Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam hoạt động thiếu hiệu quả
Kỳ 1: Sau 6 năm, đào tạo trẻ vẫn là con số không
(Dân trí)-Thành công của mô hình đào tạo trẻ Học viện HAGL khiến nhiều người giật mình, bởi cũng 6 năm trước, cùng thời điểm bầu Đức cho xây dựng Học viện, VFF cũng ra đời Trung tâm đào tạo bóng đá đá trẻ Việt Nam. Thế nhưng, khi lứa cầu thủ đầu tiên của bầu Đức cho trái ngọt, thì trung tâm của VFF vẫn quá mờ nhạt.
Trung tâm hoành tráng bậc nhất
Chỉ có 2 đội tuyển được đào tạo tại trung tâm
Với diện tích xấp xỉ 7,2 héc ta, trung tâm bao gồm 4 sân bóng đá 11 người (3 sân cỏ tự nhiên và 1 sân cỏ nhân tạo). Sân cỏ nhân tạo duy nhất của Đông Nam Á trị giá 7 tỉ đồng do FIFA tài trợ. Ngoài ra, trung tâm còn có khu nhà đa năng, phòng tập thể lực, 4 sân tennis, 2 khu nhà nghỉ VĐV, khu văn phòng làm việc, và khu bể bơi, massage hồi phục chức năng VĐV
Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam được thành lập với mục tiêu trở thành một trong những cơ sở đào tạo bóng đá trẻ của Quốc gia và được vận hành một cách chuyên nghiệp với các nhiệm vụ chính: Là nơi tập huấn các đội tuyển trẻ quốc gia hàng năm trước các giải thi đấu quốc tế; Đào tạo vận động viên năng khiếu bóng đá quốc gia; Bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, HLV làm công tác phát triển bóng đá trẻ của cả nước.
Với cơ sở vật chất hiện đại, được rót kinh phí rất lớn mỗi năm, cụ thể, với nguồn vốn 140 tỷ đồng và hệ thống cơ sở vật chất khá tốt, bước đầu tiên để tạo nên một trung tâm đào tạo có thể coi là khá vững chắc. Thậm chí trong những năm tới, trung tâm tiếp tục được đầu tư lớn để chuẩn bị lực lượng cho Asiad 18, sẽ tổ chức vào năm 2019 trên sân nhà Việt Nam. Theo đề án đã được Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư phê duyệt, mỗi năm, khóa học của trung tâm sẽ được cấp 8 tỷ đồng. Còn khoảng 6 năm nữa Asiad 18 sẽ diễn ra, số tiền đầu tư cho trung tâm sẽ không hề nhỏ.
Hai đội tuyển quốc gia nam, nữ thường xuyên tập luyện tại đây
Khi mà lứa cầu thủ của bầu Đức đang bắt đầu hái trái ngọt, thì việc trung tâm được đầu tư ngân sách lớn nhưng vẫn đang loay hoay chưa thể tạo ra “sản phẩm” nào, thực sự là một lãng phí lớn.
Bế tắc đầu vào, đầu ra
Một trung tâm được kỳ vọng rất lớn, nhưng lại đang gặp rất nhiều bế tắc trong việc tuyển chọn VĐV. Còn nhớ, khi Học viện HA Gia Lai tuyển chọn khóa 1, hàng nghìn cầu thủ nhí từ khắp mọi miền đất nước đã tới để thử sức mình, với ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai. Còn trung tâm của VFF thì sao? Trung tâm đề nghị các CLB gửi các cầu thủ tốt nhất của mình ở lứa U16 để huấn luyện tập trung sau khi thành tài sẽ lại về phục vụ cho CLB. Cách làm này ngay lập tức khiến các địa phương, các CLB phản đối.
Cơ sở vật chất hoành tráng của trung tâm đào tạo trẻ
Quả thực, các em đã tập bóng đá lâu rồi nên sửa về chuyên môn sẽ khó. Nói cách khác, muốn có một lứa thế hệ được đào tạo bài bản như của bầu Đức, thì trung tâm của VFF nên bắt đầu từ những cầu thủ 10-11 tuổi, thay vì lựa chọn những cầu thủ xuất sắc nhất để đào tạo. Cách làm này tưởng như đào tạo kiểu gà nòi, nhưng thực tế lại không khoa học, mà thực tế đã cho thấy rõ kết quả.
Ở thời điểm hiện tại, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam có 1 đội U16 nam và U19 nữ. Trước đó, VFF và Trung tâm đã thành lập ban tuyển chọn và đi tới các địa phương có cơ sở đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng trong cả nước, chọn lọc ra 30 cầu thủ tài năng nhất cho mỗi lớp.
Không có một chiến lược tuyển quân nghiêm túc và đúng hướng, trong khi khâu đào tạo mang nặng tính thành tích, bảo sao suốt 6 năm qua, trung tâm không hề tạo ra một dấu ấn nào, dù đã ngốn kinh phí không ít.
Kỳ 2: Người trong cuộc nói gì?
Kim Anh - Lê Cường