Quyết liệt hành động để thể thao Việt Nam vươn xa

Huy động nhiều nguồn lực để cải thiện thành tích

Trong làng thể dục dụng cụ Việt Nam hiện giờ, tên tuổi của VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong chẳng mấy ai là không biết.

Chàng trai với vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt thư sinh, hiền lành và nụ cười tươi rói, dễ thương đã làm nên những kỳ tích khó ai có thể sánh được trong năm 2023 khi đánh đổ nhà vô địch thế giới Carlos Yulo để lên ngôi vô địch SEA Games 32 và sau đó là mang về chiếc HCB quý như vàng đầu tiên cho thể dục dụng cụ nam Việt Nam tại đấu trường lớn nhất châu lục - Asian Games 19.

Huy động nhiều nguồn lực để cải thiện thành tích - 1

Nguyễn Văn Khánh Phong có được thành tích như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp, sự chung tay của ngành thể thao và địa phương (Ảnh: Quý Lượng).

Và để có một Nguyễn Văn Khánh Phong với những thành tích như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp, sự chung tay của ngành thể thao và địa phương chủ quản của Khánh Phong là TPHCM.

Huy động nhiều nguồn lực

Sinh năm 2002 tại TPHCM, tài năng của Khánh Phong được phát hiện trong một lần HLV Võ Đình Vinh tuyển chọn tài năng trẻ ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Tập luyện chuyên nghiệp từ năm 6 tuổi, sau hơn 6 năm rèn luyện chăm chỉ tại TP.HCM, Khánh Phong được cơ quan chủ quản đưa sang Hungary tập huấn 4 năm, trước khi được gọi lên tập trung đội tuyển quốc gia. Tại đây Phong đã được các HLV kỳ cựu, vừa giỏi chuyên môn, giàu nhiệt huyết đúng như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng "muốn có trò hay thì phải có thầy giỏi dẫn dắt". Cùng với sự tận tâm của HLV Trương Tuấn Hiền và Trương Minh Sang là một quy trình huấn luyện bài bản, khoa học đã được lên kế hoạch tỉ mỉ tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội và sự phối hợp nhịp nhàng, chung tay, góp sức của ngành thể thao với đơn vị chủ quản là TPHCM và Liên đoàn Thể dục Việt Nam. Tất cả những nỗ lực ấy đã "nhào nặn" nên một Khánh Phong đầy thành tích của ngày hôm nay.

Thành công của Nguyễn Văn Khánh Phong cũng là minh chứng thuyết phục cho chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thể thao Việt Nam phải dựa trên hai trụ cột chính là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Làm tốt để qua thể thao quần chúng, phát hiện ra những hạt nhân tiêu biểu, những năng khiếu nổi bật đưa vào tuyển chọn, huấn luyện đào tạo cho thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó chúng ta phải bám sát vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để tham mưu trúng, đúng, kịp thời và từ đó nhận được sự quan tâm, tận dụng được nguồn lực của các cấp, ngành, địa phương để phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Về công tác đào tạo huấn luyện, Bộ trưởng đánh giá, chúng ta cũng đã bắt đầu tiếp cận theo hướng từ sớm, từ xa, lựa chọn thầy giỏi, HLV tốt để có trò giỏi, VĐV tốt.

Bà Phan Thùy Linh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam cho biết, để thể dục dụng cụ Việt Nam có thành tích như hôm nay, ngoài vai trò chính là ngành thể thao, còn là nhờ sự chung tay góp sức của các địa phương trong đó TPHCM đã góp phần phát hiện, đào tạo ra những tài năng như Khánh Phong, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương. Đây là các VĐV đã được TPHCM cử đi tập huấn tại Hungary bằng kinh phí địa phương.

"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Cục Thể dục thể thao, sắp tới bộ môn và Liên đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để cùng san sẻ kinh phí giúp cho các VĐV được tập huấn nước ngoài nhằm cải thiện, nâng cao thành tích thi đấu. Hiện tại Liên đoàn Thể dục Việt Nam và Cục Thể dục thể thao đang tích cực làm việc với Liên đoàn thể dục thế giới và Liên đoàn thể dục Nhật Bản để xây dựng chương trình tập huấn dài hạn cho đội tuyển thể dục dụng cụ tại Nhật Bản nhằm hướng tới mục tiêu là Asian Games 2026 tại Nhật Bản và Olympic 2028 tại Mỹ. Nguồn kinh phí sẽ kết hợp từ nhiều nguồn là kinh phí Nhà nước, kinh phí hỗ trợ từ Nhật Bản và kinh phí của các địa phương như TPHCM, Quân đội", bà Phan Thùy Linh cho biết.

Huy động nhiều nguồn lực để cải thiện thành tích - 2

Ánh Viên đã mang nhiều thành tích về cho thể thao Việt Nam.

Chung tay cải thiện thành tích

Câu chuyện của Nguyễn Văn Khánh Phong, cũng tương tự câu chuyện của Ánh Viên trước đó về sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành thể thao với đơn vị chủ quản và các Liên đoàn, Hiệp hội nhằm tận dụng tối đa nguồn lực. Để đào tạo nên một "tiểu tiên cá" Ánh Viên, ngành Quân đội đã chung tay cùng ngành thể thao trong việc lo kinh phí tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Ngành Quân đội cũng thường xuyên khen thưởng, phong quân hàm, biểu dương, khích lệ Ánh Viên. Thành đạt nhờ sự quan tâm của các cấp ngành, nhất là ngành Thể thao và Quân đội, sau khi thành danh, giã từ sự nghiệp thi đấu, Ánh Viên cũng đã mở nhiều lớp dạy bơi và dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, làm được nhiều điều có ích cho xã hội.

Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, đúng như chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, muốn có một nền thể thao mạnh thì phong trào thể thao ở tất cả các địa phương, các trường học đều phải mạnh. Từ đó mới nâng cao được sức khỏe cho nhân dân, phát hiện được tài năng cho thể thao thành tích cao. Trong những thành công của thể thao Việt Nam thời gian qua không thể không kể đến vai trò của các địa phương trong việc hỗ trợ về công tác tìm kiếm, đào tạo tài năng bước đầu cho các đội tuyển. Các địa phương cũng hỗ trợ về cơ sở vật chất giúp các đội tuyển quốc gia tập luyện như Hà Nội, TP.HCM hay ngành Quân đội. "Hiện tại điều kiện về cơ sở vật chất của Trung tâm vẫn chưa đáp ứng được hết nên chúng tôi vẫn gửi quân về các địa phương và họ đều rất nhiệt tình hỗ trợ. Các địa phương cũng hỗ trợ các địa điểm thi đấu khi tổ chức các giải đấu thể thao trong nước và quốc tế", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Rowing là môn thể thao mang lại nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam tại các đấu trường quốc tế, với bề dày thành tích 3 kỳ liên tiếp giành suất đạt chuẩn Olympic và 4 kỳ ASIAD liên tiếp đoạt các huy chương vàng, bạc, đồng và mới đây tại SEA Games 31, Rowing Việt Nam xuất sắc giành 8 HCV, xếp thứ nhất toàn đoàn. Có được thành tích trên ngoài sự quan tâm, đầu tư có chiến lược dài hạn của các cấp, ngành, Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam thì không thể không kể đến sự góp sức từ các địa phương có phong trào đua thuyền. Phong trào đua thuyền đã phát triển tại 30 tỉnh, thành, ngành nên việc tuyển chọn VĐV bổ sung cho đội tuyển quốc gia luôn có nhiều lựa chọn. Đó là lý do để đội tuyển đua thuyền dù đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng vẫn có thành tích tốt tại các kỳ Đại hội vừa qua. "Hiện tại, bộ môn đang phối hợp cùng Liên đoàn Đua thuyền và các địa phương tiếp tục phát triển phong trào đua thuyền với sự chuẩn bị kỹ lưỡng lực lượng VĐV kế thừa từng giai đoạn; tham mưu, định hướng cho các địa phương đầu tư trọng điểm các nội dung thế mạnh của Việt Nam để đạt kết quả cao tại các kỳ Đại hội", bà Dương Thị Hồng Hạnh chia sẻ.

Như vậy để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, chúng ta cần sự chung tay, góp sức của các địa phương trong công tác phát hiện, đào tạo ban đầu cho đến sự ủng hộ về cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện thi đấu cho các đội tuyển. Tiếp đến chúng ta cần một đội ngũ HLV giỏi và một chu trình huấn luyện bài bản, khoa học để nâng tầm các VĐV và đặc biệt cũng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là phải xây dựng được một môi trường văn hóa để các VĐV hoàn thiện nhân cách, trở thành những VĐV giỏi, công dân tốt của xã hội. 

Hiện tại điều kiện về cơ sở vật chất của Trung tâm HLTTQG Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được hết nên chúng tôi vẫn gửi quân về các địa phương và họ đều rất nhiệt tình hỗ trợ. Các địa phương cũng hỗ trợ các địa điểm thi đấu khi tổ chức các giải đấu thể thao trong nước và quốc tế.

(Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội)

Theo Thu Sâm
Báo Văn Hóa