Huy Hoàng, Nguyễn Thị Oanh và những VĐV tạo dấu ấn đậm nét tại SEA Games
(Dân trí) - Một kỳ SEA Games thành công rực rỡ không thể không nhắc đến vai trò của những nhân vật chính: Các VĐV xuất sắc, tạo nên những thành tích xuất sắc, khẳng định cho sự phát triển của Thể thao Việt Nam.
Thành công ở các môn cơ bản
Hai VĐV nam, nữ được bầu chọn xuất sắc nhất SEA Games 31 lần lượt là Nguyễn Huy Hoàng (bơi) và Nguyễn Thị Oanh (điền kinh).
Những tưởng sự rút lui của Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ khiến đội tuyển bơi Việt Nam suy yếu, nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Các kình ngư của nước chủ nhà SEA Games 31 giành đến 11 HCV, 11 HCB và 3 HCĐ, vượt xa chỉ tiêu đề ra ban đầu.
Riêng Nguyễn Huy Hoàng giành 5 HCV (400m, 800m, 1.500m bơi tự do, 200m bơi bướm và 4x200m bơi tự do nam), phá 2 kỷ lục SEA Games: Phá kỷ lục nội dung 400m tự do nam (3 phút 48 giây 06) và phá kỷ lục nội dung 4x200m tự do nam (7 phút 16 giây 31).
Đặc biệt, ở nội dung 4x200m bơi tự do nam, Huy Hoàng cùng các đồng đội ở đội tuyển Việt Nam còn đánh bại Schooling cùng đội bơi siêu mạnh của Singapore. Chi tiết đấy phản ánh sự lớn mạnh của bơi Việt Nam, đồng thời mở ra hy vọng trong tương lai gần, môn bơi cũng giống như môn điền kinh, trở thành cường quốc số một tại Đông Nam Á.
Cũng nhân dịp nhắc đến môn điền kinh, Nguyễn Thị Oanh là cái tên xuất sắc đáng được vinh danh tại SEA Games năm nay. Trên đường chạy của đại hội, cô giành 3 HCV ở các nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật nữ.
Và cũng giống như Nguyễn Huy Hoàng trong môn bơi, Nguyễn Thị Oanh cũng có kỷ lục mới SEA Games, ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật, cô thiết lập kỷ lục mới ở mốc 9 phút 52 giây 06.
Liên quan đến môn điền kinh, một cái tên khác tạo ấn tượng đậm nét trên đường chạy là Nguyễn Thị Huyền. Bà mẹ một con này xuất sắc đến không ngờ, ở thời điểm mà nhiều người nghĩ rằng cô đã xuống phong độ vì tuổi tác (29), và vì cô đã có con.
Cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự các kỳ SEA Games trước đây, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhận xét: "Cơ thể phụ nữ sau khi sinh có những chuyển biến không có lợi cho các VĐV đỉnh cao. Chính vì vậy, việc Nguyễn Thị Huyền vẫn thi đấu và vẫn chiến thắng cho thấy sự bền bỉ và nghị lực phi thường của cô gái này".
Ngoài 2 HCV ở các nội dung 400m và 4x400m nữ, Nguyễn Thị Huyền còn suýt chút nữa giành thêm vàng ở nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp. Ở nội dung này, cô vẫn chạy rất bốc, bỏ xa đối thủ ở cùng đợt chạy thứ hai với mình, tiếc là ở đợt chạy cuối, Quách Thị Lan lại tung nước rút không tốt, khiến đội Việt Nam mất HCV về tay Thái Lan.
Cũng ở môn điền kinh, Nguyễn Văn Lai là cái tên xuất sắc nữa. Ở tuổi 36, VĐV kỳ cựu này vẫn giành 2 HCV các nội dung chạy 5.000m và 10.000m nam.
Thành công ở các môn mang tính đại chúng
Sở dĩ nói nhiều đến điền kinh và bơi, vì đây là 2 môn cơ bản nhất của phong trào Olympic quốc tế, thường được dùng để đánh giá sức mạnh cũng như tốc độ phát triển của các nền thể thao. Trên cơ sở đó, phải nói rằng Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 31 đã có bước phát triển vững chắc.
Những VĐV xuất sắc khác, ghi dấu ấn đặc biệt tại SEA Games 31 có thể kể đến Huỳnh Như (bóng đá nữ), Đỗ Hùng Dũng (bóng đá nam), Lý Hoàng Nam (quần vợt), Nguyễn Đức Tuân (bóng bàn).
Huỳnh Như giúp đội bóng đá nữ lần thứ 3 liên tiếp giành HCV nội dung này, thành tích chưa hề có tiền lệ trong lịch sử các kỳ SEA Games.
Đỗ Hùng Dũng giúp đội bóng đá nam bảo vệ thành công ngôi vô địch, điều mà lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam chúng ta làm được, tại một kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á.
Bóng đá vẫn là môn vua, chỉ có bóng đá, đặc biệt là bóng đá nam mới đủ sức kéo hàng triệu người dân đổ ra đường cùng nhau ăn mừng, cùng nhau reo vui ca hát. Những hình ảnh đấy khiến truyền thông khắp Đông Nam Á và một số kênh truyền thông lớn ở châu Á và trên thế giới ấn tượng mạnh.
Với quốc tế, đấy cũng là hình ảnh cho thấy Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19, là điểm đến an toàn và thân thiện cho du khách cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Nguyễn Đức Tuân là người Việt Nam đầu tiên giành lại HCV bóng bàn nội dung đơn nam, sau thành tích của Trần Tuấn Quỳnh ở kỳ SEA Games năm 2003 trên sân nhà. Còn Lý Hoàng Nam có lần thứ hai liên tiếp giành HCV đơn nam tại Đông Nam Á vận hội. Bóng bàn và quần vợt là những môn mà người hâm mộ Việt Nam rất yêu thích.