Thể thao Việt Nam thất bại tại Asiad 17

Kỳ 3: Tài năng thể thao Việt Nam sớm nở tối tàn?

(Dân trí) - Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) thất bại tại Asiad là thực tế không thể bàn cãi. Điều đáng lo khác của TTVN nằm ở chỗ nếu như không biết cách đầu tư, chúng ta sẽ mất tiếp một thế hệ VĐV mới, tiếp tục sa lầy ở các kỳ Asiad tiếp sau.

Phú quý giật lùi

Ở Asiad Quảng Châu cách nay 4 năm, Trương Thanh Hằng giành HCB trong môn điền kinh, Vũ Thị Hương cũng làm dậy sóng ở môn thể thao “nữ hoàng”. Theo trình tự phát triển, lẽ ra ở Asiad 17 năm nay, Trương Thanh Hằng hay Vũ Thị Hương phải làm hơn thành tích mà họ có được ở Asiad 16, nhất là khi cả Hương lẫn Hằng đều đang ở vào lứa tuổi đẹp nhất của sự nghiệp VĐV đỉnh cao: 28 – 30.

Thực tế ở Hàn Quốc mấy ngày qua, Vũ Thị Hương hoàn toàn mờ nhạt, trong khi Trương Thanh Hằng thậm chí còn không thể có mặt tại Asiad 17.

Đành rằng chấn thương khiến Hằng vắng mặt, khiến Hương vất vả tìm lại chính mình trong suốt 2 năm qua. Nhưng không thể xem lại những chấn thương ở các VĐV kể trên, xem lại chính cách những nhà quản lý bảo vệ các tài năng đáng được gọi là tài sản quốc gia ấy.

Người ta sợ nhất là vài năm nữa TTVN tiếp tục lãng phí những tài năng dạng này
Người ta sợ nhất là vài năm nữa TTVN tiếp tục lãng phí những tài năng dạng này

Trương Thanh Hằng gặp tai nạn giao thông khi đang tập dưới… lòng đường ở Đà Nẵng. Một tài năng đẳng cấp châu Á cỡ Thanh Hằng mà buộc phải chạy bộ ở nơi không dành cho người đi bộ thì chẳng hiểu người ta đầu tư cho Thanh Hằng kiểu gì? Người ta bảo vệ tài sản quốc gia kiểu gì?

Với trường hợp của Vũ Thị Hương, những chấn thương của cô chủ yếu xuất phát từ chỗ tập luyện… sai phương pháp. Những chuyến tập huấn nước ngoài trước đây của “nữ hoàng tốc độ” cũng thường sai mục đích, khiến cho Vũ Thị Hương không những không lên mà càng ngày càng lùi.

Đấy cũng là tình trạng phổ biến với TTVN. Người ta cứ bảo ngành thể thao nghèo, nhưng lúc được rót tiền lại phát sinh nhiều chuyện khác xung quanh cách tiêu tiền. Chính điều đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều tài năng thui chột, sau khi hé lộ tiềm năng.

Sau Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương, ngành thể thao có vẻ như đang tiếp tục lãng phí tài năng của Hoàng Quý Phước. “Rái cá sông Hàn” từng được tập huấn ở những cường quốc thể thao hàng đầu thế giới, nhưng cứ sau mỗi chuyến tập huấn, Hoàng Quý Phước không những không lên mà còn xuống, xuống đến mức anh dường như mất hút ở trình độ châu Á tại Asiad.

Chẳng lẽ cứ sớm nở, tối tàn?

Chính sự lãng phí cả về tiền bạc lẫn con người khiến cho thành tích của TTVN qua các kỳ Asiad chưa bao giờ ổn định, VĐV chỉ nổi lên ở một kỳ đại hội rồi mất hút.

Nhắc lại những bài học cũ cũng là để cảnh báo cho những tiềm năng mới, vừa mới hiện lên tại Asiad 17. Đấy là Nguyễn Thị Ánh Viên trong môn bơi, Thạch Kim Tuấn ở môn cử tạ, Bùi Thị Thu Thảo và Quách Thị Lan trong môn điền kinh.

Họ đều còn khá trẻ và cũng đầy tiềm năng. Chiếu theo quy trình thăng tiến thông thường, Ánh Viên phải làm được hơn thành tích giành 2 HCĐ của cô ở Hàn Quốc, Thạch Kim Tuấn, Thu Thảo và Quách Thị Lan phải từ bạc tiến lên vàng.

Dù vậy, VĐV tiềm năng vẫn chưa phải là những ngôi sao thực thụ. Để trở thành những ngôi sao thực thụ, để trở thành người mạnh nhất châu lục ở từng nội dung, họ cần được đầu tư đúng cách. Bài học của những Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng hay Hoàng Quý Phước còn sờ sờ ra đấy.

Chiến lược dành cho họ hay nhiều VĐV tiềm năng khác phải tinh và phải cực kỳ khoa học. Bằng ngược lại, 4 năm nữa TTVN có khi lại rơi vào tình trạng của Asiad hiện tại, tình trạng cực kỳ phản khoa học là VĐV càng được đầu tư càng thui chột.

Không giải quyết được vấn đề ấy, chúng ta có nhận bao nhiêu thất bại ở các đại hội thể thao lớn, có nói bao nhiêu lời bào chữa hay hứa hẹn cũng vô ích, vì đã đầu tư sai thì đừng mong có VĐV giỏi.

Cũng đâu thể đem tiền nhà nước đầu tư lãng phí mãi vậy được! Phát hiện ra tài năng đã khó, không biết giữ những tài năng ấy càng phí!

Trọng Vũ