp, việc chuyển đến sinh sống trong căn biệt thự tại Neuilly-sur-Seine đem đến cho gia đình Messi sự giải thoát đầy nhẹ nhõm.
Vùng ngoại ô Paris phần nào anh tìm lại được cảm giác yên bình của tổ ấm tại Castelldefels, ngọn đồi bình yên cách Barcelona khoảng 20km.
Với tính cách hướng nội và là người đàn ông của gia đình, La Pulga không hợp với những đêm náo nhiệt của Paris. Cuộc sống ngoài bóng đá của cầu thủ xuất sắc nhất thế giới chỉ xoay quanh vợ và 3 đứa con, thi thoảng tổ chức tiệc tại gia và mời bạn bè đến tham dự.
Ban đầu là những người bạn đồng hương Angel Di Maria và Leandro Paredes, sau đó có thêm Marco Verratti hoặc Sergio Ramos.
Tại PSG, Messi giữ kẽ trong cách ứng xử. Anh không đặt bản thân vào vị thế ngôi sao số một hay thủ lĩnh đội bóng. Sau cánh cửa hậu trường, La Pulga cảm nhận rõ tầm ảnh hưởng và tham vọng ngày càng vĩ cuồng của Kylian Mbappe.
Messi càng tránh né các vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi ở CLB. Anh khiến đồng đội bất ngờ bởi sự kín đáo, không hề yêu sách, tuân thủ mọi yêu cầu và thầm lặng ở góc riêng.
Messi duy trì cách tiếp cận phòng thay đồ PSG ấy từ ngày đầu tiên cho đến tận bây giờ và cách ngày chia tay không xa. Suy cho cùng Messi chỉ xem Paris là chốn tạm thời dung thân.
Kinh đô ánh sáng muôn thuở là cảm hứng bất tận về vẻ đẹp và tình yêu cho giới văn nghệ sỹ, như danh ca Joséphine Baker vẫn hát: "J'ai deux amours, mon pays et Paris " (Tôi có hai mối tình, quê hương tôi và Paris). Tuy nhiên, đối với Messi, trong bóng đá anh chỉ có hai mối tình, một với Barcelona và một với quê hương Argentina.
13 tuổi, Messi rời quê nhà Rosario đến Catalonia. Cậu bé nhút nhát luôn trốn ra ngoài hành lang thay đồ để khỏi chạm mặt đồng đội.
Cesc Fabregas và Gerard Pique, hai danh thủ cùng "thế hệ vàng" 1987 của La Masia với La Pulga còn tưởng Messi bị câm vì cả ngày chẳng hé một lời. Một nơi xa lạ và môi trường đề cao tính mô phạm đã nhào nặn nên Messi mực thước cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Điều đó hẳn nhiên tốt nhưng quá xa lạ với tính cách ngổ ngáo của người Argentina. Người dân xứ sở điệu tango yêu mến hơn những cầu thủ có chút ngạo nghễ và tinh ranh, vì họ thấy chính mình ở trong đó.
Như cái cách cây bút Hernan Casciari, tác giả bài viết chấn động Messi là con chó, vẫn ví von: "Chúng tôi thích kiểu giảo hoạt lang băm hơn là thằng nhóc kiệm lời". Tuy nhiên, thật lầm lẫn nếu cho rằng Messi mất chất quê nhà.
Trong làn sóng nhập cư châu Âu những năm đầu thế kỷ này, người Argentina ra đi được chia làm hai loại. Thứ nhất là những người cất ngay vali vào tủ khi chuyển đến Tây Ban Nha. Họ phát âm "vale" (voucher), "tío" (ông chú) và "hostias" (chủ nhà) ngọt xớt như người bản địa.
Loại thứ hai, những người không chịu cất vali gói cả quê hương trong đó. Họ duy trì phong tục quê nhà, chẳng hạn như uống trà mate (trà truyền thống của người Nam Mỹ nói chung và Argentina nói riêng), tổ chức tiệc thịt nướng Asado và sử dụng phương ngữ yeísmo.
Người nhập cư Argentina không chịu cất vali gọi mưa là yuvia thay vì lluvia, nói caye (rơi) thay vì cayo.
Messi là chàng trai như thế. Rất nhiều năm về trước, mùa giải 2003/04, Messi trở thành hiện tượng tại đội trẻ Barca với 35 bàn thắng sau 37 trận, tạo nên hiện tượng làm xôn xao người hâm mộ xứ Catalonia lẫn cộng động người nhập cư Argentina.
Rating (số lượng khán giả bình quân theo dõi) vào các trận đấu Messi ra sân trên truyền hình tăng vọt, vượt qua cả giờ cao điểm.
Dĩ nhiên Messi được truyền thông chú ý. Tài năng trẻ người Argentina xuất hiện trong các buổi phỏng vấn sau trận và khiến cánh truyền thông chán ngán vì chỉ trả lời tất cả câu hỏi bằng "có", "không" hoặc "cảm ơn", rồi cụp mắt xuống lẩn tránh mọi ánh nhìn.
Dù vậy, người Argentina lại giật mình nhìn thấy quê hương trong thằng bé ít nói. Khi nói một câu dài, nối từ xâu chuỗi của Messi là chữ S (phát âm: eses), và nói ful thay vì falta (phạm lỗi), Messi nói rê bóng là gambeta, với cách dùng từ liên tưởng đến động tác khiêu vũ trong điệu tango thay vì nói regate, mang nghĩa tránh né của người Tây Ban Nha.
Đó là cách những người không chịu cất vali vẫn phát âm như thành trì cuối cùng để bảo vệ ngôn ngữ quê nhà.
"Tại giải đấu này, anh ấy thật khác", anh chàng thủ môn ngổ ngáo Emiliano Martinez, người trấn giữ khung thành xuất sắc của đội tuyển Argentina tại World Cup 2022 bình luận về người đội trưởng. "Có thể do chúng tôi hung hãn hơn các tuyển thủ quốc gia trước đây sát cánh cùng Messi, nên anh ấy trở nên giống chúng tôi hơn: một gã trai hư".
Minh chứng sống động nhất cho sự thay đổi và trở nên hung hãn của Messi là ở trận tứ kết với đội tuyển Hà Lan. Trước trận đấu, HLV Louis Van Gaal tìm cách gây áp lực lên thủ lĩnh của Albiceleste bằng cách đưa ra vấn đề về giá trị La Pulga mang đến cho đội bóng mỗi khi không có bóng.
Phát biểu này khiến những đồng đội của Messi tức giận và thêm dầu vào lửa vào mối thù hận giữa hai đội tuyển quốc gia (ĐTQG). "Công kích Messi? Bạn không nên làm như vậy với người Argentina", Alexis Mac Allister, tiền vệ đang khoác áo Brighton tuyên bố.
Trận tứ kết diễn ra, phút 73, Messi bùng nổ sau khi nâng tỷ số lên thành 2-0 cho tuyển Argentina. Anh ăn mừng bằng cách đứng trước băng ghế huấn luyện của đội tuyển Hà Lan, khum bàn tay sau vành tai như thể chế nhạo bình luận trước đó của "lão đồ gàn" Van Gaal.
Màn ăn mừng của Messi cũng gợi nhớ hình ảnh của tiền bối Juan Roman Riquelme, nhạc trưởng đội tuyển Argentina tại World Cup 2006 và từng khoác áo Barcelona vào đầu những năm 2000, quãng thời gian tiền vệ tài hoa này bị "trù dập" không ít bởi Van Gaal.
Lúc đó, Messi còn là cầu thủ tuổi teen và kính ngưỡng Riquelme như thể người ta tôn thờ vị thánh sống. Và dù cho động cơ của màn ăn mừng đầy khiêu khích ấy là gì, Messi cũng chưa bao giờ hiếu chiến như thế trên sân.
Sau khi trận đấu kết thúc, La Pulga càng hung hăng hơn. Anh lời qua tiếng lại với cựu danh thủ Edgar Davids, trợ lý của Louis van Gaal và đặc biệt là bỏ ngang buổi phỏng vấn để buông lời chửi bới "thằng đần số 19 của đội tuyển Hà Lan" Wout Weghorst. Cái ngữ điệu Messi nói có thể nghe thấy ở mọi ngóc ngách trong thành phố Rosario.
Đó là câu chửi quen thuộc của một bà mẹ đang lên cơn điên hay của một thằng nhóc sẵn sàng lâm trận.
Một khía cạnh khác, Messi dường như tìm thấy tiếng nói của mình tại đội tuyển Argentina liên quan đến những cựu binh không còn có mặt ở đội bóng xứ Tango. Trước đây sự hiện diện của những cầu thủ hoạt ngôn như Javier Mascherano giúp Messi không cần thực hiện vai trò hô hào trong đội. Nhưng tại Qatar, có một khoảng trống nhất định.
Cái cách Messi đứng ra xử lý khủng hoảng sau trận thua sốc trước Saudi Arabia khiến cánh truyền thông bất ngờ. Trước đây, thường sau những thất bại như vậy, Messi chỉ dành ít thời gian nhất có thể trước đám đông rồi lẻn đi mất tiêu. Nhưng sau trận thua Saudi Arabia, La Pulga dành cả giờ đồng hồ để nói chuyện với các đồng đội.
Thủ thành Martinez cho biết: "Anh ấy nói với các đồng đội "chúng ta xuất sắc hơn thế này nhiều". Anh ấy nói với các phóng viên và liên tục lặp lại: "Hãy tin ở chúng tôi. Chúng tôi sẽ không làm người hâm mộ thất vọng. Hãy luôn ở bên chúng tôi". Đó là một Leo thật mạnh mẽ với những câu từ giàu cảm xúc".
Như đã đề cập, sự hung hãn thật ra có sẵn trong huyết quản của Messi, cậu bé lớn lên trên đường phố bụi bặm Nam Mỹ. Khác chăng, bản ngã ấy bị chôn vùi lâu năm bởi từ khi 13 tuổi, Messi đã chuyển đến Catalonia sinh sống trong môi trường mô phạm của La Masia rồi Barcelona.
Bản ngã ấy cần môi trường để khơi dậy rồi bùng phát. Đám đồng đội ngổ ngáo tại World Cup 2022 chính là môi trường lý tưởng nhất.
Mở rộng vấn đề, Liên đoàn bóng đá Argentina (AFA) cũng thật kỳ công để tạo ra môi trường thoải mái nhất cho Messi thể hiện chính mình, từ chuyện bổ nhiệm HLV Lionel Scaloni đến việc xây dựng "tiểu quốc" Argentina ngay tại Qatar. Đó chính là yếu tố cốt lõi mang lại thành công cho Albiceleste tại World Cup 2022.
Trước tiên hãy đề cập đến Scaloni.
"Cậu chàng này ấy à?! Anh ta là người đàn ông tốt đấy. Nhưng anh ta điều khiển giao thông còn không nổi thì làm sao quản lý cả đội tuyển quốc gia (ĐTQG)?!", Diego Maradona với cái kiểu phát ngôn ngoa ngoắt đặc trưng bình phẩm về việc Scaloni trở thành HLV đội tuyển Argentina hồi năm 2018.
Theo tiêu chuẩn truyền thống, Scaloni không đủ kinh nghiệm, trình độ lẫn cá tính để dẫn dắt đội bóng hàng đầu thế giới như Argentina. Tuy nhiên, ông được chọn vì Messi. Đó là quyết định có chủ ý của Liên đoàn bóng đá Argentina nhằm giữ thế hệ tài năng mới được dìu dắt bởi thiên tài Messi.
Trong những năm trước thời điểm Scaloni được bổ nhiệm, La Pulga có mối quan hệ đầy rắc rối với đội tuyển Argentina và đôi khi là HLV trưởng.
Sau thất bại tan tác trước đội tuyển Đức tại tứ kết World Cup 2010, chính Maradona, người dẫn dắt Albiceleste tại giải đấu này đã lên tiếng chê bai khả năng lãnh đạo của Messi.
"Cậu ta sẽ không bao giờ là thủ lĩnh. Chẳng thủ lĩnh nào đi vệ sinh hai mươi lần trước một trận đấu. Cậu ta run sợ. Vì thế chúng ta đừng phụ thuộc vào Messi nữa", huyền thoại vĩ đại này nói, vẫn bằng cái giọng thật xéo xắt.
World Cup 2018 lại là một thảm họa khi Argentina được dẫn dắt bởi HLV Jorge Sampaoli. Trước đó, vào năm 2016, Messi từng tuyệt vọng tới nỗi tuyên bố chia tay ĐTQG sau cú đá 11m hỏng trong loạt đá luân lưu ở trận chung kết Copa America với Chile.
Vì những thất bại như vậy, gạch đầu dòng quan trọng nhất để chọn HLV trưởng ĐTQG của Liên đoàn bóng đá Argentina là đảm bảo Messi cảm thấy thoải mái và vui vẻ. "AFA chỉ có một mục tiêu, đó là tìm một HLV có thể làm việc cùng Messi và giúp cậu ấy duy trì được phong độ cao nhất", cây bút Guilleme Balague, người chấp bút cho tiểu sử Messi cho biết.
"Khi Scaloni được bổ nhiệm, ông ấy đã nói với Messi: "Cậu nghĩ sao, điều gì giúp cậu thoải mái?". Đó là cuộc chuyện trò bình đẳng và bạn phải làm như vậy khi có trong tay cầu thủ xuất sắc nhất thế giới".
"Scaloni thoải mái lắm", Julian Alvarez, ngôi sao đang lên trong màu áo Man City và đội tuyển Argentina tiết lộ. "Ông ấy thật chân thành, tính cách vốn có của những người lớn lên ở nông trại. Tôi cảm thấy đồng điệu với ông ấy vì tôi cũng lớn lên trong một gia đình nông phu. Mọi người đều nhận thấy phẩm chất tuyệt vời nơi con người ông ấy".
Thủ thành Martinez thì nhận xét: "Luôn có những cầu thủ tài năng, quan trọng là cách quản lý họ. Giống như chiếc xe Ferrari, nếu không biết lái, tai nạn luôn đến trong mỗi khúc cua. Đó là cách duy nhất tôi có thể lý giải về con người Scaloni, ông ấy biết đích xác cách để lái chiếc xe Ferrari".
Về "tiểu quốc Argentina" tại Qatar, AFA và HLV Scaloni tốn rất nhiều công sức để đáp ứng mọi nhu cầu thân thuộc của Messi và các đồng đội.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Scaloni, một vài cầu thủ trẻ đã xây dựng mối liên kết với Messi bằng cách mạnh dạn gõ cửa phòng khách sạn của tượng đài bóng đá xứ tango và rủ rê anh chơi Truco, trò đánh bài truyền thống của người Argentina.
Tại Qatar, các tuyển thủ Argentina không chỉ đánh Truco, họ tâm tình bên tách trà Mate, tán gẫu trong các buổi tiệc thịt nướng Asado với thịt bò được vận chuyển từ quê nhà. Tại World Cup 2022, AFA đã mang theo 900kg thịt cho Albiceleste.
"Tôi nghĩ đối với người Argentina, chỉ cần có trà Mate và thưởng thức bữa tiệc thịt nướng ngon là hạnh phúc nhất trên đời", Pablo Zabaleta, đồng đội cũ của Messi tại Albiceleste chia sẻ. Chính những chi tiết đời thường này đưa Messi sống lại tuổi thơ dang dở vì xa nhà và thăng hoa tột bậc trên sân cỏ.
Sau World Cup 2022, mối quan hệ Messi và PSG càng trở nên tồi tệ. Đội bóng trật bánh khỏi đường ray chiến thắng và cầu trường Công viên các Hoàng tử ngày càng inh ỏi tiếng rền rĩ thất vọng về màn trình diễn của các ngôi sao bạc triệu dưới sân, bao gồm cả Messi.
Điểm nổ của mối quan hệ là chuyến đi đến Saidi Arabia của siêu sao người Argentina. La Pulga bị treo giò nội bộ 2 tuần rồi rút xuống một tuần. Siêu sao người Argentina cảm thấy sốc trước quyết định của PSG.
Việc thông tin sự vụ bị rò rỉ trong khi những sai phạm khác đã được che giấu, Messi cảm giác như trở thành vật tế thần. Thực tế, Ban lãnh đạo PSG cũng cần một cái tên để "gắn trách nhiệm" sau nhiều năm đầu tư vô tội vạ nhưng thành quả chẳng được bao nhiêu.
Có thể trong không gian riêng tư, như tờ L'Equipe tiết lộ, Messi cảm thấy tức giận vì bị xúc phạm. Anh có thể rời PSG bằng màn tung hê với những vị lãnh đạo quan liêu và thích đổ lỗi của đội bóng này.
Nhưng một lần nữa, Messi khiến tất cả ngạc nhiên bằng cách công khai xin lỗi. Sau chức vô địch World Cup cho tổ quốc Argentina, La Pulga đã chẳng còn nợ nần gì với bóng đá. Vô địch hay không vô địch Champions League chỉ có ý nghĩa với PSG. Và vì vậy, anh sẽ rời Paris mà chẳng ngoái nhìn.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Patrick Nguyễn