Thể thao TPHCM “tuột dốc không phanh”

Kỳ 1: “Triều đại” vinh quang mang tên TPHCM

(Dân trí) - Hơn 10 năm trước, TPHCM là lá cờ đầu của thể thao Việt Nam, chẳng nơi nào có được sự cường thịnh và lực lượng tài năng nhiều bằng. Việt Nam có bao nhiêu môn, TPHCM đều chiếm giữ ngôi vị số 1. Từ bóng đá, điền kinh, bơi lội, bóng chuyền,cầu lông, taekwondo…

 

Hễ môn nào TPHCM đứng nhì, chẳng địa phương nào dám đứng nhất. Thời ấy, có lẽ trong thành phần các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự các giải đấu quốc tế, VĐV TPHCM chiếm tới 2/3.

 

Thế nhưng, sự chủ quan, cách làm việc lạc hậu cộng thêm với suy nghĩ quá tự mãn rằng “TPHCM mãi mãi là số 1” đã lôi cả một nền thể thao hàng đầu tuột dốc không phanh, bắt đầu một cuộc “chảy máu chất xám” lớn chưa từng thấy…

 

Có cái thời “Nhắm mắt cũng đoạt HCV”…

 

Thể thao TPHCM từng có thời vinh quang, từng có thời là niềm mơ ước của mọi địa phương. Đây là nơi mà cả thể thao phong trào, lẫn thể thao thành tích cao phát triển rầm rộ nhất nước.

 

Thế nên, ở bất kỳ đâu, tại bất kỳ giải đấu trong nước hay quốc tế nào, hễ có mặt VĐV TPHCM, người ta coi như những tấm huy chương vàng đã thuộc về họ. Từ Hội khỏe Phù đổng toàn quốc đến Đại hội TDTT toàn quốc, từ giải trẻ đến các giải vô địch quốc gia, TPHCM đều chiếm lĩnh.

 

Kỳ 1: “Triều đại” vinh quang mang tên TPHCM - 1
Tiến Minh thuộc lứa "vàng" thứ 2 của TPHCM (ảnh: Sơn Dũng)  

 

Những VĐV thể thao thời ấy huy hoàng lắm. Điền kinh có “nữ hoàng tốc độ” Trương Hoàng Mỹ Linh thống trị trên đỉnh cao ròng rã 10 năm trời (kể từ năm 1983), Nguyễn Đình Minh là “vua tốc độ” cự ly 100m nam, Nguyễn Hoàng Yến, Nguyễn Hoàng Thủy. Nguyễn Kiều Oanh là kình ngư “bất khả bại” kể từ Hội khỏe Phù đổng toàn quốc làn thứ nhất (1983) và có lẽ đến bây giờ, chưa nữ VĐV bơi lội nào sánh ngang cô về bộ sưu tập HCV đỉnh cao. CLB Seaprodex “làm mưa. Làm gió” ở làng bóng chuyền Việt Nam với những cái tên như Lê Hồng Hảo, Văn Luân…

 

Đội tuyển TDDC với “bộ tứ vàng” Tố Luynh-Minh-Phương-Loan biến thập niên 1980 của thế kỷ trước thành màn độc diễn của mình. Bóng bàn Việt Nam ghi danh Lý Minh Triết, Trần Tuấn Anh, Nhan Vi Quân, 3 tay vợt thuộc diện “xưa nay hiếm” của bóng bàn TPHCM. Ôn Tấn Lực, Dương Ngọc Đức chiếm cứ ngôi cao môn quần vợt, Từ Hoàng Thông là hiện tượng của cờ Vua, Nguyễn Đăng Khánh (Taekwondo)…

 

Nói chung, khi ấy, người ta choáng ngợp trước hình ảnh thịnh vượng của thể thao TPHCM. Thậm chí, HLV Kiều Oanh (bơi lội) giờ đây khi nhớ lại vẫn còn bồi hồi: “Không chỉ đội tuyển bơi lội, mà gần như ở tất cả các môn thể thao khác, hễ xuống hồ, hễ vào sân thi đấu là giành được HCV. Chiến thắng đến như vỗ tay”. Cũng vì thế, có lãnh đạo ngành thể thao còn mạnh miệng tuyên bố: “VĐV TPHCM nhắm mắt thi đấu cũng lấy được HCV”!

 

Chuyện lấy HCV đã dễ, chuyện xô ngã các kỷ lục quốc gia cũng dễ không kém. Người Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng… choáng ngợp trước các chiến dịch thâu tóm huy chương và kỷ lục quốc gia ở tất cả các môn thể thao của TPHCM.

 

Đấy là lý do người Việt Nam gọi TPHCM là lá cờ đầu, là “anh cả đỏ” của thể thao nước nhà. TPHCM thống trị hầu hết các môn thể thao trong khoảng 30 năm, mà có lẽ mãi về sau, ít có địa phương nào vượt qua được. Đi đến đâu, VĐV của TPHCM cũng được kính nể nhờ bề dày thành tích của mình.

 

Ông Lê Bửu - nguyên Giám đốc Sở TDTT TPHCM, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Việt Nam thời ấy được ví như một người hùng, người đã tạo dựng nên hình ảnh hùng mạnh và vàng son cho thể thao TPHCM…

 

Tài năng nối mạch

 

Cùng sự phát triển của xã hội, thể thao TPHCM tiếp tục lớn mạnh. Không ai dám phủ nhận điều đó, khi hình ảnh chiến thắng của thể thao thành phố mang tên Bác trở thành biểu tượng, trở thành bài học xây dựng quý giá cho mọi tỉnh, thành khác noi theo.

 

Kỳ 1: “Triều đại” vinh quang mang tên TPHCM - 2
Thanh Hằng là "tượng đài" của điền kinh TPHCM những năm qua (ảnh: Sơn Dũng)  

 

Sau thời huy hoàng thứ nhất, thể thao TPHCM tiếp tục sản sinh ra những gương mặt vàng khác, thế hệ kế tiếp đầy tài năng. Bóng đá có Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu, Đỗ Văn Khải, Trần Minh Chiến; bơi lội có Trần Duy Mỹ, Võ Trần Trường An, Nguyễn Trọng Nghĩa; điền kinh có Lương Tích Thiện, Nguyễn Bảo Huy, Trương Thanh Hằng; bóng bàn có Nguyễn Mai Thy, chị em Trần Lê Mỹ Linh và Trần Lê Phương Linh, Nguyễn Minh Thơ, Mai Xuân Hằng, Mai Hoàng Mỹ Trang.

 

Cầu lông có Nguyễn Anh Hoàng, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Thế Huy, Mai Quyên, Lê Ngọc Nguyên Nhung, Nguyễn Tiến Minh; Nguyễn Trọng Bảo Ngọc (karatedo); Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống, Nguyễn Thị Huyền Diệu, Nguyễn Quốc Huân (Taekwondo); Cao Ngọc Phương Trinh, Nguyễn Quốc Trung (Judo); Lý Đức, Giáp Trí Dũng, Cao Quốc Phú (thể hình), Nguyễn Thị Thanh An, Lê Kiều Thiên Kim, Lê Quang Liêm (cờ Vua), Trềnh A Sáng, Lê Thị Hương (cờ Tướng), Dương Hoàng Anh, Lý Thế Vinh (billiards), Trương Quốc Thắng, Nguyễn Thị Tường Vân (xe đạp)…

 

Kể ra chẳng thể hết, bởi lẽ rằng nhân tài của thể thao TPHCM nhiều đến độ người ta chỉ dám tính rằng “hãy cứ mặc định cho TPHCM là số 1 ở tất cả các môn thể thao”. Cứ thế, niềm tự hào của người dân TPHCM về sự thịnh vượng của nền thể thao kéo dài như sóng cuộn.

 

Thậm chí, những người lạc quan còn tin rằng, mãi mãi TPHCM sẽ giữ được cái tên “anh cả đỏ” của thể thao Việt Nam. Chỉ đến khi dấu hiệu của sự suy thoái ở hàng loạt môn thể thao hiện ra, những cảnh báo từ những người quản lý tiền nhiệm bị bỏ ngoài tai, thể thao TPHCM bắt đầu tuột dốc, mà đã tuột dốc là… không thể phanh nổi…

 

Lê Thanh

 

Kỳ 2: Thời “suy thoái” của thể thao TPHCM

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm