1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

K+ mua được bản quyền giải Ngoại hạng Anh: Ai lợi, ai thiệt?

Khi thông tin Canal Plus đã mua bản quyền Giải Ngoại hạng Anh (EPL) ở VN 3 mùa tới với giá 40 triệu USD cho K+ được hé lộ, thì hàng loạt câu hỏi đặt ra là: Tại sao Canal dám bỏ ra khoản tiền “khủng” như vậy để mua EPL khi liên doanh đang lỗ nặng?

Canal Plus đã bỏ 40 triệu USD mua bản quyền EPL ở VN 3 mùa giải tới cho K+

Canal Plus đã bỏ 40 triệu USD mua bản quyền EPL ở VN 3 mùa giải tới cho K+

Tại sao VTV lại “không biết gì” về thương vụ mua bán này?

Nghi vấn “chuyển giá”

Kết quả kinh doanh của liên doanh VSTV (K+) kể từ khi thành lập liên tục lỗ, năm sau lớn hơn năm trước. “Kể từ năm 2009, trung bình mỗi ngày lỗ 1 tỉ đồng” - đó là thông báo của chính VTV trong một cuộc họp của đài. Hiện tại, số thuê bao của K+ là 440.000, trong khi điểm hòa vốn trước khi Canal Plus mua bản quyền Giải Ngoại hạng Anh phải đạt tới 470.000 thuê bao, còn sau khi mua bản quyền thì theo tính toán, con số đó sẽ lên tới 800.000 thuê bao. Có nghĩa là trong 3 năm tới, K+ phải tăng gấp đôi số lượng thuê bao mới hy vọng... không lỗ. Vậy thì tại sao Canal Plus vẫn quyết tâm đổ tiền vào K+?

Ngoài lý do là việc độc quyền bản quyền Giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm vừa qua đã là nhân tố chủ yếu giúp K+ phát triển thuê bao, thì Canal Plus còn tự tin vì có trong tay một bảo bối khác. Trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình, nhiều người cho rằng: “Canal đổ tiền vào là việc của họ, đó là tiền của nước ngoài, lỗ họ phải chịu”. Nhưng thực chất của vấn đề không đơn giản như vậy.

Câu chuyện “chuyển giá” mới đây đã làm dậy sóng dư luận trong nước, với một loạt tên tuổi các tập đoàn đa quốc gia làm ăn ở VN như Coca Cola, Adidas, Metro... bị gọi tên là đã dùng “chiêu” này để đẩy giá nguyên phụ liệu lên cao khiến công ty con lỗ dài dài, nhưng tập đoàn mẹ thì vẫn lãi, ngoài ra, công ty con còn tránh được thuế thu nhập doanh nghiệp. Và câu chuyện trên có thể cũng tương tự như vậy với món hàng bản quyền EPL.

Canal Plus thông báo với K+ rằng họ mua bản quyền EPL ở VN với giá 40 triệu USD, nhưng thực chất mua bao nhiêu thì chỉ họ và IMG biết. Với lợi thế là một tập đoàn truyền hình trả tiền lớn ở Châu Âu, Canal Plus còn mua bản quyền của IMG trên nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ mỗi giải EPL. Vì vậy, họ có nhiều thứ để trao đổi và cũng có thể mua thấp hơn nhiều so với giá công bố. Khi số lượng thuê bao tăng lên vì có EPL thì K+ còn bán đầu thu, nhập trang thiết bị, câu chuyện “chuyển giá” có thể tiếp diễn khi quyền quyết định trong tay Canal. Vì vậy, cho dù liên doanh thua lỗ thì Canal vẫn bảo đảm không bị thiệt.

Khi IMG bắt đầu rao bán bản quyền EPL 2013-2016 ở VN với mức giá tối thiểu 37,5 triệu USD, gấp đôi so với MP &Silva 3 năm trước và còn với thái độ rất “cành cao”, nhiều người đã “cười khẩy” cho là “ông lớn” này quá ngông cuồng, không tìm hiểu kỹ thị trường, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người dân VN đang sôi sục phản ứng với việc các đài phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để mua bản quyền EPL. Thế nhưng với câu chuyện “chuyển giá” trên thì thái độ tự tin của IMG đã có thể hiểu được. Đã chắc chắn có người mua từ lâu thì việc gì họ phải lo sợ? Và liệu cái mức giá trên trời mà IMG đưa ra có phải vừa là một chiêu tâng giá cho Canal, mà IMG vẫn hy vọng thu lợi thêm từ các đài khác?

Tại sao VTV “không biết gì”?

 VTV chiếm 51% vốn trong liên doanh mà tại sao lại không biết gì về thương vụ mua bán EPL của K+? Tại sao VTV không có quyền quyết định trong liên doanh? Hôm qua, Lao Động đã cố gắng liên hệ với Phó Tổng GĐ VTV Nguyễn Thành Lương để trao đổi về vấn đề này, nhưng ông không bắt máy.

Lãnh đạo VTV có biết hay không thì chỉ... lãnh đạo VTV biết. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì tình trạng của liên doanh VSTV cũng giống như nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác ở VN. 51% vốn của VTV được tính bằng cơ sở vật chất và nhân lực, trong khi Canal lo toàn bộ tiền cho hoạt động của liên doanh, vì vậy, trên thực tế quyền điều hành trong tay Canal. Tình trạng lỗ triền miên và câu chuyện “chuyển giá” không phải lãnh đạo VTV không biết, nhưng họ cũng đang đau đầu chưa biết giải quyết ra sao.

Ai chịu thiệt?

Đương nhiên trước tiên là VTV vì họ là người phải gánh lỗ của K+ và lại còn chịu tiếng là không bảo được “con”. Các đài truyền hình khác cũng đang lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, vì nếu không mua bản quyền EPL thì K+ sẽ một mình một chợ, nhưng mua thì sẽ phải bỏ ra khoản tiền quá lớn và cuối cùng họ sẽ lỗ hoặc người xem phải gánh chịu. Hiện tại, chưa rõ K+ có tăng phí thuê bao hay không vì hôm qua, chúng tôi cũng đã liên hệ với TGĐ K+ Cao Văn Liết, nhưng cũng không được bắt máy.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn trả lời câu hỏi: “Là người đã ký công văn đề nghị VTV làm đầu mối mua bản quyền truyền hình giải EPL để tránh bị nước ngoài nâng giá, ông có cảm thấy tiếc khi chỉ đạo đã không được thực hiện như mong muốn?”: “Nếu thực sự là Canal đã mua bản quyền EPL cho K+ thì VTV trong việc điều hành nội bộ rất đáng tiếc. Trong lúc các đài khác đang rất tin tưởng giao cho VTV và bản thân họ cũng thoải mái khi được tín nhiệm thì lại xảy ra việc như vậy. Tôi nghĩ rằng lòng tin, sự tín nhiệm, uy tín còn lớn hơn những điều khác. Việc mua bán này không sai, nhưng vì lợi ích chung thì thực sự việc thực hiện của VTV là rất đáng tiếc. Tôi nghĩ VTV cũng không vui vì chuyện đó đâu”.

Diệu An ghi


Theo Ngọc Bích
Lao động