(Dân trí) - Kiatisuk như kẻ lãng tử phiêu du, với đầy mộng mơ và hoài bão. Một ngày, báo giới Thái Lan tung tin Zico Thái sẽ cập bến HAG. Và thế là, câu chuyện tình mới giữa ông và CLB phố Núi lại bắt đầu...
Có một giai thoại về Kiatisuk ở HAGL mà người đồng đội cũ Văn Đàn kể lại. Thời ở phố Núi, để học tiếng Việt một cách nhanh nhất, Kiatisuk đã tập hát những bài hát tiếng Việt. Một ngày, Zico Thái đã cùng cây đàn guitar “hát ngon lành” bản hit "Hát với dòng sông" của ca sĩ Mỹ Tâm. Hình ảnh Zico Thái ôm đàn, nghêu ngao thể hiện những ca khúc tiếng Việt như vậy không còn lạ lẫm. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, vị HLV này từng làm CĐV Việt Nam nức lòng, khi thể hiện hai ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và “Họa mi tóc nâu”...
Trong lằn ranh của sự thù địch giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan, người hâm mộ trên mảnh đất hình chữ S có thể yêu, có thể ghét Kiatisuk nhưng không ai có thể phủ nhận tình yêu của ông với Việt Nam.
Chỉ yêu, người ta mới say đắm tới vậy. Chỉ yêu, Kiatisuk mới miệt mài tìm hiểu văn hóa, học tiếng Việt, rồi thể hiện ca khúc tiếng Việt... Từ bao lâu, trong huyết quản của ông đã có hai chữ Việt Nam. Trong đó có tình yêu với mảnh đất Tây Nguyên, Gia Lai và sự kính phục với bầu Đức...
Trong buổi trả lời trực tuyến của Kiatisuk với người hâm mộ, có một hình ảnh tạo nên ấn tượng sâu đậm với người viết. Đó là khi bầu Đức lặng lẽ đứng một góc phòng, hướng lên màn hình tivi. Sau đó, ông ngồi xuống chăm chú xem hết buổi nói chuyện của cậu học trò cũ.
Đó là hình ảnh giá trị hơn cả ngàn lời nói. Nó giống như cái cách mà “người cha già” lặng lẽ, ngắm nhìn sự tỏa sáng của “cậu con trai”. Hình ảnh trên khiến người viết liên tưởng tới cảnh tượng Sir Alex Ferguson đứng nhìn C.Ronaldo vô địch Euro 2016. Sau đó, hai “cha - con” đã trao nhau những cái ôm rất tình cảm trên khán đài.
Phải nói rằng, thương vụ Kiatisuk nặng tựa ngàn cân. Nó khiến làng bóng đá Việt Nam và Thái Lan rúng động trong những ngày qua. Nhưng bầu Đức đã cho cách lặng lẽ nhất để tận hưởng thành quả. Chẳng có phát ngôn nào đanh thép trên mặt báo. Chỉ có hình ảnh lặng lẽ, trầm mặc.
Có lẽ, Kiatisuk hiểu được tình cảm ấy. “Tôi rất yêu mến và kính trọng bầu Đức. Tôi coi ông ấy như là người thân, người cha thứ hai của mình vậy” - huyền thoại bóng đá Thái Lan chia sẻ. Và chỉ có đúng 1 lý do khiến Kiatisuk quay trở lại bóng đá, đó chính là tình yêu với bầu Đức.
Cần phải nhấn mạnh chi tiết rằng, sau khi rời đội tuyển Thái Lan vào năm 2017, Kiatisuk chỉ dẫn dắt CLB Port trong thời gian ngắn, rồi lui về ở ẩn (trong vai trò đào tạo bóng đá trẻ). Trong những năm qua, không dưới một lần, Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã mời gọi Zico Thái trở lại đội tuyển nhưng đổi lại, họ chỉ nhận được cái lắc đầu.
Khi trở lại với Real Madrid lần thứ 2, HLV Zidane từng nhấn mạnh: “Thứ duy nhất khiến tôi chấp nhận mạo hiểm, đó là tình yêu”. Và người ta cảm nhận được thứ tình yêu tương tự từ Kiatisuk. Trở lại HAGL, có nghĩa rằng ông phải chấp nhận “đánh bạc với số phận”. Nếu thất bại, Zico Thái có thể mất tất cả, từ danh tiếng, tới sự yêu mến của CĐV. Nhưng đó chưa bao giờ là vấn đề.
Tình yêu của Kiatisuk với mảnh đất Gia Lai và bầu Đức bắt đầu từ năm 2002 sau khi trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp. Mức lương của ngôi sao số 1 bóng đá Đông Nam Á thời điểm ấy là con số khổng lồ (7.000 USD/tháng). Dù vậy, thực tế cho thấy, Zico không phải sang Việt Nam để dưỡng già, hay kiếm tiền.
Mảnh đất cuối cùng trong sự nghiệp lại mang tới tình yêu lớn nhất với danh thủ này. Ở mảnh đất Tây Nguyên, người hâm mộ tôn sùng Zico như vị thánh. Chính thứ tình cảm ấy đã níu chân Kiatisuk. Sau này, Zico Thái từng 2 lần dẫn dắt HAGL (2006, 2011). Dù không thành công nhưng ít nhiều ông đã để lại dấu ấn.
Và cũng ở mảnh đất ấy, Zico Thái gặp được người cha thứ hai, Đoàn Nguyên Đức. Không ngoa nói rằng, chỉ có bầu Đức mới đưa Kiatisuk “xuống núi” ở thời điểm này.
Thời còn là cầu thủ, Kiatisuk là cơn ác mộng với hàng thủ đội tuyển Việt Nam. Sự tỏa sáng của Zico Thái, với kiểu ăn mừng nhảy santo, đã giúp bóng đá Thái Lan thắng thế trước Việt Nam trong thời gian dài, gặt hái được rất nhiều danh hiệu.
Trong nhiều năm qua, bóng đá Thái Lan và Việt Nam luôn có sự thù địch nhất định. Và dù từng chiếm được tình cảnh của người hâm mộ Việt Nam nhưng Kiatisuk cũng không thể tránh được sự ghét bỏ.
Đặc biệt, trong giai đoạn dẫn dắt đội tuyển Thái Lan, Kiatisuk không nhận được quá nhiều cảm tình của người hâm mộ Việt Nam. Thứ nhất, do Thái Lan quá thành công với thứ bóng đá đẹp mắt. Thứ hai chính là những phát ngôn của Kiatisuk.
Trong giai đoạn ấy, Zico Thái từng có tuyên bố: “Phải mất 10 năm nữa bóng đá Việt Nam mới bắt kịp Thái Lan”. Tất nhiên, không bàn tới tính đúng sai của phát biểu này (bởi ít nhất các giải đấu của Thái Lan cũng chuyên nghiệp hơn và đội tuyển Thái Lan từng thắng thế trước Việt Nam trong thời gian dài) nhưng nó đã “đụng chạm” tới người hâm mộ trên mảnh đất hình chữ S.
Đứng trên phương diện HLV và là người dân Thái Lan, Kiatisuk hoàn toàn có thể đưa ra những phát ngôn như vậy, như để kích thích tinh thần thi đấu của các cầu thủ Thái Lan hay vì niềm tự hào dân tộc.
Nhưng sau này, khi chứng kiến thành công của đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang Seo, Zico Thái từng đính chính: “Trước đây tôi nói bóng đá Việt Nam phải mất 10 năm mới bắt kịp Thái Lan nhưng bóng đá Việt Nam phát triển quá nhanh. Giờ đây, hai nền bóng đá ngang nhau rồi”.
Và khi U22 Việt Nam vô địch SEA Games, huyền thoại bóng đá Thái Lan từng có phát ngôn tương tự: “Bóng đá Việt Nam phát triển theo chiều hướng tốt. Họ chỉ mất vài năm để có được mọi thứ, với những cầu thủ có độ tuổi còn trẻ”.
Có lẽ, nếu lấy cột mốc là hai trận thua của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018, không ai có thể nghĩ bóng đá Việt Nam phát triển đến vậy. Thời ấy, chẳng ai nghĩ rằng người Thái có thể bị vượt mặt. Thứ bóng đá ban bật đầy mê hoặc của Kiatisuk đã chinh phục tất cả, vươn lên trở thành kẻ thách thức ở châu Á.
Tất nhiên, chẳng có sự thù ghét nào là vĩnh viễn. Kiatisuk chưa bao giờ tắt tình yêu với Việt Nam và người hâm mộ Việt Nam cũng vậy. Giờ đây, họ đang chào đón Kiatisuk tới HAGL với sự hân hoan và niềm tin mạnh mẽ.
Bất kỳ nền bóng đá nào trên thế giới không thể đứng yên, mà nó phải không ngừng chuyển động và tạo nên cuộc cách mạng. Đơn cử như bóng đá Anh, sự xuất hiện của Mourinho trước đây và Jurgen Klopp, Pep Guardiola những năm qua chính là cuộc cách mạng như vậy.
Bóng đá Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Trước đây, bầu Đức chủ trương áp dụng lối bóng chơi bóng ngắn, ban bật đẹp mắt, để tạo nên cuộc cách mạng mới ở V-League. Lò đào tạo của HAGL cũng hướng cầu thủ theo lối chơi này. Chỉ tiếc rằng, cuộc cách mạng của bầu Đức chưa tới tầm.
Nói vậy bởi lẽ, HAGL thời điểm cách đây vài năm (khi lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường) ra mắt, họ đã chơi như vậy nhưng không thành công ở V-League bởi chưa có HLV đủ tầm để giúp lối chơi ấy có thể phát huy sức mạnh. Dù trước đó, lứa của Công Phượng từng làm mưa làm gió ở giải U19 nhưng việc thi đấu ở V-League là điều khác hoàn toàn.
Nói vậy để thấy, Kiatisuk là HLV mà HAGL rất cần ở thời điểm này. Lối chơi ban bật mang thương hiệu tiqui-taka từng giúp đội tuyển Thái Lan từng làm mưa làm gió ở khu vực Đông Nam Á và vươn tới tầm châu Á.
Đó có lẽ cũng là lối chơi mà bầu Đức đã muốn thấy bấy lâu nay. Một lợi thế của Kiatisuk là những cầu thủ HAGL được đào tạo để thi đấu như vậy. Do đó, họ không mất quá nhiều thời gian để thích nghi. Mùa tới, đội bóng phố Núi sẽ có đầy đủ nhân tài ở lứa 1 như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn...
Có một điều cần thích nghi với lối chơi này, các cầu thủ cần cải thiện thêm về vấn đề thể lực. Có lẽ, Kiatisuk sẽ hướng khá nhiều để cải thiện điều đó trong thời gian đầu.
Thực tế, trong những năm qua, trừ CLB Hà Nội, hầu hết các đội bóng khác ở V-League có lối chơi khá đơn giản. Hầu như họ chỉ tập trung bóng cho các ngoại binh ở hàng công, để... tự xử lý. Ngay cả CLB Viettel vừa vô địch V-League cũng không phải ngoại lệ. HLV Trương Việt Hoàng chủ yếu cải thiện vấn đề phòng ngự. Còn ở mặt trận tấn công, các ngoại binh như Bruno sẽ nắm vai trò quyết định.
Đó là lý do người ta mong chờ Kiatisuk sẽ mang tới cuộc cách mạng về chiến thuật, không chỉ là HAGL mà còn cả V-League.
Sang Việt Nam đợt tới, Zico Thái sẽ đi cùng với người trợ lý thân cận là Abhisit Khai Kaew, người từng gắn bó với ông ở cả CLB Bangkok United lẫn đội tuyển Thái Lan. Nói thêm về Abhisit Khai Kaew, đây là cựu cầu thủ futsal và bóng đá bãi biển, hai môn bóng đòi hỏi kỹ thuật, ban bật và khả năng xử lý trong phạm vi hẹp cực tốt.
Chính vì vậy, việc Kiatisuk mang theo Abhisit Khai Kaew cho thấy ông sẵn sàng áp dụng lối đá ban bật của HAGL.
Một vấn đề đáng lưu ý khác, sự xuất hiện của Kiatisuk có thể sẽ tạo nên làn sóng cầu thủ Thái Lan mới ở V-League (sau khi bùng nổ đầu những năm 2000). Trong những năm qua, cầu thủ Thái Lan luôn có xu hướng chuyển tới những giải đấu hàng đầu châu lục như Nhật Bản. Giải VĐQG Thái Lan trở thành nơi thu hút những ngôi sao bóng đá hàng đầu Đông Nam Á.
Nhưng nếu như V-League có thể thu hút được những ngôi sao Thái Lan di chuyển theo chiều ngược lại thì sẽ là thành công lớn. Nó sẽ giúp nâng tầm vị thế của bóng đá Việt Nam.
Bình luận viên Quang Huy nhận định: “Sự xuất hiện của Kiatisuk sẽ mang tới hiệu ứng tốt cho HAGL. Tuy nhiên, ông ấy cũng cần thời gian để mang tới hiệu quả, chứ chưa thể tốt ngay được”.
Trong quá khứ, Kiatisuk từng 2 lần dẫn dắt HAGL vào năm 2006 và 2011. Cả hai lần ấy, Zico đều thất bại. Bản thân ông cũng chưa từng thành công với bất kỳ CLB nào trong sự nghiệp.
Đó có thể là điểm trừ của Kiatisuk ở thời điểm này nhưng không làm giảm đi những sự mong đợi.
Phố Núi chuẩn bị đón Zico trở về...