1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Khi V-League đối đầu với Thai-League

(Dân trí) - Hà Nội T&T đụng Muangthong United (Thái Lan) ở vòng loại AFC Champions League cũng là lúc mà nhiều người so sánh về chất lượng của V-League so với Thai-League…

Kỳ thực là trước khi thay đổi, Thai-League cũng có những va vấp, những sai lầm hệt như V-League hiện nay.

Cũng có thời các CLB của Thái Lan do các doanh nghiệp chống lưng, xài tiền rất nhiều nhưng hiệu quả của đồng tiền bỏ ra lại không tương xứng với chất lượng thu về. Đấy là thời điểm mà nhìn lượng khán giả đến sân xem Thai-League mà ngán, khi các khán đài cứ trống hơ trống hoác.

Tuy nhiên, điều quan trọng là LĐBĐ Thái Lan nhận ra sai lầm và thay đổi Thai-League với phiên bản mới ra đời từ năm 2008. Dạo sau này, các CLB Thái Lan phát triển mang tính bền vững hơn.

Họ mời cả chuyên gia từng làm việc ở giải Ngoại hạng Anh về tư vấn cho các CLB (khác với V-League mời chuyên gia Nhật Bản về làm trưởng giải, trong khi cái cần thay nhất lại là tư duy làm bóng đá của các đội bóng thì chưa thay đổi).

Khi V-League đối đầu với Thai-League
Đại diện của V-League Hà Nội T&T muốn vào vòng bảng AFC Champions League phải qua 3 lớp vòng loại


Các đội bóng dự Thai-League bây giờ thay đổi cả về cách kinh doanh, cách kiếm tiền, kêu gọi tài trợ, cho đến cải thiện chất lượng phục vụ khán giả. Thấy rõ là giải VĐQG Thái Lan hiện nay rất đông người theo dõi, với các trận đấu luôn đông đặc người phủ kín các khán đài (các trận thuộc Thai-League thường xuyên được truyển trực tiếp trên hệ thống truyền hình TrueSports).

Đấy là cái hơn thấy rõ của Thai-League thời điểm hiện tại so với V-League. Giải VĐQG Việt Nam ngày càng vắng khán giả, đáng kể nhất là lượng khán giả của đội ĐKVĐ V-League Hà Nội T&T luôn ổn định ở mức… vài trăm người, trận nào cao lắm được nâng lên con số hàng ngàn.

Không thu hút được người xem, V-League cũng không dễ kiếm tiền từ các nhà tài trợ, bởi sức hút quảng bá bây giờ quá kém. Càng không thể có chuyện các đội bóng thuộc V-League mơ đến chuyện tìm nguồn thu từ vé hay bản quyền truyền hình như các CLB Thai-League đang thực hiện.

Chưa có sự so sánh trực tiếp về chất lượng chuyên môn giữa lực lượng các CLB đang dự Thai-League và các CLB đang dự V-League, trước trận đấu giữa Hà Nội T&T và Muangthong United ở vòng loại AFC Champions League năm nay.

Nhưng có một chi tiết không thể không nhắc đến đó là việc nhà ĐKVĐ V-League Hà Nội T&T phải bắt đầu AFC Champions League 2014 từ vòng loại đầu tiên (sau 3 lớp vòng loại mới được vào vòng bảng), trong khi đội mạnh nhất Thai-League hiện giờ là Buriram United lại được vào thẳng vòng bảng của giải đấu này.

Riêng năm 2013, Buriram United vào đến tận vòng tứ kết AFC Champions League, trong khi cũng ở giải đấu này, nhiều năm nay các CLB thuộc V-League cứ hễ hiện diện ở vòng bảng là thua xiểng liểng nhiều đội bóng mạnh tầm châu lục.

Điều đó có nghĩa là hiện tại thì LĐBĐ châu Á (AFC) đánh giá cao Thai-League hơn V-League, bằng chứng là họ cho phép đội mạnh nhất Thai-League vào thẳng vòng bảng AFC Champions League, trong lúc đội mạnh nhất V-League phải bắt đầu sân chơi số 1 châu lục cấp CLB từ vòng loại đầu tiên.

Đánh giá của AFC không phải là đánh giá khơi khơi, mà dựa trên những tiêu chuẩn, tiêu chí hết sức rõ ràng, ví dụ như thành tích của nền bóng đá ấy ở sân chơi châu lục, cộng thêm mức độ chuyên nghiệp được xây dựng nơi từng nền bóng đá… Xét về những mặt này thì hiện Thai-League đều hơn V-League, với nhiều đội bóng đến cái sân cũng không lắp nổi giàn đèn đúng chuẩn.

Trong quá trình phát triển, bóng đá Thái Lan tầm mức CLB cũng không tránh khỏi nhưng va vấp hệt như bóng đá Việt Nam tầm mức ấy. Chỉ có điều khác biệt là Thai-League đã sửa sai và sửa rất thành công, trong khi V-League đến năm thứ 14 được gắn mác chuyên nghiệp lại càng ngày càng giống một… cái chợ.

V-League rất khó phát triển chừng nào mà nhiều người cứ thích mượn bóng đá để làm lợi cho bản thân hoặc làm lợi cho những việc ngoài bóng đá. V-League càng không thể phát triển một khi phần chi cho các CLB hàng năm cứ bị rơi rớt quá nhiều thông qua những khoản “hoa hồng” hậu hĩnh, mà người cho rằng đấy là luật bất thành văn ở V-League khi có những bản hợp đồng mới.

Thành ra, tiền lẽ ra dành để cho việc phát triển bóng đá lại không được chi đúng chỗ mà cứ lọt qua chỗ này, hay chỗ khác, làm lợi cho người này, người kia, trong khi bản thân bóng đá càng phú quý càng giật lùi.

Trọng Vũ
Dòng sự kiện: V-League 2014