1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Malaysia đòi tự chọn bảng đấu và "luật rừng" ở bóng đá nam SEA Games

(Dân trí) - Thể thức được nhắc đến ở đây dĩ nhiên là chuyện chủ nhà Malaysia được chọn bảng đấu trong môn bóng đá nam và 2 nội dung futsal nam, nữ. Một số quốc gia trong khu vực phản đối, nhưng thể thức này khó thay đổi, vì như chính chủ nhà Malaysia chỉ ra, việc này không phải là chưa có tiền lệ.

Cụ thể, Tổng thư ký (TTK) Uỷ ban Olympic Malaysia Sieh Kok Chi bất ngờ tiết lộ việc các đội chủ nhà tự chọn bảng đấu là việc đã từng xảy ra trong quá khứ, không chỉ 1 mà đến 2 lần. Thành ra, hiện tại Malaysia muốn chọn bảng đấu trong môn bóng đá nam và ở 2 nội dung futsal nam, nữ đều là việc họ… học theo các quốc gia khác, từng là chủ nhà của Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Phía Malaysia cũng chỉ ra Việt Nam từng chọn bảng đấu trong môn bóng đá nam ở SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam, và Indonesia làm điều tương tự ở SEA Games 26 năm 2011 tại Jakarta (Indonesia).

Phản ứng vừa nêu của Uỷ ban Olympic Malaysia được đưa ra ngay sau khi họ biết được dự định chuẩn bị “phản công” của một số Liên đoàn bóng đá quốc gia trong khu vực.

Với tư cách chủ nhà SEA Games 29, Malaysia cho rằng việc họ nhận được lợi thế khi bốc thăm là... đương nhiên (ảnh: Trọng Vũ)
Với tư cách chủ nhà SEA Games 29, Malaysia cho rằng việc họ nhận được lợi thế khi bốc thăm là... đương nhiên (ảnh: Trọng Vũ)

Tới đây, Hội nghị BCH Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) sẽ họp ở Nha Trang, và một số liên đoàn thành viên AFF, trong đó có VFF đề xuất AFF phải có tiếng nói để thay đổi thể thức bốc thăm môn bóng đá nam, cũng như 2 nội dung futsal nam, nữ tại SEA Games 29.

Ngay lập tức, Uỷ ban Olympic Malaysia đáp trả bằng tiết lộ của ông TTK Sieh Kok Chi. Vả lại, môn bóng đá, hay môn futsal cũng chỉ là 2 trong số vài chục môn thi đấu tại Đại hội thể thao Đông Nam Á thường kỳ, nơi mà các liên đoàn ở từng bộ môn từ cấp quốc gia cho đến cấp khu vực không có nhiều ảnh hưởng.

Uỷ ban Olympic của từng nước và Hội đồng thể thao Đông Nam Á mới là những nơi có tiếng nói cao hơn về nội dung cũng như phương thức thi đấu, phương thức bốc thăm ở mỗi kỳ SEA Games, nhưng thường thì Hội đồng này và các Uỷ ban Olympic của từng quốc gia luôn phải tôn trọng quyết định của nước chủ nhà, trên tinh thần họ đã tốn rất nhiều tiền đầu tư, đăng cai, thì mặc nhiên họ có chút lợi thế khi bốc thăm.

Thực tế thường là vậy và chính thể thao Việt Nam cũng từng hưởng lợi tương tự hồi chúng ta đăng SEA Games năm 2003. Đấy là chưa tính đến chuyện hầu hết các quan chức cao cấp hàng đầu của AFF và của Hội đồng thể thao Đông Nam Á là người Malaysia, nên ảnh hưởng của Malaysia đến các tổ chức này là rất lớn.

Malaysia không đả động nhiều vào việc bốc thăm ở nội dung bóng đá nữ, vì họ tự nhận thấy kiểu gì thực lực của bóng đá nữ Malaysia cũng khó tranh huy chương. Riêng ở nội dung bóng đá nam và 2 nội dung futsal nam, nữ, Malaysia hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện có huy chương, thậm chí HCV trong các nội dung bóng đá nam và futsal nam, nếu họ có thêm may mắn, và dĩ nhiên là thêm lợi thế từ việc bốc thăm ban đầu.

Thành ra, rất khó để Malaysia thay đổi quyết định của mình, cũng như rất khó để các quốc gia khác làm thay đổi quyết định của quốc gia chủ nhà.

Kim Điền

Malaysia đòi tự chọn bảng đấu và "luật rừng" ở bóng đá nam SEA Games - 2