1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thể thao Việt Nam thất bại tại Asiad 17

Kỳ 2: Sự sa sút của những gương mặt được kỳ vọng tại Asiad

(Dân trí) - Ngoài chuyện đầu tư không trúng đích, một lý do khác khiến cho đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) không thể hoàn thành chỉ tiêu HCV là vì hàng loạt VĐV thi đấu kém. Còn chuyện họ đấu kém do phong độ hay do đẳng cấp là vấn đề cần phải bàn.<br><a href='http://dantri.com.vn/the-thao/ky-1-the-thao-viet-nam-dang-dau-tu-lech-huong-952092.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Kỳ 1: Thể thao Việt Nam đang đầu tư lệch hướng</b></a>

Phong độ hay đẳng cấp?

Trước ngày Asiad 17 khai diễn, một trong những môn được kỳ vọng nhất trong việc giành HCV là bắn súng, một trong những VĐV được nhiều kỳ vọng sẽ chắc mẩm có vàng nhất là Hoàng Xuân Vinh.

Sau Asiad, thực tế Hoàng Xuân Vinh thi đấu như thế nào có lẽ không cần phải nhắc lại, bắn súng Việt Nam hụt HCV đáng tiếc ra sao có lẽ cũng không cần phải nói thêm.

Cũng ngay sau khi Hoàng Xuân Vinh nói riêng và môn bắn súng nói chung để hụt HCV, nhiều người cũng nhắc đến chuyện phong độ của các VĐV ở thời điểm diễn ra Asiad không tốt. Dù vậy, việc họ thi đấu kém vì phong độ không cao hoặc đẳng cấp chỉ có hạn là chuyện nên được mổ xẻ kỹ.

Hoàng Xuân Vinh từng vô địch thế giới, nhưng đến đấu trường Asiad, anh thậm chí không đoạt huy chương cá nhân nào. Theo lý giải của cựu trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh, giành HCV ở các giải thế giới đơn môn đôi khi dễ hơn giành HCV Asiad.

Hoàng Xuân Vinh là một trong số những trường hợp thất bại rõ ràng nhất của TTVN tại Asiad 17
Hoàng Xuân Vinh là một trong số những trường hợp thất bại rõ ràng nhất của TTVN tại Asiad 17

Nguyên nhân xuất phát từ chỗ ở các giải vô địch đơn môn, các đoàn chưa chắc cử VĐV tốt nhất của mình tham dự, trong khi Asiad là sự kiện 4 năm mới diễn ra 1 lần, không có VĐV nào hoặc đoàn thể thao nào muốn lỡ cơ hội giành HCV Asiad. Thế nên, chất lượng và quyết tâm của các VĐV ở Asiad có khi cao hơn ở các giải vô địch đơn môn.

Quy mô của Asiad cũng lớn hơn khiến cho tâm lý trở thành thách thức tiếp theo của các VĐV. Riêng bắn súng lại mất vàng vì tâm lý thiếu vững vàng. Dù nhìn vấn đề dưới bất kỳ lý do gì, thì chuyện Nguyễn Hoàng Phương bắn trượt mục tiêu ở viên đạn cuối cùng cũng là… dở. Chờ đợi 4 năm, luyện tập liên tục mà lại bắn trượt ở thời điểm không thể bắn trượt thì hóa ra công cốc!

VĐV đỉnh cao hơn nhau ở chỗ tâm lý vững hay không vững ở những thời điểm quyết định như thế. Thành ra, đấy đơn thuần là vấn đề chuyên môn, đơn thuần là sự thua sút về mặt đẳng cấp so với đối thủ!

Những niềm hy vọng đang… thụt lùi

Đánh giá đúng thất bại do đẳng cấp hay do phong độ sẽ giúp cho những nhà chuyên môn và những nhà hoạch định chiến lược có biện pháp tốt nhất để sửa chữa sai lầm của chính mình, thay vì bào chữa cho thất bại theo chiều hướng may mắn hay không may mắn.

Cũng ở Asiad 17, điều đáng lo ngại cho TTVN nằm ở chỗ xuất hiện những thất bại rất rõ ràng, với những VĐV từng được kỳ vọng lớn.

Đáng nói nhất trong số này là chuyện “rái cá sông Hàn” Hoàng Quý Phước không giành được bất cứ huy chương nào, cũng không thể tiếp cận với những thông số mà người ta từng kỳ vọng anh sẽ đạt đến.

Trong thể thao, không tiến có nghĩa là đang thụt lùi. Nói Hoàng Quý Phước trẻ cũng không phải quá trẻ. Lẽ ra đây phải là độ tuổi mà kình ngư này cần tỏa sáng, hoặc cho thấy dấu hiệu có thể tỏa sáng.

Đằng này, thông số kỹ thuật của Hoàng Quý Phước càng ngày càng xa so với trình độ Asiad không khỏi khiến cho những nhà chuyên môn và người hâm mộ đâm lo. Lo vì một trong những sự chờ đợi của chúng ta nhiều năm trước giờ có thể đang đi… lùi.

Mà chuyện liên quan đến Hoàng Quý Phước lại là một câu chuyện khác về vấn đề đầu tư. Quý Phước cũng từng được đầu tư cực kỳ tốn kém, nhưng những tranh cãi giữa địa phương và bộ môn thuộc Tổng cục TDTT theo kiểu “quân anh, quân tôi” đã làm hại “rái cá sông Hàn”.

Vũ Thị Hương trong môn điền kinh cũng là một trường hợp thất bại. Thậm chí, việc Vũ Thị Hương mờ nhạt ở Asiad 17 là câu chuyện mà người ta đã nói cách nay đến 1 – 2 năm. Chỉ có điều biết trước như thế nhưng chúng ta vẫn không tìm ra nổi người kế cận lại là sai lầm khác của ngành thể thao.

Từ Hoàng Quý Phước cho đến Vũ Thị Hương, rồi Hoàng Xuân Vinh hay Lâm Quang Nhật, người ta đang tự hỏi chiến lược phát triển của TTVN trong hàng chục năm qua là gì? Đầu tư lâu dài để nâng tầm toàn bộ nền thể thao, hay làm theo kiểu “mưa lúc nào mát mặt lúc ấy”, thậm chí trông chờ cả vào yếu tố may mắn trong từng bước chạy, từng viên đạn?

Trọng Vũ

Kỳ 3: Tài năng thể thao: Không thể để sớm nở tối tàn