Nhìn lại thất bại của thể thao Việt Nam tại Asiad 17

Kỳ 1: Thể thao Việt Nam đang đầu tư lệch hướng

(Dân trí) - Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự Asiad với lực lượng không phải là ít, nhưng xét trên số lượng HCV (1) thì chúng ta lại quá ít. Vấn đề của thể thao nước nhà có lẽ cũng ở chỗ ấy, môn gì ta cũng chơi, nhưng không môn gì tinh.

“Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”

Đoàn TTVN tham dự Asiad 17 rất đông, tham dự hàng loạt môn, nhưng để chỉ ra môn thực sự là thế mạnh của chúng ta, môn mà TTVN có thể nắm chắc HCV kỳ thực lại không có.

Ngay cả tấm HCV Wushu của Thúy Vy cũng mang nhiều yếu tố may mắn và bất ngờ. Tấm HCV ấy bất ngờ ở chỗ không ai nghĩ VĐV của Trung Quốc lại không mặn mà với HCV, đoàn Trung Quốc lại không muốn gồm thâu huy chương trong môn Wushu, môn mà Trung Quốc mạnh vượt trội so với phần còn lại của thế giới.

Nếu xét về số lượng VĐV tham dự Đại hội, so với tổng số HCV đạt được, đoàn TTVN có tỷ lệ kém xa so với CHDCND Triều Tiên. Đoàn CHDCND Triều Tiên đến Incheon chỉ với 140 VĐV, tức chỉ hơn một nửa so với số lượng VĐV của đoàn Việt Nam, nhưng họ giành đến 11 HCV – gấp 11 lần số HCV của chúng ta.

Chi tiết ấy cho thấy, TTVN hiện vẫn đang đầu tư quá dàn trãi, dàn trãi rộng đến mức không cần thiết. Chúng ta vẫn phát triển nhiều môn chưa hề có trong chương trình thi đấu của Olympic, thậm chí có lẽ những môn ấy sẽ không bao giờ xuất hiện ở Olympic.

TTVN không có nhiều điểm sáng ở Asiad 17
TTVN không có nhiều điểm sáng ở Asiad 17

Cách đầu tư này vừa tốn của, lại vừa tốn công. Đặc biệt với các môn không mang tính đối kháng mà thông qua chấm điểm cảm tính, việc giành huy chương, nhất là HCV càng mơ hồ. Bởi, đã là cảm tính thì rất dễ tiêu cực. Thành ra, những môn dạng này lại càng khó xuất hiện ở Olympic, trong khi TTVN lại quá chú trọng vào những môn như thế.

Thậm chí, nếu lấy Olympic là thước đo, đoàn TTVN còn xếp dưới cả… Campuchia. Họ có HCV trong môn Taekwondo – môn có trong hệ thống của Olympic, trong khi Việt Nam chỉ giành HCV ở môn Wushu, lại là nội dung biểu diễn, nội dung chắc chắn sẽ không bao giờ xuất hiện tại Thế vận hội.

Thiếu môn mũi nhọn

Như đã nói ở trên, TTVN đầu tư không ít tiền cho Asiad 17, nhưng cái thiếu của chúng ta ở chỗ chúng ta đầu tư thiếu trọng điểm. Cũng như đã nói ở trên, không có môn nào và không có nội dung nào chúng ta có thể nắm chắc HCV.

Nếu như Thái Lan giành đến 12 HCV nhờ rất mạnh ở các môn có trong phong trào Olympic, Malaysia (6 HCV), Singapore (5 HCV), Indonesia (4 HCV) đều có những thế mạnh riêng, thì VĐV Việt Nam hầu như thiếu sự ổn định.

Quách Thị Lan trong môn điền kinh hay Thạch Kim Tuấn ở môn cử tạ đúng là rất xuất sắc. Nhưng ngay cả sự xuất sắc của họ cũng mang nhiều yếu tố xuất thần, chứ bảo rằng đấy là thành tích ổn định, đảm bảo cho việc tỏa sáng ở những kỳ đại hội sau thì không ai dám nói chắc.

Người thực sự ổn định là Ánh Viên trong môn bơi, nhưng trình độ của Ánh Viên mới chỉ dừng ở mức tiếp cận nhóm có huy chương tại Asiad, chứ ngay từ trước khi Á vận hội năm nay diễn ra, dĩ nhiên không ai lạc quan đến mức nói Ánh Viên sẽ giành HCV.

Lừu Thị Duyên trong môn boxing cũng vậy. Đấy là VĐV giỏi, nhưng chưa phải là giỏi nhất, đủ để giành HCV. Đấy cũng là vấn đề chung của TTVN khi hướng đến đấu trường Asiad. Chúng ta không có sự ổn định, thiếu những thế hệ VĐV mũi nhọn đủ sức đứng đầu châu Á ở từng môn thi.

Đấy lại là một nhược điểm khác của cách đầu tư dàn trải. Vì đầu tư quá nhiều nên chúng ta dường như cũng mất phương hướng và mất luôn trọng điểm, để hướng vào những VĐV hoặc những môn thi đấu mà chúng ta phải quyết giành được HCV. Thành ra, tiền đầu tư với TTVN có thể không kém nhiều đoàn tại Asiad, nhưng về hiệu quả thì kém xa.

Cũng không thể không lưu ý đến chi tiết, đã 4 kỳ Asiad liên tiếp (tức hơn 1 thập niên), TTVN chưa hề đoạt HCV ở bất kỳ môn thi nào nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic. Tiền đổ vào thể thao cho các cuộc tranh tài đỉnh cao trong nhiều năm không hề nhỏ, nhưng không hướng đến Olympic, thì chẳng hiểu việc đầu tư dàn trải có ích gì?

Trọng Vũ

Kỳ 2: Sự sa sút của những gương mặt được kỳ vọng