Thể thao TPHCM “tuột dốc không phanh”
Kỳ 2: Thời “suy thoái” của thể thao TPHCM
(Dân trí) - Khi thể thao TPHCM bắt đầu “xuống dốc”, những nhà quản lý ở đây đã nhận được nhiều lời cảnh báo. Nhiều cán bộ lão thành tâm huyết gửi cả bản kế hoạch, chiến lược cải tổ, những mong duy trì hình ảnh đẹp của thể thao TPHCM. Chỉ có điều, thật đáng tiếc...
Nước đến chân…không chịu nhảy!
Thời ông Phạm Văn Kiết còn làm Giám đốc Sở, thể thao TPHCM vẫn mạnh vì lực lượng còn có tính kế thừa, khi ấy TPHCM chỉ “một mình một chợ” và đi đầu trong các cuộc đầu tư những môn thể thao mới, lạ. Chẳng địa phương nào mạnh dạn, dồi dào tiền của như TPHCM ở cuộc chơi tốn kém này.
Nhưng, ngay khi đang “thịnh”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Việt Nam, Lê Bửu cũng đã cảnh báo thế hệ sau mình rằng: Đã có dấu hiệu của một cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các địa phương khác. Người làm thể thao bây giờ tiến bộ và nhanh nhạy lắm, nhất là Hà Nội và các thành phố lớn. Họ đầu tư những môn thể thao không phải là thế mạnh của TPHCM.
![]() |
Ngay cả những môn thể thao mạnh của thành phố, họ cũng có cách gửi quân sang Trung Quốc “ăn dầm, nằm dề” để luyện ngón nghề. Điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, bóng bàn, cầu mây, bắn súng, võ thuật…có định hướng chiến lược rất rõ ràng.
Khi ông Kiết nghỉ, ông Trịnh Thanh Bình lên giữ ghế Giám đốc Sở TDTT và sự đổ vỡ bắt đầu. Nó bắt đầu từ tư tưởng coi thường kẻ yếu, tự mãn với quá khứ oai hùng, hễ “ra quân là thắng trận” của thể thao TPHCM. Cái nguy hiểm nhất xu ất phát từ trong tư tưởng, thì thật khó cứu vãn.
TPHCM coi thường chuyện đào tạo đội ngũ kế thừa, cả VĐV lẫn HLV. TPHCM mặc kệ các địa phương đầu tư một vài môn và bình phẩm: “người ta chỉ có vậy, mình có vài chục môn. Sức đâu đuổi cho lại!”. Cách làm cũng giống cách nghĩ, nghĩa là những nhà quản lý thể thao TPHCM chỉ biết mình là số 1, là tấm gương cho mọi đồng nghiệp trên cả nước học hỏi, mà không hiểu rằng, sự vận động liên tục mới làm cho “cơ thể” thể thao giữ được sự cường tráng và tươi mới.
Thế rồi, khi hàng loạt các ngôi sao ở các môn thế mạnh như bóng đá, điền kinh, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, thể dục, bơi lội, võ thuật… bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp, hoặc giã từ sân đấu… những lứa VĐV kế tiếp của TPHCM cứ hụt dần và đuối trong cuộc cạnh tranh lành mạnh với các tỉnh, thành khác. Dấu hiệu có từ lâu, nhưng có lẽ thời điểm của sự suy thoái ấy được tính vào đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21…
Vô phương cứu chữa!
Ông Trần Văn Mui, Phó giám đốc Sở TDTT trong giai đoạn suy thoái cho biết: “Xung quanh việc chựng lại của thể thao TPHCM có 2 vấn đề bất cập. Một là hệ thống đào tạo xây dựng lực lượng chưa đáp ứng yêu cầu, trường năng khiếu và một số trung tâm đào tạo, huấn luyện chưa phát huy được thế mạnh. Hai là ngành thể thao thành phố chưa bắt kịp với đà phát triển của thể thao VN, nhất là với những môn "đi tắt, đón đầu" đã được Ủy ban TDTT hợp thức hóa”.
Tuy nhiên, khi lập luận này đưa ra giữa cuộc họp, giới truyền thông đã phản ứng quyết liệt và cho rằng điều đó chưa hợp lý, chưa thể hiện hết trách nhiệm quản lý của Ban giám đốc Sở.
Tình trạng thể thao TP.HCM sa sút đã được báo động từ 5-7 năm qua. Các môn cơ bản như điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, bóng bàn…đã tụt lại rất xa, chứ không chỉ các môn mới, so với Hà Nội. Các yếu kém khác không được Sở TDTT lý giải như sự xuống dốc của các tổ chức xã hội, các liên đoàn khi vai trò của Chủ tịch hoặc Tổng thư ký đều do cán bộ Sở TDTT kiêm nhiệm, chi phối dẫn đến việc không phát huy được sức mạnh xã hội. Việc tiêu chuẩn hóa, quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý của Sở TDTT còn có sự phân công tùy tiện, cảm tính, dẫn đến hiện tượng "trên nói dưới không nghe”.
![]() |
Thêm nữa, chế độ thấp, tiền thưởng quá bèo bọt gây ảnh hưởng không nhỏ đến động lực phát triển của thể thao thành phố, ông Trần Văn Mui từng cho rằng: “Trước đây thành phố đã đi đầu (từ năm 1982) giải quyết chuyện lương, khen thưởng cho VĐV đạt thành tích thể thao. Nhưng, trước sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế - xã hội, ngành TDTT TPHCM đã nhiều lần có văn bản kiến nghị UBND TPHCM thay đổi nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Nhiều, rất nhiều lý do được đưa ra để chứng minh cho sự sa sút trầm trọng của thể thao TPHCM. Ngay cả vị Giám đốc cuối cùng của Sở TDTT là ông Nguyễn Hoàng Năng cũng phải thừa nhận:
“Cái đầu và tầm nhìn của những người quản lý là nguyên nhân lớn nhất trong sự suy thoái của thể thao TPHCM. Việc đầu tư của ngành chưa trọng điểm, chưa mạnh dạn, chưa thể hiện tính chuyên nghiệp trong cách thức quản lý, chưa định hướng cho các bộ môn vươn tầm quốc tế… Đó chính là cái yếu và cái thiếu của những người đứng đầu ngành thể thao thành phố trong thời gian qua”.
Những nhà quản lý cũng nghĩ ra hàng loạt các phương án, giải pháp, nhưng nó thường hời hợt hoặc không có tính định hướng, thành ra nó tan biến cũng nhanh như khi xuất hiện.
Chương trình đầu tư “Thế hệ Vàng” là một thí dụ điển hình. Ngay từ khi mới ra đời, nó đã khiến người khác phải lắc đầu ngao ngán. Cách tuyển chọn VĐV kiểu tùy hứng, không đúng người, đúng tài năng đưa sang tập huấn dài hạn tại Trung Quốc và một số nước khác như Bulgaria, Australia…
Hiệu quả đâu không thấy, chương trình tốn hàng chục tỷ đồng này lộ ra những điểm yếu chết người. Quản lý kém, thiếu sâu sát dẫn đến chuyện thầy trò mâu thuẫn, VĐV bỏ cuộc nửa chừng, người mới thay thế không có khả năng phát triển… Nói chung, đấy là dấu ấn duy nhất của thể thao TPHCM trong nỗ lực gầy dựng lại hình ảnh của thể thao TPHCM…
Lê Thanh
Kỳ cuối: Tài năng thể thao TPHCM “chảy máu” ồ ạt