Messi ở lại Barcelona: Bình yên giả tạo?

H.Long

(Dân trí) - Tình hình Barcelona đã yên ổn khi Messi quyết định ở lại? E rằng câu trả lời là không. Đó có thể là thứ bình yên giả tạo...

“Tôi sẽ tiếp tục ở lại Barcelona” - Messi chậm rãi nói từng từ trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ Goal. Câu nói ấy đã khép lại 10 ngày giông bão của Messi và Barcelona (kể từ khi cầu thủ này gửi bản fax thông báo muốn chấm dứt hợp đồng với Barcelona). Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chăng, giông bão đã kết thúc?

Messi ở lại Barcelona: Bình yên giả tạo? - 1

Messi chấp nhận ở lại Barcelona

Cần nhấn mạnh rằng trong buổi trả lời phỏng vấn, Messi đã nhấn mạnh chi tiết: “Tôi không muốn đối đầu với Barcelona ở tòa án. Dù ra đi hay ở lại tình yêu của tôi với Barcelona không thay đổi”.

Chi tiết ấy cũng nói lên tình cảnh Messi lúc này. Đó không hẳn là sự hờn dỗi bởi siêu sao người Argentina đã hơn một lần nhắc tới chi tiết muốn ra đi tự do và đã cân nhắc điều đó trong thời gian dài. Hay nói đúng hơn, đó là sự cam chịu.

Barcelona nhất quyết không để Messi ra đi. Bởi lẽ, điều đó có thể khiến CLB sụp đổ ngay lập tức. Hình ảnh, giá trị của Barcelona đương nhiên sẽ sụt giảm chóng mặt. Kéo theo đó là sự sụt giảm về kinh tế. Nó chẳng khác gì con dao kề cổ với Barcelona trong bối cảnh “liêu xiêu” vì đại dịch Covid-19. Hơn nữa, việc tìm kiếm người thay Messi là điều vô cùng khó khăn, nó đòi hỏi một số tiền cực lớn (chưa chắc đã thành công).

Nhà báo uy tín David Ornstein từng xác nhận rằng Messi đã có buổi nói chuyện với HLV Pep Guardiola. Bản thân HLV người Tây Ban Nha cũng đã bị phát hiện có mặt ở quê nhà Barcelona giữa thời điểm nhạy cảm. Chính vì lẽ đó, khiến người ta tin rằng Messi đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho cuộc chia tay Barcelona.

Messi ở lại Barcelona: Bình yên giả tạo? - 2

Messi sẽ đặt vào thế đối đầu với Koeman

Nhưng sự kiên quyết của Barcelona như sợi dây vô hình níu Messi ở lại. Hoặc anh sẽ phải đối đầu với CLB thân yêu đã gắn bó trong 20 năm qua ở một nơi mà không ai muốn, đó là... tòa án. Cuối cùng, El Pulga đã chấp nhận thất bại để tránh sứt mẻ tình cảm.

Dù vậy, việc Messi ở lại chỉ giống như sự bình yên giả tạo. Nó chỉ làm yên lòng tất cả mọi người lúc này, chứ không thể xua tan giông bão ở Barcelona.

Hãy nhớ lại, động thái được xem là “giọt nước tràn ly” để Messi dẫn tới quyết định đòi ra đi, đó chính là tuyên bố của HLV Ronald Koeman: “Quyền lực của Messi ở Barcelona đã kết thúc”.

Sắp tới sẽ là cuộc đối đầu giữa Messi và Ronald Koeman. Tân “thuyền trưởng” Barcelona đang muốn củng cố quyền lực ở CLB bằng việc thực hiện kế hoạch mới, với những người Hà Lan bay. Tệ hơn cả Messi, những công thần như Suarez, Raktic, Vidal, Umtiti... đều nhận thông báo gạch tên khỏi kế hoạch chỉ sau... một cuộc điện thoại.

HLV Ronald Koeman tự đặt mình vào thế đối đầu với công thần bởi muốn thâu tóm quyền lực. Do đó, cuộc chiến sắp tới giữa Messi và Ronald Koeman sẽ là màn đối đầu về quyền lực. Một rừng đương nhiên không thể có hai hổ. Messi cũng không dễ dàng rũ bỏ hết quyền lực để trở thành làm “cậu học trò ngoan ngoãn”.

HLV Quique Setien có thể cam chịu sống dưới quyền lực của Messi, thậm chí chấp nhận cả việc cầu thủ này phớt lờ chỉ đạo nhưng Ronald Koeman thì không. Quá tệ hại nếu như HLV trưởng đối đầu với ngôi sao lớn nhất của đội bóng. Nó chẳng khiến Barcelona ổn định mà ngược lại, nó có thể làm cho tình hình của Barcelona rối mù hơn.

Barcelona không chấp nhận mất Messi (vì bài toán kinh tế) nhưng điều đó có nghĩa rằng họ có thể giữ lại “mầm mống nổi loạn”. Giờ đây, khi các cầu thủ đang ngày càng nhận thu nhập kếch xù, thì quyền lực của họ ngày càng lớn hơn.

Messi ở lại Barcelona: Bình yên giả tạo? - 3

Messi không ngần ngại chỉ trích Chủ tịch Bartomeu là kẻ nuốt lời

Chưa dừng ở đó, sau khi ở lại, Messi còn đối diện với thứ quyền lực lớn hơn là Chủ tịch Josep Bartomeu. Trong buổi trả lời phỏng vấn tờ Goal, siêu sao người Argentina đã không ngần ngại gọi người đứng đầu Barcelona là... kẻ nuốt lời.

Bartomeu luôn bị đánh giá là kẻ giả tạo. Ở thời điểm Messi thông báo đòi ra đi, ông từng tuyên bố rằng sẵn sàng từ chức nếu như El Pulga ở lại. Thế nhưng, theo tiết lộ của báo giới Tây Ban Nha, người đứng đầu Barcelona luôn tạo ra chiến dịch truyền thông bẩn (nhờ những đài phát thanh ở xứ Catalan như RAC1) để hướng về Messi.

Những thông tin đài RAC1 đăng tải thường có xu hướng chống lại và gây sức Messi như việc liên tục tấn công El Pulga sau trận thua 2-8 trước Bayern Munich. Đài này cũng phát đi đoạn thông báo rằng Messi không hài lòng sau buổi nói chuyện với HLV Koeman nhưng sau đó, siêu sao số 10 đã phủ nhận rằng anh chưa hề gặp gỡ HLV trưởng của đội bóng. Bên cạnh đó, họ cũng liên tục đưa tin về việc Messi đã tiếp xúc với HLV Pep Guardiola trong thời gian qua.

Việc Messi công khai chỉ trích Bartomeu trên mặt báo cho thấy anh sẵn sàng đối đầu với người đứng đầu của Barcelona. Đương nhiên, không chỉ Bartomeu, Messi cũng rất biết cách dựa vào sức mạnh của truyền thông. Không phải ngẫu nhiên, Bartomeu dính tới cáo buộc tham nhũng ở thời điểm nhạy cảm này.

Messi ở lại Barcelona: Bình yên giả tạo? - 4

Messi có thể rời Barcelona vào năm sau theo dạng chuyển nhượng miễn phí

Khác với cuộc chiến với HLV Ronald Koeman, đây là cuộc chiến của Messi và thượng tầng CLB. Nó có thể biến Barcelona trở thành “đống đổ nát” bất kỳ lúc nào.

Một điều quan trọng khác, Messi đồng ý ở lại không có nghĩa rằng cầu thủ này chấp nhận gia hạn hợp đồng. Hợp đồng của El Pulga với Barcelona chỉ còn thời hạn 1 năm. Có nghĩa rằng, Barcelona sẽ chẳng thu được gì và cũng chẳng có quyền cấm đoán Messi ra đi vào mùa Hè sang năm. Lúc ấy, siêu sao người Argentina sẽ danh chính ngôn thuận tìm kiếm bến đỗ mới.

Rõ ràng, việc Messi chấp nhận ở lại chỉ là tín hiệu vui tạm thời. Nó không thể giải quyết được những bất ổn, rạn nứt đang tồn tại ở Barcelona.